Hướng đi nào phù hợp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn mới
 Thứ năm, 27 Tháng 10 2016 10:46 - 2554 Lượt xem
In

Trong thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thu được một số kết quả, bài học kinh nghiệm rút ra từ việc thực hiện các chương trình PBGDPL qua các giai đoạn: 2008 – 2012 và 2013 – 2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; từ những kết quả và bài học kinh nghiệm đó để cho chúng ta xác định một hướng đi mới phù hợp cho công tác này trong giai đoạn 2017 – 2020. Có thể khái quát một số kết quả thu được từ việc thực hiện các đề án trong chương trình PBGDPL trên địa bàn tỉnh, như sau:
Thứ nhất, trên cơ sở hệ thống thể chế do Trung ương ban hành ngày càng hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước ở địa phương về PBGDPL cũng ngày càng được quan tâm, chú trọng và tăng cường hơn. Cấp ủy đảng, chính quyền ở các địa phương, cơ sở có sự chuyển biến đáng kể về nhận thức đối với công tác PBGDPL, thực sự coi công tác này là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Hầu hết các văn bản pháp luật mới được ban hành đều được phổ biến đến cán bộ, nhân dân bằng những hình thức thích hợp. Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp cũng từng bước được kiện toàn, phát huy được vai trò trong tham mưu, tư vấn, triển khai công tác PBGDPL.
Thứ hai, đội ngũ những người làm công tác PBGDPL, mà trước hết là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật từng bước trưởng thành cả về số lượng lẫn chất lượng và đi vào hoạt động có hiệu quả; nhiều hình thức PBGDPL được sử dụng linh hoạt, phù hợp với từng địa phương, địa bàn, hướng tới nhiều đối tượng và bước đầu có sự gắn kết với hoạt động thi hành công vụ và bảo vệ pháp luật, gắn công tác PBGDPL với đối thoại chính sách, phản ứng chính sách.
Thứ ba, qua hoạt động tổ chức triển khai các đề án về PBGDPL do UBND tỉnh giao cho một số đơn vị cấp tỉnh thực hiện (hơn 10 đề án trong giai đoạn 2013 – 2016), tuy chưa đủ điều kiện để nhân rộng và duy trì những kết quả tích cực nhưng cũng nhìn thấy được những điểm sáng với nhiều bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn công tác PBGDPL, góp phần hoàn thiện mô hình mới có hiệu quả thiết thực hơn.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, chúng ta cũng đồng thời nhận ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện các đề án giai đoạn 2013 – 2016, cần khắc phục, điều chỉnh trong giai đoạn 2017 – 2020, cho phù hợp cho giai đoạn mới:
- Đội ngũ báo cáo viên pháp luật của hai cấp huyện và tỉnh tuy thường xuyên được kiện toàn và củng cố nhưng vẫn chưa có điều kiện phát huy hết khả năng cho công tác PBGDPL. Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh ở một số sở, ngành một mặt chưa tham mưu tốt cho lãnh đạo sở, ngành tổ chức triển khai tuyên truyền các văn bản pháp luật quan trọng có tính phổ quát cao như Luật hôn nhân và gia đình, Luật đất đai, Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự... cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị; mặt khác, chưa phát huy được khả năng, điều kiện để tham gia phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở cơ sở theo sự điều phối của thường trực Hội đồng phối hợp tỉnh. Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, là cấp có điều kiện tốt để phối hợp hỗ trợ tuyên truyền pháp luật xuống các địa bàn cơ sở, nhưng chất lượng về kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền chưa đồng đều và cũng chưa được bồi dưỡng thường xuyên; mặt khác kinh phí dành cho công tác PBGDPL ở nhiều huyện còn khá hạn chế nên có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng hoạt động của đội ngũ này. Đội ngũ Tuyên truyền viên pháp luật cấp xã về số lượng được công nhận tương đối đông đảo, nhưng nhìn chung vẫn còn ở tình trạng "người nói chưa đáp ứng được yêu cầu người nghe", do đó sự hỗ trợ từ đội ngũ báo cáo viên cấp huyện vẫn luôn là cần thiết.
- Trong giai đoạn 2013 – 2016, việc tổ chức triển khai các đề án PBGDPL được thực hiện theo mô hình "dàn ngang". Một số sở, ngành cấp tỉnh được giao chủ trì thực hiện đề án, chủ yếu là trực tiếp xuống địa bàn một số huyện hoặc xã để mở lớp tuyên truyền trực tiếp. Mô hình này chỉ phù hợp với yêu cầu "làm điểm" trong giai đoạn đầu, nó không thể tiếp tục kéo dài để áp dụng nhân rộng cho giai đoạn tiếp theo vì địa bàn tỉnh Quảng Nam khá rộng với địa hình phức tạp, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân có sự khác biệt lớn ở nhiều vùng, miền khác nhau. Mặt khác, mô hình giai đoạn 2013 – 2016 không thể áp dụng linh hoạt nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, do cơ quan chủ trì đề án không đủ điều kiện để áp dụng cùng lúc nhiều hình thức tuyên truyền một cách chuyên nghiệp. Do đó, để công tác PBGDPL trong giai đoạn 2017 – 2020, hướng mạnh hơn nữa về cơ sở với mục đích nhân rộng những kết quả đạt được trong giai đoạn 2013 – 2016 ra tất cả các địa bàn cấp xã trên toàn tỉnh, Hội đồng phối hợp tỉnh cần tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh mô hình từ "dàn ngang" thành "hướng dọc" để có thể huy động được nhiều nguồn nhân lực hơn, hướng tới nhiều địa bàn, đối tượng hơn với nhiều hình thức linh hoạt và phong phú hơn. Cách điều chỉnh mô hình này sẽ là giải pháp khắc phục cùng lúc nhiều hạn chế đó là: nhân rộng và phủ khắp tránh được sự trùng lắp cũng như bỏ sót địa bàn, đối tượng, nội dung thực hiện, do có sự điều phối chung bởi một cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp tỉnh cùng với hoạt động phối hợp triển khai đồng bộ của cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp các huyện, thị xã, thành phố;
- Hoạt động PBGDPL cho nhóm đối tượng đặc thù là người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số địa bàn "nóng" về vi phạm pháp luật... đã thu được một số kết quả ban đầu, nhờ có sự tham gia tích cực của lực lượng Bộ đội biên phòng và Công an tỉnh, chính quyền cơ sở.
- Hoạt động PBGDPL cho nhóm đối tượng đặc thù là người lao động trong các doanh nghiệp, chủ yếu vẫn sử dụng nguồn ngân sách nhà nước mà chưa thu hút được sự tích cực tham gia đóng góp của người sử dụng lao động theo chủ trương xã hội hóa công tác này được quy định tại Điều 18 Luật PBGDPL và Điều 8 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL. Riêng về chủ trương xã hội hóa công tác PBGDPL, cho đến nay tại Quảng Nam vẫn còn lúng túng, chưa nhận diện rõ các mô hình xã hội hóa cụ thể, để từ đó có thể nhìn thấy đối tượng tham gia gồm những đối tượng nào, hình thức tổ chức vận động để đối tượng tham gia làm sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của nó.
Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đưa pháp luật hướng về cơ sở trong giai đoạn 2017 – 2020, theo hướng khắc phục tối đa những hạn chế đã được nhận ra trong thời gian qua; theo chúng tôi, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cần có những giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, coi những kết quả tích cực thu được từ việc thực hiện đề án PBGDPL của các cơ quan cấp tỉnh trong giai đoạn 2013 – 2016 là những kết quả của quá trình "thực hiện điểm" để tiếp tục nhân rộng trong giai đoạn 2017 – 2020, theo mô hình "hướng dọc": Cấp tỉnh hướng dẫn chỉ đạo, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã thụ hưởng kết quả. Theo mô hình này, cơ quan thường trực HĐPH tỉnh chuyển hướng ký kết "hợp đồng đặt hàng" từ các đơn vị cấp tỉnh sang "hợp đồng đặt hàng" với HĐPH các huyện, thị xã, thành phố để đưa pháp luật đến từng địa bàn cấp xã theo nhu cầu, đặc điểm của từng địa bàn cụ thể, phù hợp với từng vùng miền.
Hai là, đối với các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; các xã trọng điểm về vi phạm pháp luật đã được các đơn vị cấp tỉnh tổ chức thực hiện đề án tại địa bàn cần tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả thu được trong giai đoạn trước, với yêu cầu phải đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sao cho đồng bộ với các địa bàn khác.
Ba là, nghiên cứu triển khai các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa công tác PBGDPL cho người lao động trong khu vực doanh nghiệp, và các nhóm đặc thù khác theo hướng phát huy hơn nữa vai trò của Liên đoàn lao động tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp khác.
Bốn là, coi công tác PBGDPL trong nhà trường là công tác mang tích chất sự nghiệp lâu dài, cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản và kỹ năng ứng xử theo pháp luật cho "đầu ra" của công dân tương lai. Đây là giải pháp cơ bản, dần dần sẽ thay thế các giải pháp khác khi xã hội đạt đến sự tiến bộ nhất định. Do đó cần tiếp tục duy trì các hoạt động PBGDPL ngoại khóa trong các trường phổ thông nhằm củng cố những kiến thức pháp luật được cung cấp theo chương trình chính khóa cho học sinh.
Trên đây là một số ý kiến của tôi đối với giải pháp nâng cao hiệu quả về công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến./.

Đặng Văn & Thái Nguyên


Tin mới:
Các tin khác: