Năm 2017 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện cách làm mới để hướng mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở theo mô hình "Tỉnh bố trí kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả". Theo mô hình này, UBND tỉnh đã chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh và giao cho Sở Tư pháp (cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh) quản lý và tiến hành "đặt hàng" thông qua cơ chế ủy quyền cho các Phòng Tư pháp của 18 huyện, thị xã, thành phố phối hợp với UBND cấp xã tổ chức các hình thức tuyên truyền thích hợp, đưa pháp luật đến với cán bộ, nhân dân ở cơ sở. Tổng kinh phí UBND tỉnh đã chi thực hiện mô hình này trong năm 2017 là hơn 1.400 triệu đồng, bố trí theo nhóm các xã đồng bằng, trung du và miền núi (thấp nhất là 7,5 triệu đồng/xã, cao nhất là 10,5 triệu đồng/xã). Qua 01 năm triển khai thực hiện, mô hình này đã thu được nhiều kết quả tích cực, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương; và có thể rút ra một số nhận định ban đầu, như sau: - Trước hết là, trên phạm vi toàn tỉnh, khắc phục được sự trùng lắp về nội dung tuyên truyền của các đề án, tạo điều kiện cho mỗi địa bàn cấp xã hoặc liên xã có đặc điểm, nhu cầu tìm hiểu pháp luật khác nhau được đáp ứng theo nhu cầu. Để làm được điều này, trước khi được tỉnh giao kinh phí, các Phòng Tư pháp huyện, thị xã, thành phố phải tiến hành khảo sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân theo từng xã trên địa bàn phụ trách. Trên cơ sở đó, xây dựng Kế hoạch và dự toán chi tiết từng hoạt động cụ thể tương ứng với nguồn kinh phí được giao. Tùy theo điều kiện và nhu cầu tìm hiểu pháp luật thực tế của người dân tại địa phương, mỗi đơn vị cấp huyện được lựa chọn thực hiện ít nhất từ 2 – 3 nội dung, trong số các nội dung sau tại mỗi xã: Tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho cán bộ quân, dân, chính cấp xã và các thôn thuộc địa bàn (02 cuộc); tư vấn, đối thoại chính sách tại địa bàn dân cư có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật hoặc người dân còn nhiều thắc mắc, bức xúc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (01 cuộc); tuyên truyền trên loa truyền thanh cơ sở (ít nhất 05 đợt); thi tìm hiểu pháp luật, dưới các hình thức đơn giản, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt nhân dân cấp thôn, xã (01 cuộc); bổ sung sách, tài liệu pháp luật cho Tủ sách pháp luật tại xã (không quá 1,5 triệu đồng); cấp phát tờ gấp pháp luật (không quá 1.000 tờ/ xã) và một nội dung bắt buộc là sử dụng 20% khoản kinh phí được giao để tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật trong quý IV của năm. Qua theo dõi kết quả đến cuối năm, có 03 đơn vị tổ chức triển khai được nhiều hình thức: huyện Đại Lộc (7 hình thức), Hiệp Đức (7 hình thức), Nam Trà My (5 hình thức).... Tổng hợp báo cáo từ các địa phương, trong năm 2017, với nguồn kinh phí do tỉnh ủy quyền tuyên truyền này, các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức được 528 cuộc tuyên truyền trực tiếp cho cán bộ quân, dân, chính cấp xã và các thôn; 77 Hội nghị tư vấn, đối thoại chính sách với người dân; tuyên truyền 1.767 đợt trên loa truyền thanh cơ sở; 64 cuộc thi tìm hiểu pháp luật quy mô nhỏ; bổ sung 5.467 đầu sách, tài liệu pháp luật cho Tủ sách pháp luật tại xã; cấp phát 89.000 tờ gấp pháp luật. Đặc biệt, các Phòng Tư pháp đã phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn để hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức các hoạt động sinh hoạt Ngày Pháp luật trong tháng 10 và 11, tạo được khí thế sôi nổi trong nhân dân. Các địa phương tiêu biểu như Đại Lộc, Tam Kỳ, Quế Sơn, Hội An... và một số đơn vị khác đã có nhiều hình thức hoạt động phong phú như: lồng ghép tuyên truyền pháp luật thông qua các Hội nghị, Tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức "Ngày hội tư vấn pháp luật" tại cơ sở. Các hoạt động tổ chức thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức "sân khấu hóa", "rung chuông vàng", tuyên truyền trực quan qua pa-no, áp phích, băng rôn... cũng được nhiều địa phương quan tâm thực hiện. Thứ hai, việc chủ trương thực hiện mô hình mới, đã khắc phục được sự trùng lắp về địa bàn thực hiện các đề án. Trong giai đoạn 2013 – 2016, có nhiều đơn vị cấp tỉnh được giao chủ trì tổ chức thực hiện đề án phổ biến, giáo dục pháp luật; tuy nhiên, trong quá trình đưa pháp luật đến với người dân ở các địa phương lại xảy ra tình trạng có sự trùng lắp về địa bàn thực hiện, trong khi đó số lượng địa bàn (cấp xã) bị bỏ trống, nhất là tại khu vực các huyện miền núi còn nhiều. Trước tình hình bất cập như vậy, năm 2017 Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu UBND tỉnh cho thử nghiệm việc chuyển đổi mô hình thực hiện nhằm cùng lúc khắc phục cả tình trạng trùng lắp cũng như bỏ trống địa bàn ở cấp xã. Nội dung chủ yếu cảu mô hình mới được thể hiện trên hai hướng cụ thể: - Đối với các đơn vị cấp tỉnh, được giao chủ trì thực hiện đề án phổ biến, giáo dục pháp luật cho các nhóm đối tượng đặc thù, như Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh có đối tượng, địa bàn thực hiện được xác định cụ thể, được tiếp tục giao kinh phí thực hiện như giai đoạn 2013 – 2017; - Đối với các đề án có đối tượng tuyên truyền chủ yếu là cán bộ, nhân dân ở cơ sở; nguồn kinh phí của tỉnh tập trung hướng về cơ sở theo mô hình "Tỉnh bố trí kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả". Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp quản lý nguồn kinh phí của tỉnh và thực hiện hợp đồng theo cơ chế ủy quyền để "đặt hàng" với Phòng Tư pháp 18 huyện, thị xã, thành phố phối hợp trực tiếp với UBND các xã trên địa bàn để đưa pháp luật đến với người dân từng xã theo nhu cầu cụ thể. Với cách làm theo mô hình mới này, năm 2017 ở Quảng Nam không còn địa bàn cấp xã bị bỏ trống nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật pháp luật. Thứ ba, mô hình "Tỉnh bố trí kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả" đã giúp nhiều đơn vị cấp xã khắc phục được tình trạng "thiếu quan tâm" đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật do có nhiều khó khăn về ngân sách. Thực tế qua khảo sát của Sở Tư pháp cũng như báo cáo từ các Phòng Tư pháp, trong những năm qua vẫn còn nhiều đơn vị cấp xã, nhất là các xã miền núi cao, vùng sâu, vùng xa, kinh phí dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn khá khiêm tốn, chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng/ xã/ năm. Ngoài ra, mô hình mới này ở Quảng Nam còn có một ý nghĩa thực tiễn hết sức quan trọng, đó là sự hỗ trợ tạo điều kiện tích cực cho các xã còn khó khăn triển khai thực hiện có hiệu quả các tiêu chí đánh giá tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Và đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ cần phải hoàn thành đối với các xã đã đăng ký về đích nông thôn mới trong năm. Từ những kết quả khả quan ban đầu như trên, UBND tỉnh đã đưa mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật mới này vào Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 4567/KH-UBND ngày 25/8/2017, để tiếp tục áp dụng trong các năm tiếp theo, từ 2018 đến 2021. Có thể nói việc mạnh dạn đưa mô hình mới vào thực tiễn như trên là một bước đi có tính đột phá đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở tỉnh Quảng Nam. Qua các tin, bài phản ánh từ các địa phương trong tỉnh đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, cho thấy với nguồn kinh phí được cấp này, các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở được tổ chức hết sức sôi nổi và mô hình này đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các địa phương./.
Hạ Trương – Kỳ Sanh |