Việc đăng ký thay đổi hộ tịch cho người chuyển đổi giới tính vẫn còn bí lối ra
 Thứ tư, 25 Tháng 9 2019 10:29 - 810 Lượt xem
In

Xuất phát từ yêu cầu cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Bộ luật Dân sự 2015 đã chính thức ghi nhận quyền được chuyển đổi giới tính với tư cách là một quyền nhân thân gắn với mỗi cá nhân. Theo đó, Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan".
So với trước đây, Bộ luật Dân sự 2005 chỉ cho phép cá nhân có quyền xác định lại giới tính (trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính) chứ không được quyền chuyển đổi giới tính. Nay Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính là bước tiến quan trọng, thể hiện sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp và đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của của nhiều người trong đời sống xã hội hiện tại. Theo Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 thì sau khi giới tính đã được thay đổi thì cá nhân đó có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch và có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi.
Tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực (từ ngày 01/01/2017) cho đến nay, vấn đề đăng ký thay đổi hộ tịch cho nhưng trường hợp đã chuyển đổi giới tính vẫn chưa được tiếp nhận giải quyết trên thực tế. Nguyên nhân của sự "bí lối" này, lại xuất phát từ chính quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Vấn đề này đã được Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực của Bộ Tư pháp chính thức nêu ra tại Công văn số 394/HTQTCT-HT ngày 10/5/2017: "Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật", trong khi đó luật về chuyển đổi giới tính chưa được ban hành nên việc chuyển đổi giới tính chưa có cơ sở pháp lý để công nhận và thực hiện đăng ký thay đổi hộ tịch, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ từ chối giải quyết".
Rút cuộc, theo Bộ luật Dân sự 2015, những người chuyển giới muốn đăng ký thay đổi hộ tịch cho mình thì phải chờ cho đến khi Quốc hội ban hành Luật về chuyển đổi giới tính. Trong lộ trình ngắn hạn, Luật về chuyển đổi giới tính, chưa thấy được ghi tên trong Chương trình ban hành luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính, muốn thực hiện các quyền, nghĩa vụ về đăng ký thay đổi hộ tịch thì hình thức, thủ tục, thẩm quyền giải quyết như thế nào pháp luật còn bỏ ngõ, vì chưa có luật. Điều này gây không ít khó khăn, lúng túng cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý về hộ tịch mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến "cộng đồng" người chuyển đổi giới tính, vì tên gọi theo giấy tờ của họ không còn phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi, gây mặc cảm, ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống cũng như sinh hoạt hằng ngày của họ.
Với vai trò là đạo luật quy định những vấn đề chung, mang tính nguyên tắc, các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 trong vấn đề chuyển đổi giới tính, cần sớm ban hành Luật về chuyển đổi giới tính, để trên cơ sở đó Chính phủ có Nghị định quy định chi tiết và các Bộ liên quan có Thông tư hướng dẫn (nếu cần thiết)... nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc giải quyết đăng ký thay đổi hộ tịch cho người chuyển đổi giới tính./.

Tấn Chánh


Tin mới:
Các tin khác: