Nhìn lại 01 năm thực hiện chỉ thị số 03-CT/TW ngày 15/4/2011 của Bộ chính trị |
Thứ sáu, 18 Tháng 5 2012 09:23 - 3571 Lượt xem |
|
|
Ngày 15/4/2011, Bộ Chính trị ban
hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh; qua hơn 01 năm triển khai
thực hiện, với sự chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ của các cấp ủy và tổ chức
đảng; sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, việc học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng,
góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội XI của
Đảng vào cuộc sống. Nhân kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (1890 - 2012), danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc; người viết bài này đề cập đến một vấn đề lớn trong hệ thống tư tưởng đạo đức của Người, đó là: Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Bác Hồ nêu vấn đề thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí ngay từ khi đất nước mới thoát khỏi ách kìm kẹp của thực dân, phong kiến. Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải nêu gương “cần, kiệm, liêm, chính ”, và Người cũng coi “cần, kiệm, liêm, chính” là bốn đức tính của con người, là những đạo đức phẩm chất của một dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm về tiết kiệm “là không xa xỉ, không hoang phí và không bừa bãi”. Nhắc đến tiết kiệm, Người căn dặn chúng ta phải tiết kiệm tiền bạc, của cải và thời cơ, không phải chỉ biết tiết kiệm cho mình mà phải biết tiết kiệm cho người khác nữa. Người nói: “Thời giờ cũng phải biết tiết kiệm như của cải, tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người. Không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm, làm mất thời giờ người khác. Bởi vì của cải nếu hết thì có thể làm thêm. Khi thời gian đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được”. Người nhấn mạnh: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu, khi có việc đáng làm, việc ích nước, lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc thì tốn bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng”. Như thế mới đúng là tiết kiệm, việc đáng làm mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là tiết kiệm. Chúng ta cần phải hiểu một cách đẩy đủ về tiết kiệm là như thế, chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó có tấm gương về tiết kiệm của Người là học tinh thần cơ bản chứ không phải học một cách máy móc. Trong cuộc sống, Bác nêu gương tiết kiệm từ việc nhỏ đến việc lớn và giáo dục mọi người noi theo, như nhắc nhở người phục vụ tắt đèn ngoài vườn, dù chỉ là một ngọn khi trời đã sáng; như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về tấm gương tiết kiệm của Bác: “Lúc ăn, Bác không để rơi vãi một hạt cơm, ăn xong, cái bát cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất”; như câu chuyện mà chúng ta thường nghe và xem phim tư liệu về Bác: Trên đường đi công tác, Bác bị ướt quần áo do phải lội suối, thay vì dừng lại để phơi đồ cho khô, Bác lại có sáng kiến vừa đi vừa phơi đồ trên cây gậy Bác thường mang theo, Bác nói làm như vậy là để tiết kiệm thời gian. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì lãng phí bao gồm lãng phí sức lao động, lãng phí thời gian, lãng phí của cải vật chất. Lãng phí do nhiều nguyên nhân như trình độ non kém, thiếu kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, độc đoán đưa ra những quyết định sai lầm gây tốn kém công quỹ của Nhà nước hoặc xem của công như của “ trời cho” mặc sức “ném tiền qua cửa sổ”, ăn tiêu, biếu xén, xa hoa lãng phí... Trong thực tế đất nước ta hiện nay thực trạng này còn diễn ra khá phổ biến, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái phẩm chất, đạo đức, thiếu tinh thần tu dưỡng, rèn luyện; tình trạng tham ô, lãng phí hiện nay có xu hướng xảy ra ngày càng nhiều và được “ biến thái” dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngày 16/5/2012, tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 03 - CT/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Có rất nhiều điều cần học, nên học, phải học, bởi Bác Hồ là tấm gương sáng về mọi mặt. Cả cuộc đời Bác là biểu tượng cao đẹp về ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước thương dân tha thiết, trí tuệ anh minh, mẫn tiệp, có tầm nhìn xa, rộng, sâu sắc, có đạo đức cách mạng cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, có tác phong, phong cách khiêm tốn, giản dị, có tấm lòng nhân hậu, tình cảm chan chứa yêu thương con người, là một mẫu mực tuyệt vời về cách sống, cách nghĩ, cách viết, cách nói, cách làm việc. Học Bác là học về đạo đức cách mạng trong sáng, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, về tư cách người cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù ở trong lòng, đấu tranh với cái ác, nâng cái thiện lên... Bác phê phán những cái tệ hại, quan liêu, xa dân... Bác dạy đối với mình, với người phải thế nào, đối với Đảng, với dân phải thế nào, đối với địch thế nào... Học Bác là học phong cách, lối sống giản dị, khiêm tốn, thanh bạch, gần dân, không quan liêu, quan cách từ ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc, xuống với dân thì thế nào... Bác dạy từ công an, quân đội, thanh niên, phụ nữ... rất cụ thể, rõ ràng, sâu sắc, mỗi người hãy thấm vào máu mình để thực hiện…” Để Chỉ thị 03-CT/TW ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, chống lại tình trạng tham ô, lãng phí, thực hành tiết kiệm; thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta và toàn thể nhân dân phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, đặt lợi ích tập thể, lợi ích của Đảng, nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Đặc biệt phải thường xuyên quán triệt, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, làm sao để tư tưởng của Người trở thành nếp sống sinh hoạt hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên; xem đây là một biện pháp quan trọng để khắc phục những khuyết điểm về đạo đức, lối sống giữ vững nìềm tin của nhân dân đối với Đảng. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để mỗi người tốt hơn, trong sáng hơn, để dân tộc ta mãi mãi trường tồn. Có như vậy, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà Đảng ta phát động thời gian qua mới hiện thực hóa được trong đời sống xã hội. Bùi Xuân Hiếu Tin mới:
Các tin khác:
|