Vẫn còn nhiều băn khoăn về tính cấp thiết của Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
 Thứ sáu, 18 Tháng 10 2019 10:28 - 1669 Lượt xem
In

Ngày 09/10/2019, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Có gần 50 đại biểu được mời có mặt tại hội nghị này, gồm một số vị đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam và đại diện các cơ quan, đơn vị: Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy; đại diện Ban Pháp chế HĐND, Sở Tư pháp, Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Đoàn Hội thẩm nhân dân TAND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh; Hòa giải viên tại Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND tỉnh; đại diện lãnh đạo TAND các địa phương: Tam Kỳ, Núi Thành, Tiên Phước, Điện Bàn, Thăng Bình, Hội An, Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc cùng với đại diện hòa giải viên tại Trung tâm hòa giải, đối thoại thuộc các Tòa án địa phương này.
dbqhCó thể nói đây là hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo luật nhận được sự quan tâm của khá nhiều đại biểu tham dự. Khoảng 1/3 số đại biểu có mặt tại hội nghị đã tham gia ý kiến, có đại biểu xin phát biểu hai lần. Nhìn chung, vấn đề quan tâm lớn nhất của nhiều đại biểu là tính cấp thiết của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; bên cạnh đó là một số vấn đề về nội dung, lo ngại có sự xung đột pháp lý giữa dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án với Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính hiện hành. Dưới đây là một số ghi nhận:
1. Thêm thủ tục "tiền tố tụng"
Khoản 1, Điều 1 Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định (sau đây gọi tắt là Dự thảo): "Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính". Trong khi đó tại điểm a, khoản 1 Điều 8 Dự thảo quy định các bên tham gia hòa giải, đối thoại có quyền: "Đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại;...". Như vậy phải hiểu như thế nào cho đúng hai nội dung quy định có vẻ "trái ngược" nhau này? Tức là người có đơn khởi kiện vụ án (dân sự, hành chính) ngay từ đầu có quyền từ chối việc hòa giải, đối thoại hay là phải "bước vào" thủ tục hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án rồi sau đó mới được thực hiện quyền đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại theo Luật này? Câu trả lời cho câu hỏi này chính là các quy định tại Điều 15 của Dự thảo, là phải qua thủ tục "tiền tố tụng" hòa giải hoặc đối thoại tại Tòa án trước, sau đó nếu các bên không đồng ý việc tiến hành hòa giải hoặc đối thoại tại Tòa án hoặc việc hòa giải, đối thoại được tiến hành nhưng không thành thì Tòa án mới thụ lý vụ kiện theo thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc Luật Tố tụng hành chính.
2. Có làm cho việc giải quyết vụ án dân sự, hành chính tại Tòa án bị kéo dài thời gian thêm không?
Câu trả lời là có. Cụ thể là trong trường hợp các bên không đồng ý tiến hành hòa giải hoặc việc hòa giải, đối thoại không thành thì Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, thụ lý vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Thời gian bị kéo dài là các khoản thời gian sau đây: (i) thời hạn 03 ngày làm việc, để Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán làm công tác hòa giải, đối thoại; (ii) thời hạn 05 ngày làm việc tiếp theo để Thẩm phán làm công tác hòa giải, đối thoại phân công Hòa giải viên thực hiện; (iii) thời hạn 20 ngày hoặc 30 ngày (nếu vụ án phức tạp) để Hòa giải viên được phân công, hoàn thành việc tổ chức hòa giải hoặc đối thoại. Như vậy thời gian lý thuyết tối đa là khoảng 28 hoặc 38 ngày làm việc. Trong khoảng thời gian này nếu việc hòa giải, đối thoại không thành thì Tòa án tiến hành thụ lý vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc Luật tố tụng hành chính. Tức là bắt đầu lại từ đầu, khoảng thời gian "tiền tố tụng" này chính là khoảng thời gian bị kéo dài.
3. Phát sinh chi phí cho giai đoạn "tiền tố tụng"?
Vấn đề này nhiều đại biểu thể hiện sự nhất trí cao khi cho rằng, trong trường hợp vụ kiện được hòa giải hoặc đối thoại thành tại Tòa án thì rõ ràng chi phí cho việc giải quyết vụ án sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc phải tiến hành các bước tiếp theo. Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng, một khi vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn đã đến mức các bên không thể tự giải quyết được mới phải đưa đến Tòa án, thì việc hòa giải thành và đối thoại thành tại Tòa án là rất khó đạt được. Do đó việc đặt ra thêm một cơ chế hòa giải, đối thoại "tại Tòa án nhưng ngoài tố tụng" liệu có cần thiết không? trong khi Bộ luật Tố tụng dân sự đã có quy định cụ thể thủ tục hòa giải tại Tòa án và Luật Tố tụng hành chính cũng có quy định thủ tục đối thoại tại Tòa án là khâu bắt buộc phải có.
Những vụ án phức tạp, kéo dài các bên tranh chấp bức xúc mong muốn được giải quyết nhanh tại Tòa án, sẽ nhiều khả năng bị "đọng lại" tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Và các chi phí phát sinh cho giai đoạn "tiền tố tụng" này sẽ là: (i) Chi thù lao cho Hòa giải viên; (ii) Chi phí cho Hòa giải viên đi xem xét hiện trạng hoặc gặp gỡ riêng từng bên; (iii) Chi phí cho hoạt động quản lý công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án ...v.v... Đó là mới nói đến chi phí của phía Nhà nước. Công bằng mà nói, chúng ta cũng cần phải tính tới chi phí của các bên tranh chấp phải chịu do vụ án bị kéo dài (rất khó xác định, "vô hình" nhưng có thật) do cơ chế "tiền tố tụng" của Nhà nước tạo ra.
4. Hòa giải viên của các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án có cần phải do Chánh án TAND tối cao xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại?
Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi đối với nhiều đại biểu dự hội nghị cũng như gây tranh cãi trong dư luận hiện nay. Nhiều ý kiến đề nghị, nếu dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội chấp thuận thông qua thì thẩm quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với Hòa giải viên nên giao cho Chánh án TAND cấp tỉnh là hợp lý hơn. Vì nhiều người cho rằng quyết định của Chánh án TAND cấp tỉnh cũng đảm bảo "chuẩn" về mặt pháp lý, đồng thời cũng đáp ứng được yếu tố nhanh gọn về mặt thủ tục. Ngoài ra, một khía cạnh pháp lý khác cũng cần được xem xét, đó là nên theo thủ tục "bổ nhiệm, miễn nhiệm" hay là "công nhận, cho thôi" đối với chức danh Hòa giải viên tại các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án?
5. Nếu ngay từ đầu người khởi kiện không đồng ý hòa giải, đối thoại?
Theo Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, thì tùy theo trường hợp Tòa án sẽ chính thức thụ lý vụ án theo Bộ luật Tố tụng dân sự hay Luật Tố tụng hành chính, nếu sau khi tiến hành hòa giải, đối thoại không thành hoặc sau khi nhận được thông báo của Tòa án về việc tiến hành hòa giải, đối thoại, nếu một trong các bên không đồng ý hòa giải, đối thoại (khoản 5, Điều 15).
Vấn đề đặt ra là, sau khi nhận được thông báo của Tòa án về việc tiến hành hòa giải, đối thoại, thì người khởi kiện (hoặc người bị kiện) không đồng ý hòa giải, đối thoại thì sao? Tất nhiên, câu trả lời là Tòa án phải thụ lý vụ án theo Bộ luật Tố tụng dân sự hay Luật Tố tụng hành chính mà không được giao cho Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại.
Như vậy có thể thấy trước được việc các đương sự trong vụ kiện hoàn toàn có thể và có quyền dùng Luật để "tẩy chay" Luật, bằng cách đơn giản là "không đồng ý hòa giải, đối thoại" tại Tòa án. Đây chính là yêu tố "rủi ro" lớn nhất của Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, mà những nhà soạn thảo Luật chưa tính đến hay không muốn nhắc đến?
6. Nên sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở hiện hành
Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 đang tiếp tục đi vào cuộc sống, góp phần không nhỏ vào việc hòa giải thành nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong các cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu hòa giải, đối thoại đối với nhiều vụ việc dân sự, hành chính đang xảy ra ngày một nhiều và khá phức tạp như hiện nay thì Luật Hòa giải ở cơ sở chưa thể đáp ứng được. Nhưng nếu vì Luật Hòa giải ở cơ sở chưa đáp ứng được mà phải ban hành thêm Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, theo chúng tôi là cần phải cân nhắc kỹ.
Nên chăng, sau đợt tổng kết 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, chúng ta nên tính tới việc sửa đổi, bổ sung Luật này nhằm đáp ứng tốt hơn những vấn đề mà dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã đặt ra. Vấn đề cốt lõi là phải tổ chức lại hệ thống hòa giải ở cơ sở cho thật hợp lý; vai trò, chức năng của Tòa án trong việc tham gia hướng dẫn hòa giải, đối thoại trong các vụ tranh chấp có tính chất phức tạp từ cơ sở; tăng cường chất lượng đối với đội ngũ Hòa giải viên ở cơ sở cho tương xứng với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra...

Nguyễn Kỳ Sanh - Quỳnh Ly


Tin mới:
Các tin khác: