Sự phát triển mạnh mẽ của Công nghệ thông tin (CNTT) trong những năm gần đây đang làm thay đổi đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Hiện nay, việc ứng dụng CNTT vào trong hoạt động các cơ quan nhà nước ngày càng được chú trọng, có đủ các điều kiện về thiết bị, con người để có thể trực tiếp ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, điều hành. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và giải quyết công việc của các cơ quan hành chính trong thời gian qua chưa thực sự sâu rộng và hiệu quả. Thấy được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về ứng dụng CNTT: Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin"; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2016-2020. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại Sở Tư pháp trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Cổng thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đến nay đã thể hiện được vai trò quan trọng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; cung cấp đầy đủ văn bản chính sách mới, video tuyên truyền phổ giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí, văn bản chuyên ngành; nghiệp vụ, các chuyên mục hữu ích phục vụ ban đọc như: Quy trình hỗ trợ, tái đinh cư khi nhà nước thu hồi đất; kỹ năng tranh tụng trong vụ án hành chính; luật xử lý vi phạm hành chính; kết quả giải quyết hồ sơ một cửa..., trung bình mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt truy cập. Năm 2015 được sự thống nhất của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp với công ty phần mềm MiSa triển khai phần mềm quản lý Hộ tịch trên địa bản tỉnh, giúp cho việc cập nhật quản lý thông tin hộ tịch tại địa phương dễ dàng nhanh chóng, đến nay một số đơn vị đã triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến như Phòng Tư pháp Tam Kỳ. Năm 2016, Sở Tư pháp đã phối hợp phối hợp Trung tâm Lý lịch Tư pháp quốc gia triển khai cấp phiếu lý lịch trực tuyến (mức độ 3, 4), qua hơn 6 tháng triển khai đã có hàng trăm hồ sơ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; đồng thời Sở cũng đã phối hợp với Bưu điện tỉnh cấp phiếu lý lịch tư pháp và trả kết quả qua đường bưu chính giúp cho việc cấp phiếu lý lịch tư pháp của công dân được tiện lợi, nhanh chóng, rút ngắn được thời gian giải quyết hồ sơ; dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh thường xuyên đăng tải, cập nhật kịp thời trên cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật.

Sở Tư pháp Quảng Nam triển khai Dịch vụ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến
Nhận thấy được vai trò và thế mạnh của việc ứng dụng CNTT, Lãnh đạo Sở đã chỉ đạo các Phòng, Trung tâm tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo điều hành tại đơn vị tăng cường sử dụng văn bản sử dụng điện tử, đến nay tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử tại đơn vị là trên 90%. Hàng năm, Sở Tư pháp đã xây kế hoạch, chương trình hành động cụ thể coi nhiệm vụ cải cách hành chính trong đó hiện đại hóa nền hành chính công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Tuy nhiên để việc ứng dụng CNTT một cách đồng bộ, liên thông trong cơ quan nhà nước với nhau tiến đến xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ điện tử thực sự là công cụ để phục vụ cải cách hành chính là công việc không hề đơn giản, nên cần có chính sách nhất quán, lâu dài, cần có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo, sự phối hợp phòng, ban, sự tham gia của toàn thể công chức, viên chức, nhất là cán bộ chuyên trách về CNTT. Ứng dụng CNTT phải đi đôi với CCHC, quá trình CCHC đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ứng dụng CNTT phải giải quyết, vì vậy thủ tục hành chính trong đó việc kiểm soát thủ tục hành chính phải ổn định thì ứng dụng CNTT mới đạt hiệu quả tốt. Tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về các lợi ích trong việc khai thác thông tin từ các sản phẩm CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thường xuyên rà soát, đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hệ thống an toàn thông tin, nhằm đáp ứng kịp thời cho nhu cầu phát triển ứng dụng CNTT; phải có đội ngũ cán bộ có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tiếp nhận các hệ thống phần mềm đã triển khai và phát triển cho tương lai hỗ trợ cho người dùng trong quá trình vận hành./.
Văn Cả |