Góp ý Bộ luật Dân sự sửa đổi: Nên có cái nhìn thoáng hơn về chuyển đổi giới tính
 Thứ hai, 12 Tháng 1 2015 15:20 - 2736 Lượt xem
In

Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đã được Chính phủ chính thức đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 05/01/2015 đến ngày 05/4/2014, dự kiến trình Quốc hội Khóa 9, kỳ họp thứ XIII cho ý kiến và sau đó sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 10 năm 2015. Về vấn đề chuyển đổi giới tính, Dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi (sau đây gọi tắt là Dự thảo) đã đưa ra hai phương án tại Điều 40 là: Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới (Phương án 1); và trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật (Phương án 2).

Về nội dung trên, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, với tôi, tôi ủng hộ phương án 2.

Cho đến nay pháp luật Việt Nam vẫn chưa thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Điều 36 Bộ luật Dân sự 2005 quy định “Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.”; và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 88/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ quy định: “Cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính”. Như vậy pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ cho phép xác định lại giới tính cho những người khuyết tật về giới tính hay chưa phân biệt được là nam hay nữ, do đó đối với các trường hợp tự chuyển giới tính đến nay vẫn chưa được phép thay đổi thông tin giới tính trên giấy tờ tùy thân. Ngoài lý do xung đột với các giá trị văn hóa truyền thống, việc cho phép chuyển đổi giới tính còn gây lo ngại về những hậu quả pháp lý sẽ xảy ra nếu việc này bị lợi dụng như: Nam giới chuyển đổi giới tính để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, đặc biệt là khi đất nước sắp có chiến tranh; chuyển đổi giới tính để gian lận trong thể thao hoặc lừa đảo tài sản; chuyển đổi giới tính để trốn tránh lệnh truy nã của cơ quan có thẩm quyền; chuyển đổi giới tính để hoạt động mại dâm... và còn nhiều những lo ngại khác.

Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình hội nhập quốc tế vấn đề đảm bảo quyền con người, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người đang được nhiều nước quan tâm, Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó. Việc từng bước ghi nhận quyền được chuyển giới chính đáng của công dân sẽ được nhiều người đồng tình ủng hộ, tôi cũng vậy, vì những lý do sau:

Thứ nhất, khác với đồng tính là những người có xu hướng yêu người cùng giới với mình, chuyển giới là việc một người cảm nhận mình thuộc một giới tính khác với giới tính lúc mới sinh, cảm nhận về giới tính này được gọi là bản dạng giới. Ví dụ, người chuyển giới nam nghĩa là người đó sinh ra với cơ thể nữ nhưng cảm nhận giới tính của mình là nam. Khi đó, họ muốn được gọi tên và nhìn nhận như theo giới tính mình mong muốn (là nam hoặc nữ). Do pháp luật nước ta cấm chuyển đổi giới tính nên nhiều người tìm cách sang các nước láng giềng như Thái Lan, Hàn Quốc... để làm thủ thuật chuyển giới mặc dù biết là sẽ rất tốn kém. Bởi vì họ chỉ có một khát khao duy nhất là mong được sống đúng với bản chất giới tính của họ. Việc chuyển giới sẽ rất đau đớn, nhưng cái mà người chuyển giới tính sợ nhất là không được pháp luật thừa nhận, bỗng chốc họ trở nên lạc lõng “vô hình” trong xã hội khi mọi giấy tờ đều “không khớp” với tình trạng cơ thể, dẫn đến sự bế tắc các quan hệ pháp luật mà họ là một bên tham gia như khi giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thừa kế tài sản, đăng ký tạm trú tạm vắng, rồi không tiếp cận được với dịch vụ y tế, hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước... Thiếu sự bảo vệ của pháp luật, họ trở thành một trong những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Thứ hai, một khi chưa được “chính danh”, nhiều người chuyển giới còn gặp phải nhiều những rào cản khác trong cuộc sống thường ngày, như bị là “pê đê” hay “xăng pha nhớt”, khiến họ phải sống trong tâm lý mặc cảm trước sự kỳ thị ở mọi trong xã hội. Ở nhà thì bị cha mẹ la mắng, coi như nỗi “xấu hổ” của gia đình, ra xã hội thì bị trêu chọc... công ăn việc làm cũng là một thách thức lớn đối với họ. Nhiều người, nếu thiếu bản lĩnh sẽ khó vượt qua được chính mình dễ sa vào các tệ nạn xã hội hoặc trở nên cô đơn, lạc lõng giữa cuộc sống đời thường.

Thứ ba, thực tiễn cho thấy, mặc dù pháp luật không thừa nhận việc chuyển giới, nhưng những vấn đề pháp lý liên quan đến việc áp dụng các quy định của pháp luật đối với người đã chuyển giới vẫn đặt ra như: các thủ tục về khám người, thi hành các biện pháp tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù đối với những người này....

Mới đây nhất, ngày 30/9/2014, "hot girl chuyển giới" Trâm Anh, tức Nguyễn Văn Hiếu bị Công an phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bắt giữ vì hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Khi bị bắt dù Nguyễn Văn Hiếu trên khuôn mặt (giống người nữ), còn các bộ phận khác thì vẫn là nam, do pháp luật chưa quy định rõ về việc tạm giam, tạm giữ đối với người chuyển giới nên các cán bộ trại giam không biết giam Trâm Anh ở phòng nào, nếu ở chung với phạm nhân nam thì không ổn, vì nhìn bên ngoài Trâm Anh là nữ, cho ở chung với các phạm nhân nữ cũng không xong bởi trong tư tưởng có thể họ vẫn coi Trâm Anh là nam. Gây nhiều phiền hà cho phạm nhân cũng như quản lý trại giam, cuối cùng để thuận lợi cho việc giam giữ, cơ quan công an đã tiến hành giam giữ Trâm Anh ở buồng giam riêng.

Rõ ràng, khi đem lên bàn cân lựa chọn cái được và mất giữa cho phép hay không cho phép chuyển đổi giới tính, với cái nhìn cảm tính của mình, tôi nhận thấy cái được sẽ nhiều hơn, pháp luật sinh ra là để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo chiều hướng giúp con người tự do và hạnh phúc hơn từng ngày. Theo mục tiêu đó, pháp luật đương nhiên cần phải đi trước xã hội, không hẳn là định hướng, mà còn như một sứ mệnh phụng sự cho người dân. Người chuyển giới nên được pháp luật và xã hội thừa nhận để tạo sự bình đẳng, từ đó chúng ta có thể bảo vệ hiệu quả hơn các quyền và lợi ích hợp pháp cũng như xử lý hành vi vi phạm của họ. Chắc hẳn trong chúng ta ít nhiều cũng biết đến ca sỹ Cindy Thái Tài; Lâm Chi Khanh;  Hương Giang Idol… đang từng ngày đem giọng ca tiếng hát của mình phục vụ khán giả, họ nằm trong số những người nổi tiếng được khán giả mến mộ bởi vẻ nữ tính, gợi cảm và ngưỡng mộ bởi họ là một trong số ít những người “dám” công khai thừa nhận chuyển đổi giới tính.

Đã đến lúc xã hội và Nhà nước ta nên thừa nhận và có biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người chuyển giới trên cả phương diện pháp lý và trong đời sống thực tế. Nói như ca sỹ chuyển giới Lâm Chi Khanh “Dù giấy tờ và hình hài chưa thống nhất thì người chuyển giới vẫn sống ổn nhưng cũng đến lúc nào đó, họ cần có một đám cưới hợp pháp, cần có một gia đình hợp pháp mà trong đó mình được quyền là vợ theo giới tính nữ, chứ không phải là vợ - chồng mà giấy tờ vẫn là quan hệ nam – nam”. Việc Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đã đưa ra phương án “Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật” là một thông tin rất vui với người đã chuyển giới, nếu được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là một bước tiến lớn trong nhận thức và suy nghĩ của những nhà làm luật, thể hiện cái nhìn mới, thoáng hơn về người chuyển giới, xem đó như là một quan hệ xã hội mà pháp luật phải điều chỉnh, dẫu là “Trong trường hợp đặc biệt”. Nhìn về góc độ pháp luật đây là một bước đi thận trọng, phù hợp với tình hình xã hội Việt Nam tại thời điểm hiện nay./.

                                                                                       Lưu Thế Tùng


Tin mới:
Các tin khác: