Kết quả bước đầu về kiện toàn lại hệ thống hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
 Thứ hai, 05 Tháng 8 2019 08:35 - 697 Lượt xem
In

Thực hiện Quyết định số 179/QĐ-UBND ngày 18/01/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc thành lập, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; đến nay, trên toàn tỉnh các địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp lại để thành lập, đổi tên thôn, khối phố và tổ chức bầu cử Ban nhân dân thôn, khối phố thuộc các xã, phường, thị trấn. Ngay sau việc kiện toàn lại hệ thống tổ chức thôn, khối phố ở các địa phương, hệ thống tổ chức mạng lưới hòa giải ở cơ sở cũng từng bước được kiện toàn, sắp xếp nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả trong điều kiện mới.
Đến nay đã có 12 đơn vị huyện, thị xã, thành phố hoàn thành việc kiện toàn lại mạng lưới hòa giải ở cơ sở, gồm: Phước Sơn, Đại Lộc, Quế Sơn, Hiệp Đức, Duy Xuyên, Điện Bàn, Núi Thành, Bắc Trà My, Tiên Phước, Thăng Bình, Tam Kỳ và Hội An. Qua tổng hợp kết quả kiện toàn của 12 đơn vị vừa nêu, cho thấy các địa phương có sự quan tâm tích cực đối với công tác này, cơ bản đảm bảo theo hướng dẫn tại Công văn số 2217/UBND-NC ngày 24/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Cụ thể, về số lượng, đa số các địa phương đều tổ chức Tổ hòa giải ở cơ sở tương ứng theo số lượng thôn, khối phố trên địa bàn mỗi xã, phường, thị trấn; số lượng hòa giải viên trong mỗi Tổ đảm bảo từ 3 đến 5 người, có nữ, được giới thiệu, bầu và công nhận theo đúng quy trình. Phần lớn các hòa giải viên đều được giao kiêm nhiệm một vị trí công việc trong hệ thống chính trị "cơ sở" nhằm tăng cường trách nhiệm và giữ mối liên hệ với từng địa bàn dân cư. So với trước thời điểm được kiện toàn, số lượng Tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở có sự giảm xuống đáng kể, theo hướng tinh gọn, chú trọng chất lượng, hiệu quả hơn số lượng. Theo báo cáo của 12 đơn vị cấp huyện nêu trên, số lượng hòa giải viên ở cơ sở giảm bình quân từ 30 đến 40% so với trước, cá biệt có đơn vị giảm gần 60% số lượng trên địa bàn. Đây là tiền đề thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022" trên địa bàn tỉnh, theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, sau khi được củng cố, kiện toàn các địa phương đã quan tâm ngay đến việc bồi dưỡng kỹ ngăng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở và kiến thức pháp luật mới cho đội ngũ hòa giải viên. Nhiều hòa giải viên, sau khi được công nhận, đã bắt tay ngay vào việc hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh tại địa phương, tạo được sự tín nhiệm trong cộng đồng dân cư.
Vấn đề cần quan tâm sau khi các địa phương đã hoàn thành việc củng cố, kiện toàn mạng lưới Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, là có một số đơn vị cấp xã đã công nhận số lượng hòa giải viên trên mỗi Tổ hòa giải quá nhiều, vượt quá số lượng 5 người theo hướng dẫn của tỉnh, thậm chí có Tổ đến 11 người. Đây là vấn đề tôi thấy cần trao đổi thêm.
Tuy trong Luật hòa giải ở cơ sở không có quy định về giới hạn số lượng hòa giải viên trong mỗi Tổ hòa giải là bao nhiêu, nhưng nếu công nhận số lượng quá nhiều sẽ dẫn đến một số khó khăn, như sau:
- Số lượng hòa giải viên tại mỗi đơn vị cấp xã nếu vượt quá mức cần thiết thì sẽ khó khăn cho công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ này.
- Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi, khi tiến hành mỗi vụ việc hòa giải thì hầu như có sự tham gia của tất cả các hòa giải viên trong Tổ. Cách tiến hành hòa giải như vậy dễ dẫn đến tâm lý áp đặt của số đông với định kiến có sẵn cho từng vụ việc, làm cho trong các bên tham gia hòa giải khó chấp nhận. Trong khi bản chất của hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên "giúp" các bên tự nhận thức, tự thỏa thuận để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tren cơ sở pháp luật, phù hợp với đạo lý...
- Thông thường, mỗi vụ việc hòa giải ở cơ sở nên phân công cho một hòa giải viên thực hiện, trong trường hợp cần thiết thì hòa giải viên được phân công có thể mời thêm hòa giai viên khác hoặc người khác có điều kiện tham gia hòa giải. Thực tế qua thống kê cho thấy, bình quân mỗi năm, mỗi Tổ hòa giải ở cơ sở tiến hành không quá 03 vụ việc; tức là bình quân chưa đến 01 vụ việc/ 01 hòa giải viên. Như vậy việc công nhận số lượng hòa giải viên vợt quá 05 người/Tổ vừa khó đảm bảo về chất lượng vừa khó khăn cho công tác quản lý và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ này...
Để tăng cường và nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, đề nghị Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong thời gian đến cần tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện theo tinh thần hướng dẫn của Sở Tư pháp tại Công văn số 295/STP-PBGDPL ngày 22/3/2019, để đưa công tác hòa giải ở cơ sở trở về đúng vị trí "cơ sở" theo Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở tiếp xúc nhiều hơn với các vụ việc mâu thuẫn tranh chấp, nâng cao kỹ năng thực hành nhiệm vụ, đồng thời góp phần giảm thiểu đơn thư của người dân yêu cầu cấp trên giải quyết./.

Đặng Văn – Kỳ Sanh


Tin mới:
Các tin khác: