Xác định phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường là nhiệm vụ hết sức quan trọng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường" giai đoạn 2013-2016 đạt nhiều kết quả, trong đó chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác pháp chế của Sở GD&ĐT và cán bộ quản lý, giáo viên các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục. Đồng thời, chủ động chỉ đạo các đơn vị tích cực lồng ghép PBGDPL vào môn Giáo dục công dân, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động của Đoàn, Đội trường học phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Một số kết quả thiết thực, cụ thể như sau: Thứ nhất, về tổ chức Hội nghị phổ biến luật và tập huấn kĩ năng, nghiệp vụ PBGDPL: Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra, qua đó quán triệt sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, công chức, nhà giáo, người lao động và học sinh trong toàn ngành, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị quán triệt Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thi hành Luật, nghiệp vụ PBGDPL trong nhà trường cho đại diện các ngành liên quan, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, phổ thông, các Phòng GD&ĐT và Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh đồng thời tổ chức tập huấn riêng cho giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân các trường THPT và THCS. Thứ hai, khảo sát thực trạng về tình hình học sinh sinh viên vi phạm pháp luật; khảo sát đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách công tác PBGDPL trong ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh. Để đánh giá thực trạng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý phụ trách công tác PBGDPL trong nhà trường, Sở GD&ĐT đã tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách công tác này. Qua khảo sát cho thấy, toàn tỉnh có 41 giáo viên chuyên ngành môn Giáo dục công dân, đa số giáo viên, cán bộ phụ trách công tác PBGDPL trong trường học đều là kiêm nhiệm, vừa giảng dạy môn Giáo dục công dân, vừa phụ trách công tác PBGDPL, số còn lại chuyên trách công tác PBGDPL chủ yếu nằm ở khối các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp. Điều này đặt ra cho cơ quan quản lí giáo dục và cán bộ quản lý các trường cần có sự quan tâm đúng mức để xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên thực hiện công tác PBGDPL trong thời gian đến. Qua khảo sát về tình hình học sinh sinh viên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh cho thấy học sinh sinh viên vi phạm chủ yếu là tội trộm cắp tài sản và vi phạm Luật giao thông đường bộ. Thứ ba, tổ chức Hội thi hùng biện "Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật" dành cho học sinh cấp THPT, THCS. Qua nắm bắt thực trạng nêu trên, Sở GD&ĐT đã đổi mới nội dung, hình thức tổ chức hoạt động PBGDPL cho học sinh. Trong đó, tập trung ở hai cấp học THCS và THPT. Với tinh thần đó, Sở GD&ĐT đã ban hành kế hoạch tổ chức Hội thi hùng biện "Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật" dành cho học sinh cấp THPT và THCS (Tổ chức Hội thi cấp THPT vào năm 2014, cấp THCS vào năm 2015). Hội thi đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Đặt biệt, hầu hết các em đã có sự nghiên cứu, lựa chọn các câu chuyện, nhân vật có thật trong đời sống xã hội nói chung và trong nhà trường nói riêng để đưa vào bài hùng biện một cách tự nhiên, sinh động. Thông qua câu chuyện tình huống, đã gắn kết giữa các giá trị đạo đức với vấn đề pháp luật, đồng thời thể hiện tốt phần liên hệ thực tiễn, khơi dậy các giá trị nhân văn để tuyên truyền, góp phần quan trọng vào việc giáo dục đạo đức, nhân cách, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh. Hội thi này đã được sự hưởng ứng tích cực của nhà trường trường, các cơ quan thông tấn, báo chí đánh giá tốt. Thứ tư, PBGDPL và cung cấp tài liệu giảng dạy cho các trường. Kết hợp với công tác chỉ đạo, Sở GD&ĐT đã làm tốt công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật thông qua kênh "Văn phòng trực tuyến" trên trang Website của Sở. Vì vậy, đã giúp các trường kịp thời cập nhật các văn bản để triển khai thực hiện. Trong điều kiện hiện nay, Sở GD&ĐT đã sưu tầm, lựa chọn cung cấp tài liệu PBGDPL cho các cơ sở giáo dục, bao gồm: băng, đĩa, các ấn phẩm phục vụ công tác giáo dục pháp luật. Ghi hình tất cả các phần thi của thí sinh tại vòng chung kết Hội thi hùng biện "Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật" cấp THPT và THCS; đồng thời biên tập làm tư liệu PBGDPL cho các trường. Thứ năm, xây dựng tài liệu giảng dạy pháp luật dành cho cấp học THCS và THPT. Theo kiến nghị, khó khăn của đội ngũ thực hiện giáo viên thực hiện công tác PBGDPL là thiếu tài liệu tham khảo để giảng dạy. Nhận thấy đây là nhu cầu cần thiết và thiết thực, Sở GD&ĐT đã quyết tâm đưa nội dung biên soạn tài liệu PBGDPL vào nhiệm vụ chính trong quá trình thực hiện Đề án. Sở GD&ĐT đã thành lập các nhóm biên soạn, nghiên cứu, sử dụng tài liệu đã được Bộ GD&ĐT tập huấn về công tác PBGDPL, đồng thời vận dụng tài liệu giảng dạy môn Giáo dục công dân, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cấp THCS, THPT, tài liệu do Bộ Tư pháp ban hành và các tài liệu khác liên quan. Trên cơ sở đó, tiến hành biên soạn, hỗ trợ các trường tư liệu để làm tốt công tác PBGDPL cho học sinh. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay 02 bộ tài liệu trên đã hoàn thiện và chính thức xuất bản, đưa vào giảng dạy bắt đầu từ năm học 2016-2017. Bộ tài liệu gồm có 6 phần chính, gồm: (1) Một số vấn đề chung về công tác PBGDPL; (2) Hướng dẫn thực hiện tích hợp nội dung giáo dục pháp luật vào môn Giáo dục công dân; (3) Hướng dẫn tích hợp giáo dục pháp luật vào hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; (4) Giới thiệu các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức pháp luật dành cho giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân; (5) Hỏi đáp pháp luật; (6) Giải thích một số thuật ngữ pháp luật. Với kết quả như đã nêu trên, cho thấy hiệu quả thiết thực mà Đề án mang lại. Có thể nói, công tác PBGDPL cho học sinh là hoạt động tự thân của ngành giáo dục, từ nhiều năm nay, công tác này đã và đang được thực hiện trong nhà trường. Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Đề án, công tác PBGDPL ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường; qua các lớp tập huấn, các hội thảo chuyên đề dành cho cán bộ quản lí, giáo viên thì việc dạy và học pháp luật có sự quan tâm và đem lại hiệu quả; việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh. Trên cơ sở tiếp thu các nội dung triển khai Đề án của ngành, các trường đã chú trọng quán triệt đến đội ngũ cán bộ, giáo viên quan tâm việc tích hợp PBGDPL vào các môn học. Ban Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp phối hợp với các tổ, bộ môn và đoàn thể xây dựng nội dung, chương trình cụ thể để thực hiện, giáo dục pháp luật cho học sinh vào các buổi sinh hoạt dưới cờ hàng tuần, giúp học sinh tiếp cận với các quy định của luật và chấp hành pháp luật. Đặc biệt, trong điều kiện còn khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học về giáo dục pháp luật, nhưng các trường đã có sự linh hoạt, đổi mới phương pháp dạy học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng kỹ thuật vào quá trình giảng dạy, cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác PBGDPL cho học sinh trong giai đoạn mới. Phần lớn các trường đã ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục tại trường. Với những hình ảnh trực quan, sinh động của giáo án điện tử đã thu hút sự chú ý của học sinh, từ đó, công tác PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở GD&ĐT đề nghị Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ Sở GD&ĐT dựng phim, in ấn và phát hành bộ đĩa DVD ghi hình các phần chung kết thi tại Hội thi hùng biện câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật cấp THPT, THCS để làm tư liệu giảng dạy cho các trường trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường giai đoạn 2017-2020 và ban hành quy định hỗ trợ cho giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân kiêm nhiệm công tác PBGDPL thuộc ngành GD&ĐT tỉnh./.
Thu Hiền |