Quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, huyện |
Thứ ba, 11 Tháng 6 2013 10:13 - 2037 Lượt xem |
|
|
Ngày 19/5/2013, Thủ tướng
Chính phủ ban hành Quyết định số
27/2013/QĐ-TTg Quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng
phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (Hội đồng phối hợp). Theo đó, Hội đồng phối hợp cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thành lập, gồm: Lãnh đạo UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng; Giám đốc Sở Tư pháp là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng cấp tỉnh, Trưởng phòng Tư pháp là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng cấp huyện. Thành viên Hội đồng là lãnh đạo Văn phòng UBND, lãnh đạo các sở, ngành như: Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Quân sự; Công an; Nội vụ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giao thông vận tải; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Y tế; Tài chính; cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện; Đài Phát thanh và Truyền hình. Mời lãnh đạo các tổ chức: Tuyên giáo, Ủy ban MTTQVN, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội LHPN Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Luật gia, Đoàn luật sư, Hiệp hội doanh nghiệp làm Ủy viên Hội đồng. Hội đồng phối hợp cấp tỉnh, cấp huyện tư vấn cho UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng chương trình, kế hoạch trung hạn, dài hạn về phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng, địa bàn và tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương; nội dung pháp luật trọng tâm cần phổ biến, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và địa phương, với xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính ở địa phương; việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù; các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương; phối hợp, lựa chọn nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp để giải quyết các vấn đề đột xuất, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương; giải pháp tăng cường xã hội hóa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; các giải pháp để huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước trong việc thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hằng năm tại địa phương; đánh giá tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương trước khi trình UBND cùng cấp; thực hiện các nhiệm vụ khác được UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp giao. Cũng theo quy định này, kinh phí hoạt động của Hội đồng và Ban Thư ký Hội đồng phối hợp PBGDPL do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và sử dụng theo quy định tài chính hiện hành. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/7/2013 và thay thế Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Hội đồng phối hợp PBGDPL đã được thành lập theo Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg vẫn được duy trì hoạt động và phải được kiện toàn theo quy định của Quyết định này trong thời hạn chậm nhất là 3 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành./. Văn Cả Tin mới:
Các tin khác:
|