Những hạn chế, bất cập và giải pháp để xây dựng văn bản quy phạp pháp luật thời gian đến đạt hiệu quả cao
 Thứ hai, 30 Tháng 9 2013 08:41 - 6385 Lượt xem
In

Trong những năm qua, hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã từng bước đi vào kế hoạch hoá khi thực hiện Chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh và Chương trình xây dựng quyết định, chỉ thị của UBND tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; đồng thời tạo sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc soạn thảo, thẩm định, ban hành VBQPPL của HĐND, UBND các cấp. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, cán bộ làm công tác văn bản các cấp thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ và tập huấn nghiệp vụ soạn thảo, kiểm tra VBQPPL. Một số ngành, địa phương cũng rất quan tâm công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra văn bản đã có sự đầu tư thích đáng cho hoạt động này. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc ban hành VBQPPL ở ngành, địa phương vẫn còn những hạn chế sau:

- Một số sở, ngành chưa chủ động trong việc đề xuất ban hành VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh liên quan đến ngành, lĩnh vực mà mình quản lý, mà chỉ thực hiện đề nghị ban hành VBQPPL khi phát sinh yêu cầu hoặc văn bản của trưng ương; đồng thời các sở, ngành khi đăng ký dự kiến xây dựng VBQPPL thì lại không đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định, chưa sát với yêu cầu quản lý nhà nước. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều văn bản ban hành không đảm bảo về tiến độ, phải chuyển sang năm sau hoặc không được ban hành.

- Trong quá trình dự thảo VBQPPL một số sở, ngành chưa tuân thủ đầy đủ về trình tự, thủ tục xây dựng VBQPPL (theo Quyết định số 02/2012/QĐ-UBND ngày 18/01/2012 về ban hành Quy trình xây dựng, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL của HĐND và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh), như: chưa tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội trước khi xây dựng dự thảo văn bản (kể cả đánh giá tác động các quy định về thủ tục hành chính); chưa lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo văn bản hoặc có lấy ý kiến góp ý nhưng chưa đảm bảo thời gian theo quy định, đối tượng lấy ý kiến hẹp, chất lượng ý kiến góp ý không cao. Kết quả là chất lượng của một số dự thảo VBQPPL không cao, chưa đảm bảo về thể thức, kỹ thuật trình bày, nội dung đơn giản, sơ sài, thậm chí có văn bản chỉ sao chép các VBQPPL ở Trung ương... cho nên nhìn chung tính khả thi của VBQPPL ở các cấp sau khi ban hành không cao.

- Dự thảo văn bản gửi thẩm định không đúng quy định làm ảnh hưởng đến thời gian thẩm định và bị động cho cơ quan thực hiện chức năng thẩm định. Đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định còn nhiều hạn chế về trình độ, năng lực. Nội dung thẩm định phần lớn về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản, chưa đi sâu phân tích nội dung và các quy định cụ thể của văn bản.

- Mặc dù nội dung thẩm định chủ yếu phát hiện các lỗi về hình thức, kỹ thuật trình bày nhưng hầu hết các văn bản ban hành vẫn chưa đảm bảo về mặt trình tự, thủ tục và thể thức, kỹ thuật trình bày theo quy định của pháp luật.

- Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể xã hội khi tham gia phản biện xã hội đối với các VBQPPL còn nhiều hạn chế; hoặc chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện theo đúng quy định.

- Ở một số địa phương việc niêm yết VBQPPL sau khi ban hành chưa được thực hiện; VBQPPL sau khi ban hành chưa gửi Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp để kiểm tra theo thẩm quyền và gửi cho các cơ quan nhà nước cấp trên, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL như đã nêu trên, nhưng theo tôi có lẽ do các nguyên nhân sau:

-  Các cơ quan chuyên môn chưa thống nhất cách hiểu về khái niệm VBQPPL, từ đó chưa phân biệt được VBQPPL với văn bản áp dụng pháp luật nên đã xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành mà không đảm bảo yêu cầu về trình tự, thủ tục, hình thức và nội dung của một văn bản quy phạm pháp luật.

- Một số đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, những tác động mà VBQPPL mang lại cho đời sống, nên chưa chủ động đăng ký việc xây dựng, ban hành VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý; chưa đầu tư nhiều về thời gian, con người cho công tác xây dựng, ban hành văn bản; chưa thể hiện trách nhiệm cao đối với các dự thảo VBQPPL được phân công phụ trách soạn thảo .

- Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong soạn thảo, ban hành chưa chặt chẽ, hiệu quả, có nhiều cơ quan, đơn vị chỉ phối hợp mang tính hình thức.

- Cán bộ tham mưu thực hiện công tác soạn thảo, xây dựng VBQPPL còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, thụ động, chưa chịu khó nghiên cứu. Đội ngũ cán bộ pháp chế tại các sở, ngành chưa phát huy được vai trò của mình trong công tác tham mưu thực hiện nghiệp vụ pháp chế. Hầu hết cán bộ pháp chế đều bố trí kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác hoặc còn trẻ, chưa có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp chế.

Để khắc phục những hạn chế và nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành VBQPPL trên địa bàn tỉnhtrong thời gian đến cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:   

- Nâng cao trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. HĐND, UBND các cấp cần nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng và ban hành VBQPPL, phải xem công tác này là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Trong đó, cần tập trung và tổ chức thực hiện đúng các quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL, nhất là các khâu thẩm định tính pháp lý, trình tự xem xét thông qua VBQPPL. Đồng thời, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn bản, bố trí kinh phí đảm bảo cho hoạt động này.

- Các cơ quan soạn thảo, ban hành VBQPPL cần tuân thủ đúng trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành VBQPPL bao gồm:  Lập Chương trình ban hành VBQPPL của HĐND, UBND hàng năm; thành lập Tổ soạn thảo; khảo sát các quan hệ xã hội mà văn bản điều chỉnh, kể cả vấn đề đánh giá tác động các quy định về thủ tục hành chính; tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý; xem xét, thông qua; hoàn chỉnh, ký phát hành; công bố văn bản; tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; đồng thời xem việc ban hành VBQPPL là nguồn lực góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Sớm xây dựng, kiện toàn về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn bản. UBND các cấp cần quan tâm bố trí đủ biên chế làm công tác văn bản tại cơ quan Tư pháp, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã; có kế hoạch quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn bản kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng Đề án thành lập Phòng pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế, giúp Thủ trưởng các sở, ban ngành trong công tác xây dựng và ban hành văn bản.

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý VBQPPL; đồng thời đảm bảo các điều kiện vật chất và kinh phí cho công tác xây dựng, kiểm tra VBQPPL theo quy định./.

Đặng Văn

 


Tin mới:
Các tin khác: