Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm thu được qua thực hiện các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 – 2012 và giai đoạn 2013 – 2016; tỉnh Quảng Nam nhận thấy nhu cầu được cung cấp kiến thức pháp luật của cán bộ và nhân dân ở cơ sở ngày càng đa dạng và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao hơn, trong khi nguồn kinh phí của cơ sở theo phân cấp ngân sách để đảm bảo cho nhu cầu này lại chưa bao giờ được đáp ứng đủ. Thực tế những năm qua cho thấy phần ngân sách dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp xã thường được bố trí khá khiêm tốn, phổ biến trong khoảng từ 02 đến 05 triệu đồng/năm/xã (mức cao hơn khi có tổ chức hội thi). Nhiều đơn vị cấp xã chỉ chi thù lao cho tuyên truyền viên pháp luật còn mang tính "gọi là", từ 50 đến 100 ngàn đồng/buổi, còn tuyên truyền viên thì coi đó là sự "động viên trách nhiệm" để hoàn thành nhiệm vụ. Rõ ràng sự "động viên trách nhiệm" còn khá khiêm tốn như vậy với một nhiệm vụ mang tính lâu dài thì rất khó đòi hỏi chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở sẽ được nâng cao. Việc tổ chức thực hiện các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua theo mô hình tỉnh giao kinh phí cho một số đơn vị sở, ngành của tỉnh để triển khai thực hiện tại các địa phương, bên cạnh những kết quả tích cực thu được và trở thành bài học kinh nghiệm hiện nay, cũng đã bộc lộ một số bất cập: - Thứ nhất, các đơn vị sở, ngành của tỉnh triển khai thực hiện đề án trực tiếp tại các địa phương đã qua nhiều năm, nhưng về cơ bản vẫn mang tính chất "làm điểm", làm "bài học mẫu" cho các địa phương, còn việc nhận rộng "ra diện" để đáp ứng yêu cầu phủ kín địa bàn cơ sở ở một tỉnh có địa hình khá rộng như Quảng Nam là điều không thể. - Thứ hai, ở các sở, ngành của tỉnh hiện nay chưa hình thành được tổ chức pháp chế cấp phòng, do đó nguồn lực về nhân sự chưa thể đáp ứng được yêu cầu trực tiếp cung cấp thông tin pháp luật chuyên ngành về cơ sở cho người dân một cách thường xuyên, chuyên nghiệp. - Thứ ba, trong quá trình tổ chức thực hiện các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật của các sở, ngành, hiện tượng trùng lắp về nội dung tuyên truyền và địa bàn thực hiện thường xảy ra làm cho một số địa phương gặp khó khăn trong việc phối hợp trong khi một số địa phương khác bị "bỏ trống". Nhận thấy đối tượng quan trọng hàng đầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chính là cán bộ và nhân dân ở các địa bàn cơ sở, nhưng nguồn lực về ngân sách và con người ở đây chưa thể tự đáp ứng được, trong khi cấp chính quyền càng xa cơ sở thì nguồn lực càng lớn.
 
(Một số hình ảnh Hội nghị tuyên truyền ở địa phương)
Để khắc phục những bất cập trên, năm 2017 Sở Tư pháp Quảng Nam đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển đổi mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng thay vì giao kinh phí theo chiều ngang cho một số sở, ngành chức năng của tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật xuống các địa phương bằng việc chuyển dọc nguồn kinh phí này xuống các địa phương theo mô hình "tỉnh bố trí kinh phí, huyện tổ chức thực hiện, xã tiếp nhận kết quả". Hiện tại mô hình trên đang được tổ chức triển khai với nguồn kinh phí hơn 1.800 triệu đồng dành cho cơ sở, nhóm các xã được bố trí thấp nhất là 7,5 triệu đồng/xã, cao nhất là 10,5 triệu đồng/xã. Về phương thức thực hiện, tỉnh giao cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp tỉnh (Sở Tư pháp) quản lý nguồn vốn và tiến hành "đặt hàng" thông qua hợp đồng ủy quyền với 18 Phòng Tư pháp của 18 huyện, thị xã, thành phố. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các Phòng Tư pháp với tư cách là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp của cấp huyện sẽ tổ chức phối hợp với các cơ quan thành viên (phòng, ban huyện) để triển khai đưa pháp luật về các xã, theo nhu cầu cụ thể với đặc điểm khác nhau của từng địa bàn đồng bằng, trung du, miền núi. Riêng đối với các xã thuộc địa bàn biên giới, hải đảo tỉnh giao Bộ đội biên phòng trực tiếp thực hiện và các xã thuộc địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giao Công an tỉnh thực hiện. Về công tác phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình thực hiện việc hỗ trợ tài liệu, hướng dẫn nghiệp vụ đối với các đơn vị chuyên môn cấp dưới. Cơ quan chuyên môn cấp huyện phối hợp với Phòng Tư pháp thực hiện. Trường hợp cần thiết, Hội đồng phối hợp tỉnh có thể cử báo cáo viên pháp luật của tỉnh xuống hỗ trợ trực tiếp tại các huyện, xã. Có thể nói việc mạnh dạn đưa mô hình mới vào thực tiễn như trên là một bước đi có tính đột phá đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở tỉnh Quảng Nam. Mô hình này trước hết giải quyết được một phần khó khăn trước mắt cho ngân sách cấp xã đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời nó còn khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung cũng như bỏ trống địa bàn khi ngân sách của tỉnh được giao cho các sở, ngành thực hiện. Nhưng điều quan trọng hơn của mô hình này là nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân ở cơ sở được đáp ứng phù hợp (cả về nội dung lẫn hình thức) với đặc điểm sinh hoạt dân cư ở từng vùng miền, có tính linh hoạt cao mà không bị rập khuôn máy móc. Những bài học kinh nghiệm từ mô hình mới trong năm 2017 này chắc chắn sẽ làm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Quảng Nam có nhiều khởi sắc hơn ở những năm tiếp theo./.
Đặng Văn & Kỳ Sanh |