Mỗi đối tượng là một hình thức tuyên truyền
 Thứ ba, 03 Tháng 2 2015 10:37 - 2664 Lượt xem
In

Để tuyên truyền, phổ biến pháp luật một cách sâu rộng và hiệu quả đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, các ngành và địa phương của thành phố Tam Kỳ đã thực hiện nhiều hình thức khác nhau phù hợp với từng đối tượng…

3.2.0Năm 2013 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử lập hiến nước ta khi Quốc hội khóa XIII thông qua Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xác định nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền, phổ biến kịp thời và sâu rộng các nội dung của văn bản pháp lý tối cao này đến các tầng lớp nhân dân, Phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ đã triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau. Hội thi tìm hiểu Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức với sự tham gia của cán bộ và nhân dân 13 xã, phường. Qua Hội thi, không những giúp đông đảo công chúng tích cực tìm hiểu Hiến pháp sửa đổi mà qua đó còn khơi dậy tinh thần, ý thức tham gia tìm hiểu pháp luật trong cán bộ và quần chúng nhân dân.

Ngoài việc tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, Phòng Tư pháp thành phố cũng đã thực hiện việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau. Đối với các đơn vị, ban ngành thành phố, triển khai tuyên truyền trong các buổi chào cờ hằng tháng được tiến hành một cách thường xuyên. Hay thông qua việc tổ chức “Mỗi tuần một điều luật” tại UBND thành phố đã tuyên truyền được nhiều nội dung pháp luật khác nhau đều đặn mỗi tuần và phù hợp với những diễn biến thời sự xảy ra trên địa bàn thành phố, tỉnh và trong nước. Đặc biệt, trước khi có một phiên tòa xét xử lưu động diễn ra trên địa bàn, Phòng Tư pháp phối hợp với Tòa án thực hiện tuyên truyền những quy định pháp luật liên quan đến vụ án đó bằng loa phóng thanh. Với hình thức này, đối tượng vi phạm được nhận thức về những hành vi phi pháp của mình, đồng thời người dân cũng được trang bị kiến thức để hiểu biết việc thực thi pháp luật trong vụ án đó. Ngoài ra, để pháp luật được phổ biến rộng khắp, Phòng Tư pháp thành phố cũng đã phối hợp với các xã, phường trên địa bàn để tổ chức tuyên truyền trên loa phóng thanh. Qua đó, các văn bản pháp luật được nhiều người dân nghe và nắm vững hơn.

3.2.2Trong những năm gần đây, địa bàn thành phố Tam Kỳ là nơi triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn do các chính sách hỗ trợ bồi thường luôn thay đổi. Nhận thấy nhiều người dân khiếu kiện, không chịu nhận giá bồi thường và trao mặt bằng thi công cũng chỉ vì chưa hiểu và nắm được các quy định của pháp luật, Phòng Tư pháp thành phố đã tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp. Qua đó, tập hợp các trường hợp khiếu kiện của để tham mưu cho các vị lãnh đạo thành phố trả lời trực tiếp cho nhân dân. Các chính sách, quy định mới về bồi thường cũng được tuyên truyền và được người dân hiểu rõ, nhận thức.

Có thể thấy, trong từng đối tượng cụ thể, việc tuyên truyền bằng hình thức nào cho phù hợp ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả tuyên truyền. Đối với các đối tượng là công nhân lao động, ông Bùi Tình - Chủ tịch LĐLĐ thành phố Tam Kỳ cho biết: “Người lao động có những hạn chế nhất định về kiến thức pháp luật. Lại có ít thời gian để học tập. Chính vì thế, chúng tôi đã phối hợp với các phòng chức năng thành phố như tư pháp, lao động thương binh xã hội, y tế, bảo hiểm xã hội v.v. để tổ chức tuyên truyền cho người lao động với hình thức đối thoại trực tiếp tại các doanh nghiệp. Qua đó, có thể tư vấn cho người lao động nhiều nội dung pháp luật khác nhau trong một thời gian ngắn”.

Đối với nông dân, việc tuyên truyền pháp luật được thực hiện thông qua văn nghệ, qua các cuộc thi, trò chơi để thu hút họ tham gia. Đơn cử như phường Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ), thông qua hình thức thi “Rung chuông vàng” với các câu hỏi về Hiến pháp sửa đổi năm 2013, người dân tham gia đông đảo và nhiệt tình.

3.2.1Là đối tượng học sinh, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng có những cách triển khai phù hợp. Các hội thi dưới hình thức trò chơi “Rung chuông vàng”, “Đường lên đỉnh Olympia” v.v. với nhiều nội dung thi “Câu hỏi tìm hiểu pháp luật”, “Xử lý tình huống pháp luật” v.v. đã thu hút được đông đảo học sinh tham gia. Chính vì thế việc tuyên truyền pháp luật trong học sinh trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết. Đặc biệt, trong các phần thi ứng xử, học sinh có điều kiện thể hiện được suy nghĩ cá nhân của mình trong việc vận dụng các kiến thức pháp luật vào cuộc sống. Qua đó, vừa khơi dậy được sự thích thú trong việc tìm hiểu pháp luật vừa giúp các em có những kỹ năng để vận dụng phù hợp những kiến thức pháp luật../.

Tường Quân

 


Tin mới:
Các tin khác: