Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở huyện Nam Giang
 Thứ tư, 27 Tháng 6 2012 13:36 - 5989 Lượt xem
In

Như các bạn đã biết Nam Giang là một huyện miền núi biên giới thuộc tỉnh Quảng nam, cách tỉnh lỵ Tam Kỳ hơn 120km về phía tây bắc, phía đông giáp huyện Đại Lộc, phía tây giáp giáp nước bạn Lào, phía nam giáp huyện Phước Sơn, phía bắc giáp huyện Đông Giang và Tây Giang. Với diện tích tự nhiên là 184.288,66ha, dân số 23.179 người, chủ yếu là 2 nhóm dân tộc Cơ Tu, Ve+Tà Riềng chiếm 78,35% trên tổng dân số, hiện có 63 thôn thuộc 12 xã, thị trấn.

Huyện Nam Giang có cấu trúc địa lý phức tạp, dân cư sống rải rác, không tập trung, giao thông đi lại còn khó khăn trong mùa mưa lũ, đời sống kinh tế còn thấp, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống văn hoá, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn.

Nhìn chung, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, tập trung nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thông qua các chương trình, dự án trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, đặc biệt chú ý là lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần làm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.

Tính đến nay, huyện Nam Giang có 12 xã, thị trấn, với 63 thôn; có 9/12 câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý và có 63 tổ hoà giải cơ sở. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đảng bộ Huyện uỷ Nam Giang lần thứ XVIII, cùng với sự lãnh đạo, điều hành trực tiếp của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở và sự nổ lực, cố gắng của cán bộ, công chức toàn ngành, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở huyện Nam Giang đã đem lại những kết quả nhất định, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của việc tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa tại địa phương.  

Trong 8 năm qua, (2005-2012) công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Nam Giang có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được sự nhận thức về pháp luật của cán bộ và nhân dân. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, cùng với sự nhiệt tình của cán bộ và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, sự chỉ đạo chặt chẽ của Hội đồng phối hợp huyện, Phòng Tư pháp là cơ quan Thường trực đã tổ chức hơn 300 đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến tận các thôn, bản tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với 54.917 lượt người tham gia. Từ việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nêu trên đã làm thay đổi trong nếp nghĩ người dân, thể hiện qua việc hạn chế phá rừng làm rẫy bừa bãi, tuyệt đối không tiếp tay cho lâm tặc, ra sức chung tay bảo vệ màu xanh của rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn và khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh; có ý thức về pháp luật, chấp hành theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tiếp thu và thay đổi diện mạo của nông thôn một cách tích cực theo hướng nông thôn mới, ý thức chấp hành pháp luật ngày càng rõ nét, bãi bỏ các hủ tục lạc hậu, chăm lo việc học hành của con cái, tuyệt đối không để xảy ra tảo hôn, thực hiện việc đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh và các sự kiện hộ tịch khác đúng qui định và kịp thời.

Tuy nhiên, với đặc thù của huyện miền núi, địa lý tự nhiên phức tạp, thời tiết thay đổi thất thường; giao thông đi lại khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ; thông tin nghe nhìn còn nhiều hạn chế;  một số xã vùng cao như: Chơ Chun, La Ê, Zuôih, Đắc Pring, Đắc Pre... chưa có mạng lưới điện thắp sáng. Trình độ dân trí còn hạn chế. Hiện nay tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn rất lớn, 3.661 hộ, chiếm 69.12%  tổng số hộ trên địa bàn huyện; trong đó có hơn 600 hộ hiện đang rất khó khăn về nhà ở. Phong tục tập quán nhiều nơi còn lạc hậu... Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tính từ năm 2005 đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, chưa có sự quan tâm sâu sát của các ngành, các cơ quan có thẩm quyền. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở chưa chặt chẽ, chưa tạo được sức hút tổng hợp và sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Mặt khác, một số cấp uỷ đảng chưa quan tâm đúng mức, nhiều địa phương chưa kịp thời tạo điều kiện về kinh cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, hầu như là khoán trắng cho công chức Tư pháp - hộ tịch, chưa chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho lực lượng tuyên truyền viên pháp luật và hoà giải viên cơ sở, còn trông chờ ở cấp trên.

- Các ban, ngành trên địa bàn huyện chưa thực sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và xem đây là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp.        

- Đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật các xã, thị trấn còn quá mỏng, trình độ còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm, thường xuyên thay đổi, hơn nữa là làm kiêm nhiệm nên việc  nghiên cứu, biên soạn tài liệu tuyên truyền củng như việc tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật xuống cơ sở còn hạn chế, thiếu đồng bộ hiệu quả chưa cao.

- Các thành viên của Hội đồng phối hợp từ huyện đến cơ sở hầu hết làm kiêm nhiệm, chưa thật sự dành thời gian cho việc hoạt động tuyên truyền cũng như việc giám sát theo Quy chế của Hội đồng phối hợp đề ra.        

- Điều kiện trang thiết bị, dụng cụ phục vụ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật còn thiếu thốn, sơ sài; một số xã còn quá khó khăn, chưa có hệ thống loa truyền thanh.       

- Việc khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật tại các xã, thị trấn còn hạn chế, số lượng người đến tham gia mượn đọc, nghiên cứu sách, báo pháp luật còn rất ít. Một số xã mới thành lập chưa có tủ sách pháp luật.     

- Kinh phí đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn quá hạn hẹp không đủ để hoạt động trên diện rộng và qui mô.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng có hiệu quả, kết quả theo mong đợi; trong thời gian tới các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở cần phải có một số giải pháp thiết yếu sau đây:            

1.Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện đời sống nhân dân và trợ giúp pháp lý cho người nghèo thuộc Chương trình 135, giai đoạn II.

2. Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng mở rộng và qui mô, có cơ chế riêng; sử dụng bằng nhiều hình thức phổ biến sinh động, trực quan, phong phú, thiết thực và thu hút. Phối hợp với các cấp, các ngành để tổ chức thường xuyên, thông qua các hình thức tuyên truyền miệng, băng đĩa, các hội thi, các buổi nói chuyện chuyên đề về pháp luật, kết hợp với Toà án thông quá các phiên xét xử lưu động.

3. Nêu cao vai trò hoạt động của tổ chức đảng, Ban nhân dân, Mặt trận đoàn thể thôn, Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý và các Tổ hòa giải cơ sở nhằm phối hợp, lồng ghép tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến từng thôn, từng khu dân cư trên địa bàn huyện.

4. Kiện toàn và ổn định bộ máy hoạt động của Hội đồng phối hợp từ huyện đến cơ sở; hằng năm, đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cấp xã phải được tập huấn nghiệp vụ; nâng cao vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp và các thành viên.

5. Các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa về kinh phí hoạt động tuyên truyền và cung cấp đầy đủ trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật để phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao./.    

Huỳnh Cư

Trưởng phòng Tư pháp huyện Nam Giang


Tin mới:
Các tin khác: