Cần có hướng dẫn thống nhất về thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
 Thứ năm, 09 Tháng 2 2017 09:25 - 1951 Lượt xem
In

Theo Khoản 2 Điều 68 và Khoản 1 Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) thì: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt VPHC phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt VPHC; trường hợp quyết định xử phạt VPHC có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó. Như vậy, theo quy định trên thì thời hạn tối thiểu để thi hành quyết định xử phạt là 10 ngày, còn tối đa thì do người có thẩm quyền xử phạt quyết định.
Trong một quyết định xử phạt VPHC có thể có các hình thức như phạt tiền, buộc khắc phục hậu quả... Và mỗi hình thức trong đó có thể có thời hạn thi hành riêng, có thể trùng hoặc khác nhau. Đối với hình thức phạt tiền thì tại Khoản 1 Điều 78 Luật XLVPHC quy định: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Như vậy, thời hạn mà người vi phạm phải nộp tiền phạt bắt buộc là 10 ngày, không thể dài hơn trong khi tại Khoản 2 Điều 68 và Khoản 1 Điều 73 lại quy định có thể kéo dài hơn 10 ngày.
Đối với Thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả thì tại Khoản 1 Điều 85 Luật XLVPHC quy định được thực hiện theo quyết định xử phạt VPHC hoặc trong quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 28 của Luật này. Quy định trên không rõ nên có có nhiều cách hiểu khác nhau: Có ý kiến cho rằng, trường hợp trong quyết định xử phạt VPHC có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì thời hạn khắc phục hậu quả phải theo thời hạn thi hành quyết định xử phạt, tức là tối thiểu là 10 ngày, nhưng cũng có ý kiến cho rằng thời hạn khắc phục hậu quả không nhất thiết phải theo thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà có thể sớm hơn do người xử phạt quyết định. Người viết bài này cho rằng hiểu theo cách thứ hai phù hợp hơn; bởi lẽ trường hợp không ban hành quyết định xử phạt, chỉ ban hành quyết định khắc phục hậu quả thì thời hạn thi hành được quy định là theo quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, tức là thời hạn do người ký quyết định quyết định; bên cạnh đó nhiều trường hợp không thể để 10 ngày mới khắc phục hậu quả mà phải khắc phục ngay như vi phạm về vệ sinh thực phẩm.
Để thống nhất cách xác định thời hạn thi hành quyết định xử phạt VPHC như trong trường hợp nêu trên, đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể về thời hạn nộp tiền phạt tại Khoản 1 Điều 78 theo hướng tối thiểu là 10 ngày còn tối đa do người xử phạt quyết định; còn đối với thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả theo Khoản 1 Điều 85 thì thực hiện theo hướng do người có thẩm quyền áp dụng quyết định./.

Nguyễn Quốc Sử
(Phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ)


Tin mới:
Các tin khác: