“Tiền ngô” và câu chuyện hòa giải cho ly hôn theo luật tục của người M’nông ở huyện Phước Sơn
 Thứ tư, 25 Tháng 10 2017 13:46 - 1698 Lượt xem
In

Tham gia đoàn giám sát hoạt động hòa giải ở cơ sở do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức vào cuối quý 3/2017 vừa qua, tôi có dịp được tiếp cận và tìm hiểu về tập quán hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ của cộng đồng người M'nông sinh sống tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Nhiều người cao tuổi cũng như cán bộ nhà nước là người M'nông ở địa phương đều cho rằng tập quán hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ của người M'nông đã có từ rất lâu đời. Đây là cơ chế luật tục nhằm bảo đảm và duy trì sự ổn định các quan hệ xã hội trong cộng đồng người M'nông từ xưa để lại. Khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, được Nhà nước ban hành vào cuối năm 1998, thì hoạt động hòa giải của người M'nông theo tập quán tiếp tục được "hòa" chung vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở như nhiều địa phương khác, nhưng vẫn giữ lại một số bản sắc riêng của mình.
Về mặt thủ tục, người có yêu cầu giải quyết mâu thuẫn với người khác, kể cả mâu thuẫn vợ chồng trong gia đình, trước đây phải đến trình bày với già làng hoặc trưởng bản (nay trình bày với tổ trưởng tổ hòa giải); sau khi các vị này nghe xong và đưa ra mức "tiền ngô" cho người có yêu cầu phải đóng tạm ứng, nếu đồng ý thì vụ việc sẽ được "thụ lý" và tiến hành sau đó. Theo giải thích của các vị cao niên người M'nông, việc đóng "tiền ngô" có hai mục đích: một là, để góp quỹ chi dùng chung cho cộng đồng khi có việc cần thiết; hai là, để giáo dục đối với người trong cuộc như là một thứ trách nhiệm vật chất phải chịu khi có lỗi. Nhìn vào các sổ ghi biên bản hòa giải tại cơ sở, năm 2016 và 2017, thấy mức "tiền ngô" mà vị tổ trưởng tổ hòa giải yêu cầu "đương sự" phải đóng, tùy theo vụ việc cụ thể, nhưng nhìn chung rất phải chăng, dao động từ 100 đến 250 ngàn đồng trên một vụ việc.
Về phạm vi hòa giải, có thể nói bất kỳ việc gì mà người dân trong bản, trong thôn có yêu cầu là sẽ được hòa giải, kể cả việc "hòa giải cho ly hôn", nếu đồng ý nộp tiền "ngô". Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy đây là tập quán hòa giải được hình thành khá lâu đời trong cộng đồng người M'nông ở huyện Phước Sơn, nay hòa chung vào các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở do Nhà nước ban hành, nên có những loại việc hòa giải theo luật tục bị "bất cập" so với pháp luật, nhất là trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Nhưng dù gì cũng phải thừa nhận là phần lớn các vụ việc được đưa ra hòa giải tại cơ sở của người M'nông đều có tỉ lệ hòa giải thành rất cao và việc "thực thi" kết quả hòa giải thành lại rất nghiêm chỉnh trên thực tế. Điều này cho thấy ý thức tôn trọng và chấp hành luật tục (kể cả luật pháp) của người M'nông rất cao.
Qua bước đầu tìm hiểu về hoạt động hòa giải tại cơ sở của người M'nông ở huyện Phước Sơn, bên cạnh sự ghi nhận những yếu tố tích cực của nó, chúng tôi muốn chia sẻ thêm một vài nội dung sau đây:
Thứ nhất, là chuyện nộp "tiền ngô" trong hoạt động hòa giải của người M'nông ở huyện Phước Sơn (tộc người M'nông còn có địa bàn sinh sống rộng ở nhiều tỉnh Tây Nguyên, do đó có thể ở địa bàn khác người M'nông có tập quán khác). Đây là vấn đề mà Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, cũng như Nghị định số 15/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề này có tính truyền thống và được cộng đồng người M'nông chấp nhận và thực hiện qua nhiều thế hệ, nghĩ Nhà nước nên tôn trọng đồng thời có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể để phát huy mặt tích cực vốn có của nó, mặt khác, nhằm hạn chế khuynh hướng lạm thu "tiền ngô" có thể phát sinh trong cơ chế thị trường.
Thứ hai, về phạm vi và thẩm quyền hòa giải. Xem sổ ghi biên bản hòa giải của một số tổ hòa giải thuộc xã Phước Xuân, chúng tôi thấy có nhiều vụ xin ly hôn được "thụ lý" và việc "hòa giải thành" với kết quả là hai bên nam nữ được ... "thuận tình ly hôn".
Quy trình "tố tụng" theo luật tục của người M'nông về "cho ly hôn", thường qua mấy bước gọn, như sau:
- Bên có yêu cầu gửi đơn cho Tổ trưởng tổ hòa giải và thực hiện việc đóng "tiền ngô";
- Bên muốn bỏ chồng (hoặc vợ) phải đền tiền cho bên kia theo yêu cầu; khoản đền bù do hai bên ra giá và tự thỏa thuận (tất nhiên có sự đóng góp ý kiến của các thành viên tổ hòa giải);
- Trên cơ sở hai bên tự thỏa thuận, tổ hòa giải lập biên bản yêu cầu hai bên cùng ký vào (cùng với chữ ký của các hòa giải viên, thường kiêm các chức danh: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác mặt trận, Chi hội phụ nữ, ...).
- Tổ trưởng tổ hòa giải thông qua biên bản cho các bên nghe, coi như hôn nhân chấm dứt và các bên có thể về lấy chồng (hoặc vợ) khác.
Nhìn vào "thủ tục tố tụng" giải quyết cho ly hôn nêu trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy có nhiều điểm còn chưa phù hợp với pháp luật về hôn nhân và gia đình do Nhà nước ban hành. Với kết quả "hòa giải thành" như đã nêu, theo luật tục của người M'nông, coi như hôn nhân giữa hai bên đã chấm dứt. Nhưng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình hiện hành thì quan hệ hôn nhân vẫn đang tồn tại và cả hai bên, nếu đi kết hôn với người khác, đều bị coi là vi phạm chế độ một vợ một chồng.
Và việc tiến hành hòa giải như trên đương nhiên cũng bị coi là trái pháp luật, bởi thẩm quyền cho ly hôn (hay chấm dứt hôn nhân) là thẩm quyền của Tòa án nhân dân chứ không phải của tổ hòa giải ở cơ sở.
Qua câu chuyện "hòa giải" nêu trên, điều chúng tôi nghĩ đến trước tiên là, nếu như sau khi được hòa giải, cả hai bên đều thuận tình ly hôn, tổ hòa giải ở cơ sở không dừng lại ở việc tuyên bố "cho ly hôn" mà tiếp tục hướng dẫn các bên làm đơn xin ly hôn gửi lên Tòa án nhân dân cấp huyện để cơ quan này thụ lý giải quyết cho các bên chấm dứt hôn nhân, thì kết cục của câu chuyện có thể không còn là vi phạm pháp luật nữa.
Nhân đây xin đề nghị các đồng nghiệp làm công tác tư pháp ở địa phương vấn đề bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên cần lưu ý phân tích kỹ hơn các quy định của pháp luật có liên quan để hòa giải viên thực hiện cho đúng./.

Nguyễn Kỳ Sanh


Tin mới:
Các tin khác: