Xây dựng Bộ máy UBND cấp huyện và cấp xã như thế nào khi không còn tổ chức Hội đồng nhân dân
 Thứ năm, 15 Tháng 3 2012 10:23 - 4345 Lượt xem
In

Qua đợt tổ chức tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 ở Quảng Nam vào cuối năm 2011 vừa qua, trên lĩnh vực hành pháp đã có nhiều ý kiến quan tâm đặc biệt đến vấn đề nên tiếp tục duy trì hay bỏ bớt tổ chức HĐND ở hai cấp huyện và xã, mà trước hết là HĐND quận, huyện, phường. Vấn đề này cũng đã được Trung ương tổ chức thực hiện thí điểm tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước từ năm 2008. Chắc chắn những bài học kinh nghiệm rút ra qua thực hiện thí điểm sẽ được đưa vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trong thời gian tới. Trong phạm vi bài viết này, tôi không đề cập vấn đề tiếp tục duy trì hay bở bớt tổ chức HĐND cấp huyện, cấp xã mà bàn vấn đề hệ quả của nó là nếu bỏ bớt tổ chức HĐND ở hai cấp này thì tổ chức bộ máy UBND cùng cấp sẽ được hình thành như thế nào và cơ chế giám sát hoạt động của UBND sẽ được thực hiện ra sao.

Đến thời điểm này có lẽ xu thế đề nghị bỏ HĐND cấp huyện, cấp xã đang  được nhiều ý kiến ủng hộ. Tuy nhiên, nếu bỏ HĐND cấp xã và cấp huyện thì việc thành lập UBND ở hai cấp này sẽ được thực hiện như thế nào và cơ chế giám sát sẽ ra sao, thì lại có nhiều ý kiến thiên về hướng đề nghị cấp trên trực tiếp bổ nhiệm. Cụ thể là Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên UBND cấp huyện; sau đó Chủ tịch UBND cấp huyện bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên UBND cấp xã. Đây chính là vần đề cốt lõi cần phải bàn, vì nó liên quan trực tiếp đến bản chất Nhà nước và chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Trước hết, phải nói rằng nếu theo cách trên đây thì về mặt trình tự thủ tục để thành lập nên bộ máy UBND hai cấp huyện và xã là khá gọn nhẹ, đỡ đi một khoản kinh phí rất lớn mà hằng năm ngân sách Nhà nước phải bỏ ra. Nhưng nếu xét về mặt bản chất nhà nước và chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa thì thực hiện theo cách trên đây lại rất không ổn. Vì bản chất của nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; mọi quyền bính đều thuộc về nhân dân. Nhân dân lập ra bộ máy nhà nước thông qua việc trực tiếp bầu ra Quốc hội và HĐND các cấp. Quốc hội và HĐND các cấp nhận trách nhiệm từ sự ủy thác của nhân dân mà lập ra bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương. Từ đó có thể thấy rằng việc lập ra UBND các cấp nói chung và cấp huyện, cấp xã nói riêng là do nhân dân thực hiện quyền lực gián tiếp của mình thông qua HĐND cùng cấp. Nếu diễn đạt rộng hơn, cũng có thể nói rằng các cơ quan nhà nước khác trực thuộc UBND các cấp cũng là do nhân dân lập ra thông qua một lần gián tiếp nữa là giao thẩm quyền cho UBND quyết định. Về nguyên tắc, quyền lực của nhân dân càng được thực hiện gián tiếp chừng nào thì càng xa cái gốc dân chủ của nó chừng ấy.

Từ phân tích trên đây có thể nói, nếu bỏ HĐND cấp huyện, cấp xã và giao thẩm quyền cho cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp bổ nhiệm các thành viên UBND cấp dưới thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta bỏ đi một phần quyền chính trị rất cơ bản và quan trọng của nhân dân, đó là quyền tham gia xây dựng bộ máy nhà nước ở địa phương. Và nếu như vậy thì nguy cơ về tình trạng quan liêu, xa dân, tình trạng chạy chức, chạy quyền sẽ hình thành và phát triển mạnh hơn trong bộ máy hành chính ở địa phương. Tức là sẽ trái với mục tiêu và chủ trương lớn của Đảng ta là ngày càng phát huy và mở rộng dân chủ trực tiếp cho người dân ở cơ sở.

Theo tôi, nếu Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung theo hướng bỏ HĐND cấp huyện và cấp xã hoặc trong giới hạn quận, huyện, phường, thì tổ chức bộ máy UBND ở các cấp này nên thực hiện theo hướng, như sau:

1. Đối với cấp xã (hoặc chỉ có phường), nên để cử tri trực tiếp bầu ra Chủ tịch UBND theo nguyên tắc có số dư, còn Phó Chủ tịch và các thành viên UBND do cấp trên trực tiếp bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch UBND;

2. Đối với cấp huyện (hoặc chỉ có quận, huyện), Chủ tịch UBND cấp huyện nên để các Chủ tịch UBND cấp xã và các Trưởng thôn trực tiếp bầu ra. Vì Chủ tịch UBND cấp xã và các Trưởng thôn chính là những người do cử tri trực tiếp bầu ra, do đó họ chính là người đại diện thực sự của nhân dân, như các đại biểu HĐND hiện nay. Tương tự như cấp xã, Phó Chủ tịch và các thành viên UBND cấp huyện do cấp trên trực tiếp bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch UBND.

Vấn đề còn lại là làm sao để trong quá trình hình thành bộ máy tổ chức UBND cấp huyện, cấp xã như phương án trên, về mặt nhân sự vẫn bảo đảm được định hướng công tác cán bộ của Đảng. Vấn đề này theo tôi Đảng cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ, trong đó cần làm rõ tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh trong bộ máy UBND các cấp. Và trên thực tế phải bảo đảm rằng bất cứ người nào đáp ứng được các tiêu chuẩn cụ thể theo quy định thì đều được giới thiệu ra ứng cử và bất cứ người nào đã thắng cử thì cũng đều được nhận nhiệm vụ theo chức danh được bầu.

Vấn đề giám sát hoạt động của UBND cấp huyện, cấp xã khi không có HĐND, sẽ được thực hiện như thế nào?

Trước hết, đối với cấp xã, có thể nói chúng ta đã từng có một tiền đề rất tốt đó là sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Cách đây vài năm, MTTQ đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân đối với một số chức danh của cấp xã, và kết quả cho thấy là rất tích cực. Như vậy chúng ta nên tiếp tục tạo cơ chế giao cho MTTQ và các tổ chức thành viên thực hiện chức năng giám sát thường xuyên đối với hoạt động của UBND cấp xã, và thực hiện đánh giá theo phương thức bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm.

Vấn đề giám sát hoạt động của UBND cấp huyện cũng cần được tiến hành thường xuyên thông qua MTTQ và những người trực tiếp bầu ra cấp này và cũng bằng việc bỏ phiếu tín nhiệm theo định kỳ hằng năm.

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, là “Đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp cần được sắp xếp phù hợp, có cơ chế kịp thời thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác”.

 Nguyễn Kỳ sanh

 

Tin mới:
Các tin khác: