Vẫn còn nhiều chuyện phải nghĩ và bàn về hoạt động hòa giải ở cơ sở hiện nay
 Thứ năm, 21 Tháng 9 2017 09:22 - 1342 Lượt xem
In

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra chuyên môn về hoạt động hòa giải ở cơ sở tại hai đơn vị, thành phố Hội An và huyện Nam Giang; trong đó có trực tiếp làm việc với Chủ tịch UBND của một số phường, xã và Tổ trưởng tổ hòa giải của hai đơn vị này. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn cử đại diện tham gia đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 169/2015/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, về quy định mức chi thực hiện công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh, tại 3 huyện: Phú Ninh, Phước Sơn và Nông Sơn.
Qua hoạt động kiểm tra, giám sát tại các địa phương nêu trên, có thể khái quát để nhận định rằng, so với những năm trước đây, công tác quản lý cũng như hoạt động hòa giải ở cơ sở tại các địa phương trong tỉnh đã và đang đi vào nền nếp với nhiều tiến bộ đáng kể; tỉ lệ hòa giải thành với nhiều vụ việc hòa giải có chất lượng chuyên môn cao; sự quan tâm của chính quyền cấp xã đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở có chiều hướng ngày càng tích cực hơn...
Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói, bên cạnh những chỉ dấu đáng mừng như trên về công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay trên toàn tỉnh, vẫn còn nhiều chuyện phải tiếp tục nghĩ và bàn thêm, để công tác này ngày càng có tác dụng thiết thực hơn cho đời sống của người dân trong thời gian đến. Và dưới đây là một số vấn đề chúng tôi muốn chia sẻ cùng anh chị em làm công tác tư pháp ở địa phương cũng như các hòa giải viên ở cơ sở.
1. Việc quản lý, sử dụng Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở
Cuối năm 2015, UBND tỉnh bố trí kinh phí cho Sở Tư pháp in và cấp phát Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở (gọi tắt là Sổ hòa giải), cho các Tổ hòa giải ở địa phương bằng đường bưu điện đến từng đơn vị cấp xã, theo số lượng 01 Sổ/ Tổ, sử dụng trong 03 năm, bắt đầu từ tháng 01/2016. Việc hướng dẫn sử dụng Sổ hòa giải đã được ghi khá cụ thể trên trang bìa 2 của Sổ.
Cho đến nay, đã qua hơn 01 năm triển khai sử dụng Sổ hòa giải tại các địa phương và qua công tác kiểm tra, giám sát của Sở Tư pháp và Ủy ban MTTQ tỉnh tại một số đơn vị, cho thấy việc sử dụng, ghi chép vào Sổ hòa giải của khá nhiều Tổ hòa giải ở cơ sở chưa đảm bảo đúng quy định. Đây chính là một trong những trở ngại lớn đồng thời là nguyên nhân của việc các hòa giải viên không được (hoặc chậm được) UBND cấp xã chi thanh toán tiền thù lao cho các vụ, việc hòa giải đã thực hiện. Cụ thể, một số nội dung ghi chép chưa đảm bảo, như sau:
- Cột thứ 5, Sổ yêu cầu ghi: họ và tên của hòa giải viên; người chứng kiến việc hòa giải; người được mời tham gia việc hòa giải (nếu có). Tại cột này, nhìn chung, trong các Sổ hòa giải và trong các vụ việc cụ thể đều ghi tên tất cả hòa giải viên trong Tổ (có Tổ có số lượng hơn 10 hòa giải viên, tất cả đều được ghi tên). Như vậy, vụ việc hòa giải nào cũng huy động hết cả Tổ hòa giải tham gia là không hợp lý. Trong những năm qua, Sở Tư pháp và các Phòng Tư pháp địa phương đã có nhiều đợt tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên; theo đó, mỗi vụ việc hòa giải, thông thường chỉ nên cử một hòa giải viên thực hiện là đủ, trường hợp phức tạp hơn thì có thể cử thêm một đến hai hòa giải viên hoặc mời người có uy tín khác khác tham gia. Mặt khác, rất nên tránh việc huy động cả tổ hỏa giải cùng tham gia vào một vụ việc cụ thể, vì như vậy rất dễ dẫn đến tình trạng dùng số đông áp đặt hướng giải quyết đã định sẵn cho vụ việc, làm mất đi tính chất hòa giải của các bên.
- Cột thứ 6, Sổ yêu cầu ghi nội dung chủ yếu của vụ, việc và yêu cầu của các bên. Trong cột này phần lớn các Sổ hòa giải đều ghi sơ sài, chủ yếu ghi tên các bên đương sự và tên việc cần giải quyết mà không ghi tóm tắt sự việc, nội dung tranh chấp cũng như yêu cầu cụ thể của các bên.
- Cột thứ 7, Sổ yêu cầu ghi nội dung thỏa thuận của các bên (hoặc yêu cầu của mỗi bên) sau khi hòa giải. Đây là phần quan trọng, phản ánh kết quả thực tế của việc hòa giải. Tuy nhiên, cũng tương tự như Cột 6, Cột này có nhiều Sổ không phản ánh đầy đủ ý chí của các bên về kết quả vụ việc, thậm chí có Sổ còn để trống không ghi gì.
Qua vấn đề trên, có thể rút ra được bài học về công tác quản lý là trong thời gian tới các Phòng Tư pháp cần chú trọng nội dung tập huấn kỹ năng thực hành ghi Sổ theo dõi công tác hòa giải ở cơ sở cho Tổ trưởng tổ hòa giải và các hòa giải viên.
2. Việc chi thù lao cho hòa giải viên
Nhìn chung cho đến thời điểm hiện nay, việc chi thù lao cho các hòa giải viên (theo từng tháng, quý hay ngay sau từng vụ việc) vẫn chưa được UBND cấp xã quan tâm thực hiện đúng mức. Vấn đề này có nguyên nhân từ nhiều phía:
- Đối với hòa giải viên và tổ hòa giải, như phần trên đã nói, việc ghi chép đúng và đầy đủ vào Sổ hòa giải là cơ sở để thanh toán tiền thù lao cho hòa giải viên tính trên từng vụ việc cụ thể (hỏa giải thành hoặc không thành). Tuy nhiên, do Sổ hòa giải không phản ánh đầy đủ các trường thông tin theo quy định, nên nhiều trường hợp không có cơ sở để chi thanh toán. Tổ trưởng tổ hòa giải, chưa thực hiện trách nhiệm tổng hợp kết quả và đề xuất chi gửi lên công chức Tư pháp - Hộ tịch để trình Chủ tịch UBND cấp xã xem xét duyệt chi.
- Đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch, chưa thực hiện được việc hướng dẫn cho các Tổ trưởng tổ hòa giải ghi chép sao cho đúng các trường thông tin trong Sổ (có một số xã, công chức Tư pháp – Hộ tịch cho đến thời điểm giữa năm 2017, vẫn chưa cấp phát Sổ hòa giải cho các Tổ trưởng). Chưa thực hiện thông báo, nhắc nhở các Tổ trưởng tổ hòa giải, theo tháng hoặc theo quý, về việc tổng hợp báo cáo đề xuất chi thù lao cho hòa giải viên (nếu có vụ việc hòa giải được ghi vào Sổ).
- Đối với UBND cấp xã, tuy cơ chế tài chính đã có (Nghị quyết số 169/2015/NQ-HĐND ngày 07/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định mức chi thực hiện công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam), nhưng từ năm 2016 đến nay vẫn còn nhiều địa phương chưa bố trí được ngân sách cho công tác hòa giải ở cơ sở; một số địa phương có thực hiện việc chi thù lao cho hòa giải viên nhưng chưa đi vào nền nếp.
- Đối với Phòng Tư pháp, nhiều đơn vị chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng Sổ hòa giải, để qua đó kịp thời chấn chính thiếu sót cũng như hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách đối với tổ hòa giải và hòa giải viên.
Tóm tại, nhìn tổng hợp các nguyên nhân từ nhiều phía trên đây, trong thời gian tới, nếu các bên liên quan tự nhận thấy trách nhiệm và thiếu sót của mình để khắc phục và phối hợp cùng thực hiện nhiệm vụ chung thì chế độ thù lao cho hòa giải viên không còn là vấn đề nữa; công tác hòa giải ở cơ sở sẽ ngày càng đạt được nhiều hiệu quả hơn./.

Nguyễn Kỳ Sanh


Tin mới:
Các tin khác: