Về tư cách pháp nhân và con dấu của Phòng Tư pháp: Bộ Nội vụ hướng dẫn khác quy định của Chính phủ |
Thứ sáu, 13 Tháng 5 2016 10:38 - 7267 Lượt xem |
|
|
Ngày 28/4/2009, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV (gọi tắt là Thông tư 01) hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã. Tại khoản 2 Điều 4 (quy định vị trí và chức năng), Thông tư này quy định: “Phòng Tư pháp có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân cấp huyện; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tư pháp.” Đến ngày 22/12/2014, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV (gọi tắt là Thông tư 23) hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Thông tư này thay thế Thông tư 01). Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 4 (quy định vị trí và chức năng) của Thông tư 23 này, chỉ quy định: “Phòng Tư pháp chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của Ủy ban nhân dân cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tư pháp”. Như vậy, về vị trí và chức năng, theo Thông tư 23 hiện hành thì Phòng Tư pháp không còn “tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng” nữa. Cần phải nói thêm là đối với các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, không phải chỉ có Phòng Tư pháp bị mất “tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng”, mà một số phòng khác như Phòng Nội vụ, Phòng Y tế cũng cùng chung số phận như Phòng Tư pháp theo quy định tại Thông tư riêng của Bộ Nội vụ và Thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ và Bộ Y tế. Liên quan đến vấn đề trên, ngày 28/3/2016, Sở Nội vụ Quảng Nam có Công văn số 346/SNV-TCBC gửi Bộ Nội vụ đề nghị hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Để làm rõ vấn đề này, ngày 08/4/2016, Bộ Nội vụ có Công văn số 1566/BNV-TCBC gửi Sở Nội vụ Quảng Nam, nêu rõ: “Thông tư, Thông tư liên tịch... nếu vẫn tiếp tục quy định cho các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nói chung và Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp, Phòng Y tế nói riêng có con dấu, tài khoản riêng thì con dấu, tài khoản của các phòng chuyên môn này chưa thực sự phát huy được tác dụng, hiệu quả...”. Ngoài ra, Công văn số 1566/BNV-TCBC của Bộ Nội vụ còn hướng dẫn cụ thể: “Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện trong Thông tư, Thông tư liên tịch quy định không có con dấu, tài khoản riêng: Khi giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan chuyên môn có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân và ký thừa lệnh để sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật”. Theo chúng tôi, nhận định của Bộ Nội vụ như trên, cho rằng “Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp, Phòng Y tế nói riêng có con dấu, tài khoản riêng thì con dấu, tài khoản của các phòng chuyên môn này chưa thực sự phát huy được tác dụng, hiệu quả”, là chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với con dấu của Phòng Tư pháp. Bởi vì, theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ, Phòng Tư pháp được giao thẩm quyền chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản và chứng thực các văn bản về thừa kế... Trong đó, khỏan 1 Điều 5 của Nghị định này quy định rõ: “Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp thực hiện chứng thực các việc quy định tại Khoản này, ký chứng thực và đóng dấu của Phòng Tư pháp”. Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì Nghị định của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao hơn Thông tư của Bộ trưởng; hơn nữa Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ được ban hành sau Thông tư 23 của liên Bộ Tư pháp – Nội vụ, nên con dấu của Phòng Tư pháp là không thể bị thu hồi được. Về tác dụng, hiệu quả đối với con dấu của Phòng Tư pháp, trên thực thế cho thấy là đang được phát huy rất cao. Hằng ngày, để thực hiện thẩm quyền chứng thực của mình, Phòng Tư pháp phải thường xuyên sử dụng con dấu của mình (từ hàng chục đến hàng trăm lượt mỗi ngày) để đáp ứng yêu cầu ngày càng nhiều của tổ chức, công dân. Đặc biệt là ở các đơn vị cấp huyện, nơi chưa có Văn phòng công chứng, thì hoạt động chứng thực và việc sử dụng con dấu của Phòng Tư pháp lại càng có ý nghĩa hơn trong việc phục vụ các nhu cầu chứng thực đem lại thuận lợi rất nhiều cho người dân cũng như các tổ chức./. Nguyễn Kỳ Sanh
Tin mới:
Các tin khác:
|