Cần phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
 Thứ sáu, 06 Tháng 4 2018 14:01 - 2829 Lượt xem
In

Vai trò của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng nhà nước nói chung cũng như trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng (PCTN) nói riêng, đã được Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản pháp luật khác ghi nhận. Đặc biệt trong Luật PCTN năm 2005 và qua các lần sửa đổi, bổ sung (năm 2007 và năm 2012), vai trò của Nhân dân tiếp tục được đề cao.
Nay do yêu cầu của công tác PCTN trong tình hình mới, Luật PCTN tiếp tục được sửa đổi, bổ sung; và với bản Dự thảo đã được công bố gần đây nhất đã cho thấy vai trò của Nhân dân tham gia PCTN tiếp tục được ghi nhận ở mức độ cao hơn.
Ví dụ, tại Điều 6 của Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) quy định: "Công dân có quyền phát hiện, thông tin, phản ánh, tố cáo hành vi có dấu hiệu tham nhũng và được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng". Và tại điểm c, khoản 1 Điều 97 của Dự thảo, quy định về vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên: "Động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc thông tin, phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng" ...
Tuy nhiên, từ việc đưa vai trò của Nhân dân vào trong một văn bản pháp luật đến việc làm cho vai trò ấy từ văn bản pháp luật trở ra ngoài thực tiễn cuộc sống để có thể tác động có hiệu quả lên các quan hệ xã hội là "cả một vấn đề". Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) lần này cũng với tinh thần tiếp tục đề cao vai trò của Nhân dân, nhưng chưa tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các thông tin liên quan đến những người thuộc đối tượng mà Luật PCTN quan tâm. Do đó, để phát huy thực sự vai trò và sức mạnh của nhân dân trong việc tham gia PCTN, thiết nghĩ một số quy định trong Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) lần này cũng cần phải được tiếp tục điều chỉnh, để người dân có điều kiện phát huy vai trò của mình thực sự hơn. Sau đây chúng tôi xin có vài đề xuất cụ thể.
Một là, nên điều chỉnh quy định về bản kê khai tài sản, thu nhập và quyền tiếp cận thông tin của công dân đối với loại văn bản này. Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đã đưa ra quy định về công khai đối với bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai (Điều 46), tức là Luật không coi bản kê khai tài sản, thu nhập là tài liệu thuộc loại bí mật. Như vậy, theo Luật tiếp cận thông tin mọi người dân đều có quyền được tiếp cận thông tin về tài liệu đó nếu họ muốn. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 50 của Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) lại quy định: "Việc cung cấp bản kê khai tài sản, thu nhập chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của người có thẩm quyền". Với các quy định như vậy, có thể hiểu là những thông tin trong bản kê khai tài sản, thu nhập chỉ được công khai một cách có giới hạn trong phạm nào đó (trong cơ quan người có nghĩa vụ kê khai đang công tác chẳng hạn), và chỉ có người có thẩm quyền mới được phép yêu cầu cung cấp, còn mọi người khác không có quyền được tiếp cận thông tin này.
Với quy định "dè dặt" như vậy, sẽ làm cho Luật PCTN bị "lệch pha" so với Luật tiếp cận thông tin và sẽ rất khó "động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc thông tin, phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng", bởi lẽ người dân không được tiếp cận thông tin thì làm sao tham gia phản ánh (ở đây mới chỉ là một khía cạnh). Theo tôi, Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) lần này nên mở rộng hơn phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi người có nghĩa vụ kê khai thường trú hoặc cư trú để người dân được biết, đồng thời người có nghĩa vụ kê khai phải xuất trình bản kê khai tài sản khi thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản đã kê khai.
Hai là, Luật PCTN (sửa đổi) cần bổ sung quy định về giá trị pháp lý của bản kê khai tài sản, thu nhập và hành vi ứng xử của đương sự trong các giao dịch dân sự. Quy định giá trị pháp lý của bản kê khai tài sản, thu nhập là để khẳng định ngoài số tài sản, thu nhập đã kê khai, đương sự không còn bất cứ tài sản nào khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên (chuẩn tối thiểu tài sản phải kê khai); nếu có mà không kê khai thì không được Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản đó.
Về hành vi ứng xử trong giao dịch dân sự, như ở trên đã nói, Luật PCTN (sửa đổi) cần bổ sung quy định đối với người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, khi đưa bất cứ tài sản nào có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên ra bán thì tài sản đó phải có trong bản kê khai tài sản và việc mua bán phải được công chứng hoặc chứng thực. Trường hợp người có nghĩa vụ kê khai tài sản bán tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, nhưng tài sản đó không có ghi trong bản kê khai tài sản thì công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực không được công chứng, chứng thực và phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý. Đây cũng chính là lý do để việc quy định bản kê khai tài sản, thu nhập cần phải được mở rộng phạm vi công khai trong những trường hợp cần thiết./.

Nguyễn Kỳ Sanh


Tin mới:
Các tin khác: