Vào ngày 07/3/2019, Tòa án nhân dân huyện Nam Trà My mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 4 bị cáo, gồm Đinh Văn Phá (SN 1978), Đinh Văn Trin (1984), Đinh Văn Móp (1983) cùng trú xã Sơn Mùa, Sơn Tây, Quảng Ngãi và Hồ Văn Vui (1992) trú tại xã Trà Vân, huyện Nam Trà My về tội vi phạm qui định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, theo điểm b, khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự 2015. Mức hình phạt mà Bản án số 01/2019/HS-ST của phiên tòa này dành cho mỗi bị cáo đều khá nhẹ, Hồ Văn Vui bị tuyên phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và phải bồi thời các thiệt hại do vụ án gây ra, còn 3 bị cáo còn lại đều chịu mức án bằng nhau, 06 tháng cải tạo không giam giữ và không phải chịu bất cứ khoản bồi thường nào. Tuy Bản án trên không bị kháng cáo, kháng nghị nhưng nó cũng không nhận được sự đồng tình của nhiều người dân tại địa phương đến tham dự phiên tòa. Cảm nhận của nhiều người là có vẻ như Bản án đã hình sự hóa hành vi dân sự của 3 bị cáo Đinh Văn Phá, Đinh Văn Trin và Đinh Văn Móp để khiến họ phải trở thành "tội phạm". Là Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho 3 bị cáo này, tôi thấy cần phải làm sáng tỏ một số tình tiết khách quan của vụ án. Nội dung vụ án và những vấn đề cần bàn: Ngày 22/4/2018, Hồ Văn Vui đã sử dụng cưa lốc vào khu rừng tự nhiên (được quy hoạch rừng sản xuất) thuộc thôn 1, xã Trà Vân để hạ 01 cây gỗ nánh (còn gọi là cây câm lào) làm 01 cây gỗ Trường Chua ngã theo. Đến ngày 09/5/2018, Vui thuê Đinh Văn Phá, Đinh Văn Trin và Đinh Văn Móp từ Quảng Ngãi ra cưa xẻ cho Vui. Theo thỏa thuận, mỗi phách gỗ thành phẩm Vui trả công cho ba người là 500.000 đồng. Trong khi Phá, Trin và Móp đang xẻ gỗ thì bị Công an huyện Nam Trà My bắt quả tang. Vụ án được TAND huyện Nam Trà My đưa ra xét xử lần II, ngày 07/3/2019, với Bản án và mức án dành cho 04 bị cáo như đã nói trên. Có thể nói đối với vụ án này, mức hình phạt Tòa án dành cho các bị cáo là "khá ưu ái", nhẹ hơn nhiều so với mức đề nghị của Viện kiểm sát, nên các bị cáo không kháng cáo, còn Viện Kiểm sát cũng không kháng nghị. Tuy nhiên, với tư cách là Trợ giúp viên pháp lý, chúng tôi thấy trong vụ án này việc xác định tội danh và truy tố đối với 03 người làm thuê cho Hồ Văn Vui là Đinh Văn Phá, Đinh Văn Trin và Đinh Văn Móp là chưa thỏa đáng, bởi những lẽ sau: Một là: Tại điểm b, khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự 2015 (SĐBS 2017) thì hành vi phạm tội thuộc trường hợp này phải có dấu hiệu bắt buộc đầu tiên là "khai thác trái phép". Theo hồ sơ vụ án cho thấy, các "bị cáo" Phá, Trin, Móp là những người lao động được Hồ Văn Vui thuê xẻ gỗ, khi cả 3 người đến hiện trường thì cây gỗ câm lào đã bị Vui đốn ngã từ hơn nửa tháng trước rồi. Như vậy hành vi của Phá, Trin, Móp ở đây không thể nói là "khai thác trái phép" được, tức là không thỏa mãn dấu hiệu định tội theo điểm b, khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự hiện hành. Trong hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu nào chứng minh có sự cấu kết từ trước giữa Vui với "bộ ba" Phá, Trin, Móp trong việc phân công thực hiện tội phạm ở hai giai đoạn: đốn hạ - cưa xẻ. Do đó, về mặt chủ quan, "bộ ba" Phá, Trin, Móp đã nhận thức việc cưa xẻ cây câm lào đã bị Vui đốn ngã từ trước theo sự thuê mướn của Vui là hành vi dân sự thông thường chứ không thể là hành vi "khai thác trái phép rừng" được. Mặt khác, Kết luận điều tra bổ sung của Công an huyện Nam Trà My có ghi: "... do Móp, Phá, Trin tin tưởng Vui nên nghĩ cây câm lào đó đã có giấy phép khai thác và không yêu cầu Vui đưa giấy phép để xem. Do đó ý chí chủ quan của Phá, Móp, Trin về việc khai thác cây gỗ câm lào nói trên là công khai, hợp pháp". Như vậy, chính Cơ quan điều tra cũng thừa nhận về mặt chủ quan, "bộ ba" Phá, Trin, Móp đều nhận thức hành vi của mình là hợp pháp. Hai là, xét quan hệ giữa Vui và "bộ ba" Phá, Trin, Móp thì đây là quan hệ dân sự, người có gỗ và người làm thuê, có giá cả, nội dung lao động có đối tượng là cây câm lào đã được đốn hạ sẵn, nên không thể buộc "bộ ba" này phải biết hành vi của minh có lỗi hay không. Trong vụ án này, chính Vui mới là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hiện hành. Có nghĩa là Vui là người chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản". Ba là, trong quá trình "bộ ba" Phá, Trin, Móp thực hiện việc cưa xẻ gỗ, có một số cán bộ lãnh đạo của xã Trà Vân đến hiện trường để xem, điều này càng làm cho "bộ ba" Phá, Trin, Móp tin là Vui đã có giấy phép khai thác và hành vi cưa xẻ gỗ thuê của mình là hợp pháp. Đến nay, do Bản án số 01/2019/HS-ST ngày 07/3/2019 của TAND huyện Nam Trà My không kháng cáo, kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, đây vẫn là một bản án kết tội oan đối với các ông Đinh Văn Phá, Đinh Văn Trin và Đinh Văn Móp, vì hành vi của các ông này chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 232 của Bộ luật hình sự hiện hành. Thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần xem xét kháng nghị Bản án này theo trình tự giám đốc thẩm, để minh oan cho những người không có tội và đảm bảo tính công minh, công bằng của pháp luật./.
Lê Hằng Vân |