Việc quản lý, khai thác tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn: Thực tiễn đã qua và nhu cầu hiện tại
 Thứ hai, 02 Tháng 12 2013 15:06 - 14045 Lượt xem
In

Có thể nói “viên gạch” đặt nền móng đầu tiên cho việc ra đời của Tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn là Quyết định số 69/1998/QĐ-TTg, ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho cấp xã, phường, thị trấn. Tại Điều 2 Quyết định này quy định: “Ở mỗi xã, phường, thị trấn cần xây dựng tủ sách riêng gọi là ''Tủ sách pháp luật'', để cung cấp tư liệu cho cán bộ chính quyền địa phương nghiên cứu, sử dụng, vừa tạo điều kiện để nhân dân có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu pháp luật của Nhà nước”.

Trên tinh thần chỉ đạo đó, Bộ Tư pháp tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1067/1998/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Theo đó, mục tiêu của 3 năm đầu, từ 1999 đến 2001, về cơ bản phải xây dựng được Tủ sách pháp luật ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc, với ít nhất 4 bộ phận sách, báo, tài liệu pháp lý sau:

- Bộ phận văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: công báo; các tập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành; một số sách hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan trực tiếp đến nhân dân và chính quyền địa phương;

- Bộ phận sách pháp luật phổ thông bao gồm: sách hỏi đáp, bình luận, giải thích pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân; các tờ gấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật;

- Bộ phận sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở;

- Bộ phận báo pháp luật của trung ương và địa phương.

1. Thực tiễn đã qua

Theo đánh giá kết quả của Bộ Tư pháp, có thể nói mục tiêu cơ bản của 3 năm đầu thực hiện Quyết định số 1067/1998/QĐ-TTg đã hoàn thành trên phạm vi cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Nam là một trong những đơn vị tổ chức “phủ sóng” nhanh Tủ sách pháp luật rộng khắp trên toàn tỉnh.

Sau khi Tủ sách pháp luật được triển khai thực hiện đồng bộ tại các xã, phường, thị trấn theo tinh thần Quyết định số 1067/1998/QĐ-TTg ; Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn kiện toàn tủ sách hiện có của mình thành “Tủ sách pháp luật” hoặc có tủ sách có “ngăn sách pháp luật” để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ có điều kiện học tập, tìm hiểu pháp luật.

Về nội dung phục vụ, tính từ giai đoạn đầu của Tủ sách pháp luật cho đến những năm từ 2005 đến 2008, 4 bộ phận sách, báo, tài liệu pháp lý nêu trên được trang bị theo yêu cầu cho Tủ sách pháp luật đã được đáp ứng tương đối đầy đủ, từ nguồn chi ngân sách của cấp xã và nguồn hỗ trợ từ các cấp huyện, tỉnh, trung ương. Có thể nói, giai đoạn này là giai đoạn phát triển tích cực và phát huy được hiệu quả nhất của Tủ sách pháp luật. Chính vì vậy, đã có nhiều địa phương phát triển nhân rộng mô hình “Tủ sách pháp luật” vượt ra khỏi yêu cầu ban đầu, như xây dựng “tủ sách pháp luật” ở cấp thôn, khối phố; tổ chức hình thức “túi sách pháp luật” lưu động để di chuyển sách, báo từ địa bàn dân cư này sang địa bàn dân cư khác cho người dân tìm hiểu...

Dưới đây, xin điểm lại một số kết quả tích cực thu được cũng như những hạn chế đã bộc lộ bởi mô hình Tủ sách pháp luật trong giai đoạn đầu.

Kết quả tích cực: Từ sau năm 2000 đến năm 2007 (tạm xác định mốc thời gian như vậy), khi mô hình Tủ sách pháp luật mới ra đời đã có sự đóng góp trực tiếp với ý nghĩa rất lớn cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở các tất cả các địa bàn cơ sở xã, phường, thị trấn. Trước hết nó cung cấp thông tin pháp luật kịp thời, đầy đủ cho bộ máy chính quyền cấp xã (kể các các tổ chức đảng, mặt trận, đoàn thể) nghiên cứu áp dụng vào các hoạt động quản lý xã hội, từng bước đưa pháp luật vào cuộc sống, giảm bớt sự lúng túng hoặc tùy tiện trong thi hành công vụ do thiếu hiểu biết pháp luật, góp phần nâng cao dân trí. Và quan trọng hơn, Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn là nguồn thông tin, tài liệu phục vụ trực tiếp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân cơ sở. Từ nguồn thông tin, tài liệu quan trọng này cán bộ quân dân chính, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở đã khai thác có hiệu quả vào hoạt động đưa pháp luật đến với người dân bằng nhiều kênh khác nhau. Mặt khác, Tủ sách pháp luật cũng chính là nơi để mọi người dân địa phương đến tìm hiểu, tra cứu thông tin pháp luật khi có nhu cầu; nơi khuyến khích tinh thần tích cực tự phát huy của mọi tổ chức, cá nhân trong việc tìm hiểu chính sách pháp luật của Nhà nước.

 

Một vài Tủ sách pháp luật hiện nay ở các xã miền núi

Một số mặt hạn chế, bên cạnh những mặt tích cực như đã nêu trên, Tủ sách pháp luật ngay trong thời gian đầu cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định và đã có tác động làm cho càng về sau mô hình này càng trở nên kém hiệu quả hơn.

- Trước hết phải nói để duy trì Tủ sách pháp luật như một mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng ý nghĩa và yêu cầu vốn có của nó, đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư thường xuyên hằng năm dành cho Tủ sách pháp luật ở cơ sở không nhỏ. Mặc dù đã có sự hỗ trợ kinh phí từ cấp trên cũng như việc cấp phát miễn phí nhiều loại tài liệu, sách báo pháp luật (đặc biệt là Công báo của trung ương và của tỉnh) cho Tủ sách pháp luật cấp xã, nhưng xem ra ở khá nhiều nơi UBND cấp xã vẫn không đảm đương nỗi việc bố trí kinh phí để bổ sung sách, báo, tài liệu pháp luật mới; đặc biệt là bố trí con người quản lý trực tiếp Tủ sách pháp luật để phục vụ bạn đọc.

- Do không có khả năng bố trí được người chuyên quản Tủ sách pháp luật như một thủ thư tại các thư viện, nên vị trí đặt Tủ sách pháp luật mỗi nơi mỗi khác, phổ biến nhất là đặt tại phòng làm việc của công chức Tư pháp – Hộ tịch để công chức này kiêm nhiệm “thủ thư”. Cách bố trí này đã làm cho người dân ngại đến tìm đọc sách, báo, tài liệu pháp luật trong giờ hành chính, còn ngoài giờ hành chính thì Tủ sách không có ai phục vụ.

- Văn bản quy phạm pháp luật (luật, nghị định, thông tư…) được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ hằng năm khá nhiều làm cho việc cập nhật thay thế kịp thời ở cấp xã gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm đọc của người dân khi cần đến…

Còn nhiều lý do khác nữa, khiến cho Tủ sách pháp luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập ngay từ giai đoạn đầu được coi là “vàng son” của nó. Từ năm 2008 và những năm tiếp theo, Bộ Tư pháp đã có chỉ đạo các địa phương tổ chức sơ kết đánh giá hiệu quả của mô hình Tủ sách pháp luật, đồng thời Bộ cũng đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, nhiều hội nghị về Tủ sách pháp luật. Đến thời điểm năm 2011, các báo cáo đánh giá về Tủ sách pháp luật ở nhiều địa phương đều có chung nhận định là người dân tìm đến với Tủ sách pháp luật hằng năm qua ít, có nơi mỗi năm chỉ có vài ba trường hợp. Điều đó cũng có nghĩa là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mô hình Tủ sách pháp luật không còn phát huy hiệu quả, thiết thực nữa.

2. Nhu cầu hiện tại     

Theo dõi thực tế, tạm xác định mốc thời gian, là bắt đầu từ năm 2008 đến nay có thể nói mô hình Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn ngày càng giảm sút dần vai trò và tính năng phổ biến, giáo dục pháp luật của nó. Vì mấy nguyên nhân sau đây:

Một là, Việc bổ sung tư liệu thông tin, sách báo pháp luật cho Tủ sách pháp luật ngày càng trở nên khó khăn hơn cho các xã, phường, thị trấn. Đối với các xã ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo nhiều khi tài liệu pháp luật được gửi về đến nơi thì trở nên lạc hậu rồi, do cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế;

Hai là, vị trí đặt Tủ sách pháp luật không phù hợp, không có người “thủ thư”, nội dung Tủ sách nghèo nàn nên người đọc ngày càng ít quan tâm;

Ba là, trong tình hình như trên, mạng thông tin điện tử toàn cầu (Internet) được triển khai ứng dụng tại Việt Nam ngày càng phát triển; cho đến những năm 2007, 2008 internet đã bắt đầu được nối mạng phổ biến ở các cơ quan công sở cấp tỉnh, cấp huyện; và đến nay mạng này đã được phủ khắp đến hầu hết các xã, phường, thị trấn. Ở các huyện đồng bằng cũng như tại các thị trấn trung tâm của các huyện miền núi nhiều người dân đã tự kết nối internet về nhà cùng với nhiều điểm dịch vụ internet công cộng được mở ra khá phổ biến. Để tìm kiếm một thông tin pháp luật nào đó trên mạng internet, đối với người dân hiện nay khá dễ dàng và thuận tiện hơn gấp nhiều lần phải tìm lục trong Tủ sách pháp luật. Nếu như Tủ sách pháp luật nghèo nàn bao nhiêu về nội dung thì ngược lại mạng internet lại phong phú bấy nhiêu. Mạng internet không chỉ cung cấp thông tin về nội dung văn bản quy phạm pháp luật mà còn cung cấp cả nhưng thông tin có tính chất bình luận, tư vấn, hướng dẫn để người truy cập có thể nhanh chóng nắm bắt dễ dàng.

Kỹ năng tra cứu thông tin pháp luật trên mạng internet của người dân ngày nay còn được sự trợ giúp khá đắc lực từ đội ngũ học sinh từ cấp trung học cơ sở trở lên, là con em của họ. Đối với những người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận được internet (chiếm tỉ lệ không nhiều) thì đối với chính bản thân họ nhu cầu tìm hiểu pháp luật cũng chưa phải bức thiết bằng miếng cơm manh áo hằng ngày, nên họ cũng ít quan tâm đến Tủ sách pháp luật (bộ phận dân cư này lại được hưởng chính sách tuyên truyền pháp luật trực tiếp, trợ giúp pháp lý lưu động của Nhà nước).

Từ những vấn đề nêu trên, có tác động rất lớn vào thực trạng các Tủ sách pháp luật hiện nay ở các xã, phường, thị trấn. Trong các chuyến công tác thực tế ở nhiều nhiều đơn vị cấp xã miền núi và đồng bằng, tôi thấy ở đâu Tủ sách pháp luật cũng có một điểm khá giống nhau là đầu sách không phong phú, chủ yếu là sách cũ, việc bổ sung mới không đáng kể; số người mượn đọc chủ yếu là cán bộ quân dân chính cấp xã, nhưng không nhiều; có thể nói tính trưng bày của Tủ sách nhiều hơn tính phục vụ.

Riêng về số lượng Công báo (của trung ương và tỉnh) được cấp cho cơ sở, phải nói là rất đều đặn, đầy đủ. Đây có thể coi như nguồn văn bản pháp luật đầy đủ nhất do Nhà nước cấp đến tận các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn văn bản pháp luật phong phú này để phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương chưa được cấp cơ sở quan tâm đúng mức. Vấn đề này có nguyên nhân từ chỗ nhu cầu sử dụng văn bản pháp luật ở cấp xã chiếm tỉ lệ khá thấp so với số lượng văn bản có trong Công báo, trong khi trình độ, kỹ năng tra cứu, ứng dụng ở cấp xã còn nhiều hạn chế. Do số lượng Công báo nhận được qua nhiều năm quá lớn, đến nay hầu hết các đơn vị cấp xã không còn có thể cất giữ Công báo trong Tủ sách pháp luật được nữa. Không thể để “con voi” Công báo ngồi vào “cái chậu” Tủ sách pháp luật nhỏ bé (chiếm hết không gian phòng làm việc của công chức Tư pháp – Hộ tịch), nên nhiều nơi UBND cấp xã đã cho Công báo vào các bao tải, hoặc thùng các tông để “lưu trữ” cẩn thận tại các nhà kho. Hiện nay nhiều nơi tiếp nhận Công báo chủ yếu là để “lưu trữ” cẩn thận theo nhiều cách khác nhau.

3. Kiến nghị

Xuất phát từ thực tế tác động của nhiều nguyên nhân làm cho mô hình Tủ sách pháp luật không còn phát huy tác dụng tích cực đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như trong giai đoạn đầu của nó. Chúng tôi xin có vài kiến nghị:

1. Nên chuyển đổi mô hình Tủ sách pháp luật thành Tủ sách văn hóa xã hội (hoặc một hình thức có tính tổng hợp khác) và đặt tại một vị trí thích hợp trong khu hành chính cấp xã để cán bộ và nhân dân đến tìm đọc, không chỉ nhằm tra cứu thông tin pháp luật mà còn có thể tra cứu các loại thông tin tổng hợp thuộc các lĩnh vực khác, như khuyên nông, khuyến lâm, khuyến ngư… kể cả các loại tác phẩm văn hóa nghệ thuật, thể thao, giải trí...

Về người “thủ thư”, nếu không thể bố trí được biên chế chuyên quản, thì bước đầu nên phân công đoàn viên thanh niên, cán bộ thuộc các bộ phận trong hệ thống chính trị cơ sở thay phiên nhau trực để  bảo đảm phục vụ người đọc thường xuyên, liên tục.

Để bổ sung thường xuyên làm phong phú số lượng đầu sách, báo, tài liệu cho Tủ sách, ngoài việc sử dụng nguồn ngân sách của Nhà nước, các địa phương nên có chủ trương xã hội hóa tủ sách bằng việc vận động cơ quan, tổ chức, người dân, bạn đọc… tham gia hiến sách cho tủ sách. Một khi Tủ sách không còn là kênh riêng của ngành Tư pháp quản lý, sẽ có nhiều ngành tham gia hỗ trợ bổ sung kinh phí, tài liệu và bạn đọc của Tủ sách sẽ ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là thanh niên, học sinh địa phương. Với cách làm linh hoạt, sáng tạo trong tương lai hy vọng sẽ có nơi phát triển dần Tủ sách thành thư viện nhỏ ở cấp xã.

2. Về Công báo, đề nghị nên chuyển đổi hình thức cấp phát cho cơ sở từ văn bản giấy sang văn bản điện tử, dưới dạng các đĩa thông tin, theo định kỳ 2 tuần một lần hoặc mỗi tháng một lần. Làm như vậy sẽ gọn nhẹ hơn nhiều, tạo thuận lợi cho cấp xã dễ lưu trữ, dễ khai thác sử dụng; quan trọng hơn là sự tiện ích trong việc khai thác, sử dụng của báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật cơ sở; nhân sao các đĩa thông tin pháp luật đó cấp phát cho người dân có nhu cầu.

Bên cạnh việc cung cấp đĩa thông tin pháp luật, cần trang bị máy vi tính, máy in để kết xuất thông tin ra giấy phục vụ cho người dân khi có nhu cầu. Qua đầu mối máy vi tính nối mạng internet này có thể giúp người dân gửi câu hỏi đến địa chỉ cần thiết đề nghị tư vấn những vấn đề có liên quan đến pháp luật hay đời sống thường ngày của họ./.

Nguyễn Kỳ Sanh

 

Tin mới:
Các tin khác: