Pháp luật do Nhà nước ban hành, nhưng đó cũng chính là chủ trương, đường lối của Đảng trong hoạt động lãnh đạo xã hội. Bản thân các nghị quyết, chỉ thị, quan điểm... của Đảng không thể tự nó tác động trực tiếp lên các quan hệ xã hội mà phải thông qua quá trình thể chế hóa thành pháp luật bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới có thể đi vào cuộc sống được. Cho nên có thể nói các quy định trong pháp luật của Nhà nước là sự kết tinh cô đọng các tư tưởng, quan điểm của Đảng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trên từng lĩnh vực khác nhau, từ đó làm cho xã hội phát triển theo đúng định hướng mà Đảng đề ra. Chấp hành nghiêm pháp luật là nghĩa vụ của mọi công dân. Đối với cán bộ đảng viên, việc chấp hành nghiêm pháp luật còn có ý nghĩa thể hiện việc chấp hành nghiêm đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Có người nói, nếu như tất cả đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị mà nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thi hành công vụ đúng pháp luật thì công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân có lẽ đã gọn nhẹ và không tốn kém như hiện nay. Tôi nghĩ nói như vậy cũng đúng. Bởi lẽ, Nhà nước ban hành ra pháp luật trước hết là để làm công cụ cho cơ quan, người có trách nhiệm thực thi với mục tiêu cuối cùng là phục vụ lợi ích của người dân. Đối với người dân, pháp luật chỉ là cái "hành lang" chuẩn không được vượt qua (vi phạm) và là công cụ bảo vệ mình khi bị xâm phạm (bởi cá nhân, cơ quan, tổ chức). Nhưng quy định của pháp luật thì như rừng, như biển người dân làm sao hiểu biết hết được các hành lang giới hạn trên từng lĩnh vực để mà tránh vi phạm, nhưng người của nhà nước thì được phân công làm việc theo từng lĩnh vực cụ thể nên phải nắm chắc ranh giới cấm của pháp luật để xử lý người vi phạm. Chúng ta nói cả hệ thống chính trị phải thường xuyên vào cuộc để làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhưng "vào cuộc" như thế nào cho có hiệu quả, cho đến nay vẫn là điều còn lắm chuyện phải bàn. Nhưng như vấn đề vừa nêu, ở đây chúng ta thấy có một khía cạnh tương đối rõ nét, đó là mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị khi thực thi công vụ phải nắm vững pháp luật và làm đúng pháp luật theo từng lĩnh vực chuyên môn của mình, là đã "vào cuộc" theo đúng nghĩa rồi. Bởi một khi người thi hành hành công vụ mà thi hành đúng pháp luật, thì bản thân hành vi đúng pháp luật đó đã tác động trực tiếp đến nhận thức, tình cảm của người dân làm cho người dân nắm bắt được pháp luật. Nhiều người thi hành công vụ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tác động trực tiếp và đúng đắn đến người dân trên nhiều phương diện khác nhau, thì dù pháp luật có như rừng, như biển người dân cũng có thể nắm bắt được những điều họ cần phải biết, vì nó có ý nghĩa thiết thực liên quan đến đời sống của họ. Lại có ý kiến cho rằng, người dân cần phải biết pháp luật để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mình. Nếu vậy xin đặt lại câu hỏi: ai xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân để họ phải tự bảo vệ? Có thể nêu hai nhóm đối tượng cơ bản là: - Cơ quan, tổ chức của Nhà nước và người của cơ quan, tổ chức Nhà nước, trong quá trình thi hành công vụ có thể vì lý do nào đó mà xâm phạm đến quyền và lợi ích của người dân; - Cá nhân, tổ chức khác trong xã hội xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Trong cả hai trường hợp nêu trên, thông thường khi người dân muốn "tự bảo vệ" quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng đều phải thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chứ không thể tự mình nhân danh pháp luật để hành xử được. Đương nhiên khi người dân có kiến thức pháp luật càng nhiều thì việc "tự bảo vệ" mình càng tốt hơn thông qua việc tác động, phối hợp với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định rằng, nếu như cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước nói riêng, trong hệ thống chính trị nói chung mà nắm vững pháp luật, thi hành đúng pháp luật thì: (i) Bản thân họ sẽ không có chuyện xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; (ii) việc người dân bị cá nhân, tổ chức khác ngoài hệ thống chính trị xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì sẽ được cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị bảo vệ đến nơi, đến chốn. Nêu vấn đề trên, để nhấn mạnh thêm một lần nữa về trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị với việc tự nghiên cứu tìm hiểu pháp luật, trước hết là pháp luật thuộc chuyên ngành mình đang phục vụ, để vận dụng tốt vào công việc được giao, phục vụ nhân dân, thì người dân còn mong mỏi gì hơn. Thiết nghĩ đây chính là một trong những trọng tâm của chuyên đề "Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ đảng viên", trong việc học tập và làm theo gương Bác./.
Nguyễn Kỳ Sanh |