Giải pháp nâng cao chất lượng vụ việc khi Trợ giúp viên pháp lý tham gia hoạt động tố tụng |
Thứ hai, 09 Tháng 5 2016 10:02 - 2149 Lượt xem |
|
|
Trợ giúp pháp lý (TGPL) là hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho các đối tượng theo quy định trong Luật TGPL, để giúp họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ở Quảng Nam, hoạt động TGPL trong những năm qua đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy, chỗ dựa không thể thiếu của người nghèo, người có công với cách mạng, người già, trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số... khi tham gia tố tụng tại Tòa án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế như: hoạt động còn dàn trải, một số hoạt động hiệu quả thấp…, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới. Do vậy, Đề án đổi mới công tác TGPL ra đời khắc phục những hạn chế trên, đưa công tác TGPL dần đi vào chiều sâu, hoạt động có hiệu quả, thiết thực hơn, đáp ứng được yêu cầu TGPL của đối tượng. Bài viết này xin đề cập những nội dung cơ bản của Đề án đổi mới và giải pháp để nâng cao chất lượng vụ việc TGPL, nhất là khi Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) tham gia tố tụng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho đối tượng. Những kết quả bước đầu: Thực tiễn công tác TGPL trong thời gian qua đã khẳng định chính sách TGPL và việc ra đời Luật TGPL là đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với chủ trương của Đảng, đạo lý của dân tộc, không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đưa pháp luật đến với người dân, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Thống kê cho biết, hiện trên toàn quốc có 63 Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm), 199 Chi nhánh của Trung tâm (Chi nhánh) đặt tại cấp huyện và liên huyện, 4.345 Câu lạc bộ TGPL. Tổng số người làm việc tại các Trung tâm và Chi nhánh trong toàn quốc là 1.244 người, trong đó 483 TGVPL. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác TGPL, các địa phương đã chú trọng việc phát triển đội ngũ cộng tác viên và huy động các tổ chức tham gia TGPL. Đến tháng 6/2013, cả nước có 317 tổ chức đăng ký tham gia TGPL, trong đó có 277 tổ chức hành nghề luật sư, 40 Trung tâm tư vấn pháp luật. Tổng số cộng tác viên trong toàn quốc là 8.980 người, trong đó có 1.055 luật sư. Ở Quảng Nam công tác này có 03 Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL, đó là Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia, Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Nông dân và Trung tâm hỗ trợ kết hôn- Hội Phụ nữ tỉnh, ngoài ra còn có 17 văn phòng luật sư tham gia làm cộng tác viên TGPL. Số liệu thống kê cũng cho thấy, từ khi triển khai thi hành Luật TGPL đến tháng 6/2014, hệ thống TGPL của Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thực hiện được 824.344 vụ việc TGPL cho 843.533 người thuộc diện TGPL (bao gồm cả các vụ việc trong hoạt động TGPL lưu động và Câu lạc bộ TGPL. Đối với Quảng Nam công tác TGPL được quan tâm đúng mức, đến nay Trung tâm TGPL đã có 38 biên chế, 13 TGVPL, 07 Chi nhánh TGPL đặt tại 07 huyện, thành phố, sẵn sàng đáp ứng 100% nhu cầu của đối tượng. Hằng năm trung bình Trung tâm và các Chi nhánh TGPL tư vấn cho trên 1500 đối tượng, chủ yếu tư vấn ở các đợt TGPL lưu động, trong đó tư vấn ở trụ sở trên 100 vụ việc. Đối với tham gia tố tụng con số còn khiêm tốn, hằng năm chỉ có trên dưới 100 vụ việc, năm 2015 chỉ có 45 vụ việc. Ngoài ra, TGPL còn tham gia nhiều nội dung như: TGPL chung tay xây dựng nông thôn mới, TGPL hướng về biển đảo quê hương với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, làm phong phú thêm hoạt động TGPL, đặc biệt 2015 Trung tâm TGPL đã phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam xây dựng cho đối tượng TGPL một ngôi nhà nghĩa tình TGPL tại thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh với kinh phí 55 triệu đồng; tặng xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An 01 máy vi tính trị giá 09 triệu đồng… Những hạn chế bất cập: Hạn chế đầu tiên dễ nhìn thấy nhất là hoạt động TGPL nhìn chung chưa bảo đảm đúng trọng tâm là cung cấp vụ việc TGPL, nhất là trong lĩnh vực tham gia tố tụng mà còn dàn trải theo nhiều hình thức TGPL khác như in ấn tờ rơi, tờ gấp, sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, TGPL lưu động, sinh hoạt chuyên đề, kiến nghị, hòa giải… Theo số liệu 02 năm thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, số lượng vụ việc tham gia tố tụng chỉ chiếm 5,7%; tư vấn pháp luật tại trụ sở Trung tâm và Chi nhánh chiếm 22,9% trong tổng số vụ việc TGPL, trong đó có nhiều Trung tâm TGPL không có tham gia tố tụng vụ nào. Các hoạt động truyền thông về TGPL cũng chưa được thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng dẫn đến mục đích và hiệu quả chưa cao. Cụ thể TGPL đã hình thành từ 1997 đến nay đã gần 20 năm nhưng vẫn còn nhiều đối tượng được hưởng chính sách TGPL chưa biết đến hoạt động này và quyền được tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước còn rất khiêm tốn, chưa đạt được yêu cầu đề ra. Hạn chế thứ hai phải kể đến là hệ thống tổ chức TGPL Nhà nước chưa ngang tầm với nhiệm vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu TGPL của đối tượng, phần lớn là tư vấn pháp luật, còn tham gia tố tụng chủ yếu còn sự hỗ trợ của các tổ chức Luật sư. Bên cạnh đó chế độ chính sách cho người thực hiện TGPL chưa phù hợp, chưa có một số chính sách đãi ngộ đặc thù, nên chưa có sức thu hút được đội ngũ có năng lực, trẻ, tâm huyết làm làm công tác TGPL… như viên chức TGPL hưởng 100% ngân sách Nhà nước cấp, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, không có thu, nhưng đến nay không có phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên và phải đóng bảo hiểm thất nghiệp… Vẫn có nhiều TGVPL chưa thực sự chuyên nghiệp trong tham gia tố tụng. Số lượng vụ việc tham gia tố tụng của TGVPL còn thấp, cá biệt vẫn còn một số địa phương, TGVPL chưa tham gia tố tụng vụ nào trong một thời gian dài. Chức danh “TGVPL” chưa được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự là người tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, đến ngày 01/7/2016 thì chức danh này mới được “danh chính ngôn thuận” trong tố tụng hình sự, do đó trợ giúp viên pháp lý phần nào còn gặp khó khăn trong hoạt động nghiệp vụ của mình. Mặt khác, tên gọi của chức danh này chưa tương xứng với tính chất và đặc thù của hoạt động TGPL, nên người dân chưa tiếp cận nhiều với TGVPL. Ngoài ra, những hạn chế khác như nguồn nhân lực thực hiện TGPL còn nhiều bất cập; kinh phí đầu tư cho TGPL trong thực tế còn rất thấp, chủ yếu đầu tư để nuôi bộ máy, còn kinh phí hoạt động vẫn ở con số không đáng kể ( năm 2016 ngân sách cấp cho hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm 18,4 % tổng ngân sách được cấp); chất lượng và quản lý chất lượng vụ việc TGPL còn nhiều vấn đề chưa hợp lý… cũng đang làm cho hoạt động TGPL chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của xã hội, nhất là đối tượng TGPL, chưa tạo ra được thương hiệu cũng như sự hài lòng của đối tượng. Đề án đổi mới công tác TGPL Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác TGPL, ngày 01/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025 (sau đây gọi là Đề án). Đề án lấy người được TGPL làm trung tâm, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển công tác trong thời gian tới. Đề án đưa ra mục tiêu tổng quát là đổi mới công tác TGPL theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp cho đặc thù từng vùng, miền, khu vực, tiến tới sau năm 2025 người thực hiện TGPL là luật sư hành nghề, bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, chất lượng tương đương với dịch vụ mà luật sư cung cấp trên thị trường; chuyển các Trung tâm theo hướng từ việc chủ yếu cung cấp dịch vụ TGPL như hiện nay thành cơ quan quản lý nhà nước về TGPL, tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ của Nhà nước. Bên cạnh những mục tiêu tổng quát mang tính chất định hướng chung cho công tác TGPL trong thời gian tới, Đề án cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Giải pháp nâng cao chất lượng vụ việc, nhất là tham gia tố tụng: Để Đề án đổi mới công tác TGPL thực sự đi vào cuộc sống, trọng tâm là cung cấp vụ việc TGPL, nhất là trong lĩnh vực tham gia tố tụng hình sự, dân sự, hành chính…Trung tâm TGPL Nhà nước Quảng Nam ngay từ đầu năm 2016 đã đưa ra một số giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài với sự quyết tâm cao để đưa hoạt động TGPL đi đúng hướng của Đề án, cụ thể: - Trong khi chờ Luật sửa đổi TGPL được ban hành, chủ động giảm các hoạt động mang tính dàn trải như: TGPL lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ, sinh hoạt chuyên đề…, để tập trung cho vụ việc, trong đó tư vấn pháp luật, tư vấn tiền tố tụng và tập trung nhân lực, vật lực hiện có cho tố tụng, nhất là tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. - Hằng tháng có ít nhất 02 buổi vào giờ đầu tuần, các chuyên viên, TGVPL chuẩn bị chuyên đề để thuyết trình trước viên chức Trung tâm về các nội dung liên quan đến hoạt động tố tụng như chuyên đề Hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thừa kế… để rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông, vừa trang bị những kiến thức cần thiết cho việc tư vấn và tham gia tố tụng. - TGVPL mới được bổ nhiệm được phân công vụ việc ít phức tạp và được sự hỗ trợ của 01 TGVPL khác trong ít nhất 05 vụ việc đầu tiên, sau đó tùy theo năng lực của từng người mà giảm dần, sau 01 năm sẽ chịu trách nhiệm từng vụ án cụ thể. TGVPL khi được bổ nhiệm là được phân công tham gia tố tụng ngay; thường xuyên cử chuyên viên đi dự các phiên tòa có TGVPL tham dự để tiếp cận công việc, tạo nguồn cho TGVPL. - Đối với những vụ việc tư vấn, tham gia tố tụng được phân công cho trợ giúp viên mà có nội dung phức tạp như còn chưa rõ về quan hệ pháp luật, tội danh, khung hình phạt… thì từng TGVPL đề xuất để tập thể TGVPL tham gia như một “ Hội đồng tư vấn”, giúp TGVPL có điều kiện chọn phương án tốt nhất để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng. Hoạt động này mang tính tham khảo, còn quyền quyết định lựa chọn phương án bảo vệ vẫn thuộc về TGVPL, TGVPL vẫn là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về quan điểm bảo vệ của mình. - Cử mỗi TGVPL phụ trách từ 01 đến 02 huyện, định kỳ thường xuyên giữ mối liên hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện (cơ quan điều tra, VKS, Tòa án) để trao đổi thông tin, liên hệ, tạo quan hệ phối hợp để các cơ quan này lập thủ tục ban đầu cho các vụ việc TGPL khi có đơn yêu cầu TGPL. Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh thì Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng phân công từng thành viên ở mỗi ngành theo dõi, phối hợp thực hiện các công việc theo Thông tư liên tịch số 11 đã quy định. - Tổ chức Hội nghị triển khai công tác phối hợp liên ngành vào đầu tháng 4 năm 2016 với thành phần các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, huyện, thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng với nhiều nội dung, trong đó có triển khai nhiệm vụ 2016, tập huấn các văn bản pháp luật mới như: Tố tụng hình sự 2015, Tố tụng dân sự 2015, Tố tụng hành chính 2015 liên quan đến hoạt động TGPL, đặc biệt có nội dung ký kết Chương trình phối hợp liên ngành, trong đó có các cam kết của các bên, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng cam kết thực hiện tốt việc giới thiệu các vụ việc để trung tâm TGPL cử TGVPL, Luật sư tham gia tố tụng và tạo mọi điều kiện để TGVPL, Luật sư cộng tác viên hoàn thành tốt việc bào chữa, bảo vệ của mình. - Tham mưu cho Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng biên soạn tài liệu về các nội dung như: Luật TGPL, nội dung cơ bản của Đề án đổi mới công tác TGPL, các Luật tố tụng vừa mới được Quốc hội ban hành có nội dung liên quan đến hoạt động TGPL, gửi cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, huyện để triển khai thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật về TGPL và pháp luật về tố tụng trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, nâng số lượng kiểm tra các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện lên gấp 02 lần so với các năm trước, tạo được sự nhận thức cơ bản và đầy đủ về pháp luật về TGPL ngay ở các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người thực hiện TGPL. - Chuẩn bị Chương trình phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức tọa đàm với chủ đề “ lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, dân sự trên địa bàn tỉnh”, có đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng, đại diện Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư tham dự, qua diễn đàn này làm rõ một số nội dung còn vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật trong thời gian qua, đồng thời cũng giúp cho đội ngũ TGVPL, Luật sư cộng tác viên có điều kiện tiếp cận với pháp luật về nội dung, hình thức cũng như kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên và sự vào cuộc của các thành viên Hội đồng phối hợp công tác TGPL trong hoạt động tố tụng, sự quan tâm hỗ trợ của các ban ngành, cơ quan tiến hành tố tụng, công tác TGPL về hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2016 đến nay có sự chuyển biến khá tích cực, cụ thể: Trong 04 tháng đầu năm Trung tâm và các Chi nhánh TGPL đã thụ lý cử TGVPL, Luật sư cộng tác viên trên 50 vụ việc, TGVPL nhiều nhất đã và đang thực hiện 07 vụ việc, thấp nhất 03 vụ việc, trong khi đó năm 2015 cả năm có 45 vụ việc và có TGVPL không thực hiện vụ nào. Trong 50 vụ việc có 85% vụ việc là TGVPL đảm nhận. Đây là tín hiệu tốt cho việc năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL và cũng là năm đầu tiên TGVPL được Bộ Tư pháp giao chỉ tiệu vụ việc tham gia tố tụng. Hy vọng với các giải pháp đồng bộ như đã nêu trên, công tác TGPL năm 2016 sẽ đạt được nhiều kết quả, tạo được tiền đề để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác TGPL trên địa bàn tỉnh./. Lê Hằng Vân Tin mới:
Các tin khác:
|