Vấn đề Tổ chức triển khai thực hiện các Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp huyện và xã trong thời gian qua trên địa bàn Huyện Tiên Phước |
Thứ tư, 27 Tháng 6 2012 09:03 - 2238 Lượt xem |
|
|
Nhằm thực hiện một cách hiệu quả các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp huyện và cấp xã trên địa bàn huyện Tiên Phước, trong những năm qua UBND huyện đã ban hành các quyết định, kế hoạch thực hiện các đề án và các văn bản chỉ đạo các ngành, cơ sở tập trung thực hiện; củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp, đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên từ huyện đến cơ sở khi có sự thay đổi nhân sự và xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm làm cho cán bộ và nhân dân hiểu biết để chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, đồng thời thông qua đó kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật. 1. Một số kết quả đạt được Phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tập trung triển khai thực hiện các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật một cách đồng bộ. Từ đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, thiết thực và hiệu quả như: Xây dựng chuyên mục phát thanh pháp luật và đời sống trên sóng phát thanh của huyện (phát sóng được hơn 136 chương trình); cấp phát tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật các loại cho nhân dân (hơn 10.700 tờ rơi các loại); cấp 124 pano các loại; toàn huyện có 17 Báo cáo viên và 150 Tuyên truyền viên pháp luật, 540 Hòa giải viên cơ sở. Từ năm 2005 đến nay, toàn huyện đã tổ chức hơn 1.500 buổi tuyên truyền miệng và hơn 1.200 cuộc hòa giải; xây dựng được 20 Tủ sách pháp luật với hơn 2.000 đầu sách; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu, cùng với nhiều hình thức khác thu hút đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, từng bước đưa pháp luật đi vào cuộc sống của người dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật; số đơn thư, khiếu nại, tố cáo sai luật, vượt cấp giảm; pháp chế xã hội chủ nghĩa được tăng cường, góp phần xây dựng kinh tế xã hội địa phương vững mạnh toàn diện. 2. Khó khăn, vướng mắc. Trước hết có thể thấy trong những năm qua, nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, Trung ương đã ban hành nhiều chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhiều nhóm đối tượng thực hiện trên toàn quốc. Các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung ương ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho Hội đồng phối hợp các cấp thực hiện thuận lợi và hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Tuy nhiên, khi một đề án được triển khai thực hiện phải được tiến hành theo đúng quy trình, tiến độ từ Trung ương đến cơ sở và ngược lại và việc tổng kết, đánh giá hiệu quả của một Đề án lại bắt đầu từ cơ sở lên đến Trung ương. Mức độ hoàn thành của một đề án phần lớn là kết quả được triển khai thực hiện và hiệu quả nhận thức pháp luật của đối tượng cần tác động được đem lại từ việc triển khai ở cấp xã, cấp huyện. Nghĩa là, hiệu quả của một đề án phần quan trọng là việc triển khai, thực hiện tại cấp huyện và cấp xã. Song, có một thực trạng khi triển khai thực hiện các Đề án tại cấp huyện, cấp xã thì hầu hết là đề án đã bước sang giai đoạn gần cuối theo tiến độ thực hiện. Bởi vì gần như hơn 1/2 thời gian đầu được tập trung cho công tác khảo sát, đánh giá, biên soạn tài liệu, tập huấn, triển khai từ trung ương đến cấp tỉnh và chỉ thực hiện điểm ở một số cơ sở. Có thể thấy như các đề án thuộc Chương trình 212 thì từ năm 2005 đến hết năm 2007 còn thực hiện việc khảo sát, ban hành văn bản, hội nghị quán triệt, tập huấn ở trung ương và cấp tỉnh; từ năm 2008 đến 2010 mới thực hiện toàn diện trên phạm vi cả nước. Hay như các đề án thuộc Chương trình 37 thì từ năm 2008 đến 2010 còn tập trung làm ở trung ương, cấp tỉnh và làm điểm một số đơn vị, việc triển khai thực hiện đại trà chỉ bắt đầu từ năm 2011 đến 2012. Rõ ràng đây là điều bất hợp lý. Bởi suy cho cùng nhận thức của người dân về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như mức độ tuân thủ, ý thức chấp hành pháp luật của người dân mới nói lên được hiệu quả đích thực của các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong khi đó, thời gian, tiến độ để cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân tại địa phương lại ngắn hơn nhiều so với các hoạt động khác là không thỏa đáng, và hiệu quả sẽ không cao. Vẫn biết rằng dù không có các đề án thì công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở vẫn phải thực hiện thường xuyên, song khi có đề án sẽ là cơ sở pháp lý, là điều kiện thuận lợi để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện sâu rộng đến nhiều đối tượng. Do đó, thiết nghĩ rằng khi xây dựng Đề án nên rút ngắn tiến độ thực hiện ở cấp trung ương, cấp tỉnh, dành khoản thời gian dài hơn cho việc thực hiện tại cấp huyện, cấp xã thì hiệu quả của đề án sẽ cao hơn. Một thực trạng nữa cũng cần trao đổi đó là trách nhiệm triển khai thực hiện đề án phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan chủ quản. Trong những năm gần đây, mặc dù có chủ trương văn bản luật ngành luật thuộc ngành nào quản lý giao cho ngành đó chủ trì phối hợp với ngành Tư pháp triển khai phổ biến. Song ở cấp huyện, cấp xã không phải ngành nào, cơ quan nào cũng nhận thức đầy đủ tinh thần này. Cho đến nay, gần như ở cấp huyện, cấp xã các cơ quan, các ngành vẫn còn xem công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là của Phòng Tư pháp hoặc Tư pháp cấp xã mà không phải là trách nhiệm của chính ngành mình. Trong khi đó Phòng Tư pháp hoặc Tư pháp cấp xã không thể tự mình thực hiện hết được các đề án. Bởi nhận thức trách nhiệm không đầy đủ nên các ngành chủ quản được giao chủ trì mà không chủ động thực hiện thì nội dung các đề án đó cũng chỉ dừng ở triển khai hoặc có thực hiện cũng không đầy đủ, không thường xuyên, chưa thật sự hiệu quả, nội dung đề án chưa đến được với người dân. Bên cạnh đó công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và định kỳ sơ kết, báo cáo không thường xuyên nên hiệu quả thực hiện của một số các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được hiệu quả. Bên cạnh đó, kinh phí thực hiện đề án cũng gặp khó khăn. Hầu như kinh phí thực hiện các đề án được lấy từ kinh phí chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm của địa phương mà chưa có nguồn cụ thể cho việc thực hiện từng đề án tại cấp huyện, cấp xã. Do đó khi cấp trên có chỉ đạo triển khai xây dựng đề án phổ biến, giáo dục pháp luật cũng nên chỉ đạo rõ nguồn kinh phí thực hiện đề án tại cơ sở, trên cơ sở đó hằng năm có phân bổ ngân sách riêng cho việc thực hiện đề án. Trên đây là tham luận của đơn vị Tiên Phước tham gia trong Tọa đàm, rất mong sự quan tâm của quý vị đại biểu./. Phòng Tư pháp Huyện Tiên Phước Tin mới:
Các tin khác:
|