Vài nét về tình hình công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở huyện Tây Giang trong thời gian qua và một số đề xuất, kiến nghị |
Thứ năm, 21 Tháng 6 2012 13:41 - 6000 Lượt xem |
|
|
Tây Giang là
huyện miền núi cao, ở phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam; là một trong
62 huyện nghèo của cả nước; địa bàn rộng, địa hình rất phức tạp,
dân cư sống rải rác với 3.628 hộ/16.561 khẩu, trong đó dân tộc Cơtu
chiếm 92,3%, có 8/10 xã thuộc xã biên giới, giáp với nước bạn Lào. Đời
sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (năm 2011 là:
64,56%), trình độ dân trí còn thấp và chưa đồng đều, phần lớn người dân ít
được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng nên sự hiểu
biết về pháp luật của người dân còn hạn chế nhất định. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là cầu nối chuyển tải pháp luật vào cuộc sống. Nói cách khác, quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống bắt đầu bằng hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Thực hiện pháp luật dù bằng hình thức nào, tuân thủ (chấp hành), thi hành pháp luật, hay áp dụng pháp luật, trước hết phải hiểu biết pháp luật. Nếu không nhận thức đầy đủ vị trí quan trọng và không thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thì dù công tác xây dựng pháp luật có làm tốt đến mấy cũng không đạt được hiệu quả trên thực tế. Phổ biến giáo dục pháp luật là bộ phận công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, với mục tiêu phổ biến kịp thời, đầy đủ những nội dung pháp luật liên quan đến cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để công dân sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của nhà nước và xã hội; nâng cao ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu và chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, nhân dân; đồng thời nâng cao hơn nữa nhu cầu hiểu biết pháp luật, nâng cao dân trí pháp lý trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Chính vì vậy, Hội đồng phối hợp huyện Tây Giang luôn luôn xác định công tác phổ biên, giáo dục pháp luật là một công tác đặc thù cũng là nhiệm vụ thường xuyên của mình. Thời gian qua, Hội đồng phối hợp huyện Tây Giang thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho hệ thống các phòng, ban, ngành từ huyện đến xã, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đông đảo quần chúng nhân dân ở thôn, bản, tổ đoàn kết. Nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật như tuyên truyền miệng, tổ chức hội thi, hòa giải cơ sở, trợ giúp pháp lý và tủ sách pháp luật... luôn được chú trọng và quan tâm đúng mức nên đã đạt được những kết quả nhất định. Trong thời gian qua, huyện Tây Giang tập trung tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu niên trong toàn huyện, nhất là học sing trong nhà trường. Đây là đối tượng có tỉ lệ vi phạm pháp luật lớn, đặc biệt là vi phạm Luật giao thông đường bộ, Pháp Lệnh xử lý hành chín. Nên để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong học sinh, thanh thiếu niên, hằng năm, vào đầu năm học và cuối năm, trong dịp hè, Phòng Tư pháp đã phối hợp với Công an, Đoàn thanh niên, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho các em (mỗi năm hơn 10 lượt với gần 1.700 em tham dự). Thông qua phổ biến, giáo dục pháp luật Phòng Tư pháp và các cơ quan phối hợp đã tư vấn giải đáp thắc mắc của các em về các vấn đề liên quan đến pháp luật, nên đã từng bước củng cố ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật cho các em. Hơn nữa, hiện nay để thực hiện tốt Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, ngành Giáo dục huyện đã đưa nội dung giảng dạy Luật Giao thông đường bộ vào chương trình chính khóa tại các trường THCS và Tiểu học để tuyên truyền giáo dục các em thực hiện tốt chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh những hoạt động chính nêu trên, Phòng Tư pháp huyện còn áp dụng triển khai các hình thức như tổ chức học tập trong các Trung tâm học tập cộng đồng, các CLB của các ngành đoàn thể, các tộc họ. Chính điều này đã tuyên truyền rộng rãi pháp luật đến mọi đối tượng khác nhau. Để giúp Hội đồng phối hợp thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương, Phòng Tư pháp xác định hai nhóm đối tượng chính, đó là: Nhóm đối tượng thứ nhất, là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan nhà nước. Với nhóm này, được tập trung quán triệt các văn bản Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Nghị quyết, Quyết định có liên quan; các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, phòng chống tội phạm, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống các tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đối với cán bộ làm công tác tuyên truyền ở địa phương còn được hướng dẫn, quán triệt việc triển khai kế hoạch thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Nhóm đối tượng thứ hai, là đông đảo quần chúng nhân dân ở từng địa bàn xã, thôn, tổ đoàn kết. Nhóm này, tập trung phổ biến sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, Chỉ thị, Nghị quyết và các chủ trương của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, an ninh biên giới quốc gia, các quy định pháp luật gắn trực tiếp với cuộc sống của nhân dân như quy định pháp luật về đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, khiếu nại, tố cáo, phòng chống ma túy, hôn nhân và gia đình, pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, pháp luật về bình đẳng giới...vận động đồng bào nhân dân phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống của địa phương mình phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới; an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách chế độ mà người dân được hưởng đặc biệt là về chính sách dân tộc, các quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phổ biến và hướng dẫn thực hiện các quyền và nghĩa vụ cụ thể theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian đến đi vào thế ổn định và hoạt động có hiệu quả hơn, Phòng Tư pháp huyện Tây Giang xin đề xuất một số ý kiến cụ thể, như sau: 1. Tiếp tục kiến nghị hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ở cấp trung ương và cả đại phương, đầy đủ và chặt chẽ hơn nữa để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân. 2. Xây dựng được phương pháp, hình thức, hệ thống nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm văn hóa, dân trí, tâm lí, điều kiện kinh tế - xã hội của nhân dân ở địa phương, cụ thể ở huyện Tây Giang, chú trọng hơn nữa các hình thức sau: a) Thông qua hình thức hòa giải cơ sở, tìm ra mâu thuẫn và tham khảo ý kiến của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, kết hợp với các cơ quan, nghe ý kiến của bên tranh chấp…để giải quyết thuyết phục theo quy định của pháp luật; b) Thông qua hình thức tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhân dân, nhất là Trợ giúp pháp lý lưu động là những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với các huyện miền núi hiện nay, người dân đang rất cần, nên đề nghị các cơ quan cấp trên lưu ý quan tâm nhiều hơn nữa; c) Đặc biệt chú trọng đến việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật của các xã…Nâng cao kiến thức pháp luật cho những người trực tiếp làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương; d) Một số các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác, như: Tờ rơi, pa nô, áp phích, tờ gấp, tranh, ảnh, băng đĩa đã dịch ra tiếng Cơtu chứa đựng nội dung tuyên truyền pháp luật cũng là những hình thức thiết thực phù hợp với đồng bào dân tộc miền núi, nơi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn. 3. Củng cố và xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Tư pháp các xã và các đơn vị cơ sở để phát huy vai trò phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Tăng cường mối quan hệ, cả cơ chế phối hợp giữa cấp ủy đảng với các đoàn thể để xây dựng mô hình tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp. 4. Xây dựng lực lượng cán bộ làm công tác truyền thông ở cơ sở, đội ngũ báo cáo viên trực tiếp phổ biến đến bà con ở các thôn, tổ đoàn kết. Lưu ý khuyến khích động viên những người có uy tín trong cộng đồng (trưởng thôn, trưởng dòng họ) tham gia phổ biến giáo dục pháp luật. Biên soạn tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng, theo hướng “đơn giản, dễ hiểu”. Khi phổ biến, giáo dục pháp luật cần liên hệ đối chiếu, so sánh giữa luật pháp Nhà nước với thói quen sinh hoạt tại địa phương, nhằm mục đích phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan…đi đôi với việc làm theo luật, làm đúng luật. 5. Phối hợp lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao trong các dịp lễ hội… Kết hợp và phát huy tác dụng các loại hình: Điểm Bưu điện – văn hóa xã, Thư viện của thôn đặt tại Gươl văn hóa, Tủ sách pháp luật tại xã…trong quá trình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 6. Phối hợp các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kêt, xây dụng đời sống văn hóa”, thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở” và “xây dựng xã hội học tập”. Tổ chức sơ kết, tổng kết chung và kiểm tra tổ chức thực hiện tất cả các hoạt động nói trên./. Phòng Tư pháp huyện Tây Giang Tin mới:
Các tin khác:
|