Nhờ có Trợ giúp viên pháp lý mà tôi được tiếp tục hưởng chế độ trợ cấp xã hội
 Thứ sáu, 17 Tháng 3 2017 08:37 - 2099 Lượt xem
In

Đó là câu nói của ông Hồ Văn Hiệp, sinh năm 1963, trú tại thôn Đức Bố I, xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, sau thời gian dài đi khiếu kiện chính quyền cấp xã, cấp huyện về chuyện bị cắt chế độ trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật. Cuối cùng Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, tại phiên xử phúc thẩm vào ngày 23/8/2016, đã hủy Biên bản họp kết luận dạng tật và mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của xã Tam Anh Bắc ngày 16/8/2013 và ngày 22/6/2015, hủy Quyết định số 2102/QĐ-UBND ngày 23/4/2015 của UBND huyện Núi Thành về việc thôi hưởng trợ cấp xã hội đối với Hồ Văn Hiệp; buộc UBND xã Tam Anh Bắc và UBND huyện Núi Thành thực hiện chế độ trợ cấp xã hội cho ông Hồ Văn Hiệp. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, ánh mắt và nụ cười, lần đầu tiên sau ba năm, lại ngời lên trên khuôn mặt gầy của người đàn ông hơn 50 tuổi, khi được hưởng lại khoảng tiền ít ỏi mà nhà nước trợ cấp cho đối tượng vừa là người khuyết tật vừa là con liệt sỹ.
Chúng tôi, những người làm công tác trợ giúp pháp lý, cũng vui lây cùng ông Hồ Văn Hiệp và mong rằng ở các địa phương đừng bao giờ để xảy ra chuyện như ông. Và cũng rất vui vì một bản án phúc thẩm có cùng quan điểm với Trợ giúp viên pháp lý chúng tôi, bảo vệ được quyền lợi chính đáng cho người yếu thế và là đối tượng chính sách trong xã hội, để họ tin tưởng vào sự công minh của pháp luật.
Còn nhớ, khi nhận được đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý của ông Hồ Văn Hiệp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Nam xác định đây là đối tượng vừa là người khuyết tật, vừa là con liệt sỹ, do vậy Trung tâm đã phân công Trợ giúp viên nhanh chóng tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ để có cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp một cách tốt nhất cho đối tượng ngay tại tòa án cấp sơ thẩm.
Ông Hồ Văn Hiệp là con liệt sỹ, sau năm 1975 ông tham gia vỡ hoang đồng ruộng và bị nổ mìn của chế độ cũ còn sót lại làm ông bị thương nặng. Đến ngày 01/8/2011, ông mới được UBND xã Tam Anh Bắc giới thiệu đi giám định tại Hội đồng giám định y khoa tỉnh, với tỉ lệ mất sức lao động 69% nên ông được UBND huyện Núi Thành ra Quyết định số 8348/QĐ-UBND cho hưởng trợ cấp xã hội từ tháng 12/2011, mỗi tháng 180.000đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2013, khi ông đến nhận tiền thì UBND xã Tam Anh Bắc trả lời là chế độ của ông đã bị cắt. Lý do của UBND xã đưa ra là Biên bản giám định của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Quảng Nam không rõ ràng nên UBND xã đã lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật theo Luật người khuyết tật để xác định lại!? Vào ngày 16/8/2013, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của xã Tam Anh Bắc đã xác định lại ông Hồ Văn Hiệp là khuyết tật nhẹ, nên đề nghị UBND huyện Núi Thành ra quyết định thôi trợ cấp xã hội cho ông theo Quyết định số 2102/QĐ-UBND ngày 23/4/2015 nói trên.
Không đồng ý với việc làm của UBND xã Tam Anh Bắc và Quyết định của UBND huyện huyện Núi Thành, ông đã có đơn khởi kiện lên TAND huyện Núi Thành, nhưng bị Tòa này bác đơn, nên ông đã tiếp tục kháng cáo lên TAND tỉnh Quảng Nam để yêu cầu xét xử phúc thẩm.
Khi tham gia vụ án, Trợ giúp viên pháp lý nhận thấy Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật, có quy định tại khoản 3 Điều 4 là: "Người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật (của xã) căn cứ kết luận của Hội động giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật". Như vậy, UBND xã Tam Anh Bắc lập Hội đồng xác định lại mức độ khuyết tật đối với trường hợp của Hồ Văn Hiệp là không đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, về trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của xã Tam Anh Bắc lại có nhiều điểm thiếu khách quan một cách đáng ngờ, như Biên bản họp Hội đồng vào ngày 16/8/2013 có 07 người tham gia, nhưng kết quả bỏ phiếu ghi 08/08; tương tự như vậy, ngày 22/6/2015, Hội đồng họp có 09 người, nhưng kết quả bỏ phiếu lại ghi 08/08.
Từ những luận cứ trên, Trợ giúp viên pháp lý đã thuyết phục được HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của ông Hồ Văn Hiệp, buộc UBND xã Tam Anh Bắc và UBND huyện Núi Thành phải tiếp tục thực hiện lại chế độ trợ cấp xã hội cho ông Hồ Văn Hiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Qua vụ việc này, cùng với nhiều vụ việc khác mà Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã tham gia, có thể nói hoạt động trợ giúp pháp lý là chỗ dựa vững chắc cho những trường hợp thuộc đối tượng yếu thế trong xã hội như người nghèo, người khuyết tật, ... góp phần đảm bảo công bằng xã hội, thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa trước Tòa án theo Hiến pháp 2013./.

Lê Hằng Vân


Tin mới:
Các tin khác: