Bất cập trong quy định miễn đào tạo nghề công chứng |
Thứ hai, 09 Tháng 6 2014 13:41 - 2019 Lượt xem |
|
|
Kế thừa quy định về đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng trong Luật công chứng năm 2006, Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) sắp được Quốc hội khóa 13 xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 lần này cũng quy định lại các đối tượng được miễn đạo tạo nghề công chứng, gồm: Những người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật; đã là thẩm tra viên cao cấp ngành toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật. Có thể nói, nhìn chung những người thuộc nhóm đối tượng nêu trên đều là những người có kiến thức pháp luật sâu rộng, có nhiều kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp luật để có thể bắt tay ngay vào nghề công chứng mà không cần phải đào tạo lại hay phải trải qua một thời gian tập sự nhất định. Tuy nhiên, nếu xét riêng trong từng lĩnh vực pháp luật cụ thể, chúng ta có thể thấy một số bất cập (hay đúng hơn là bất hợp lý) trong việc quy định về một số đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng như Luật công chứng (sửa đổi) còn tiếp tục ghi nhận. Trước hết có thể nói Luật công chứng năm 2006 cũng như Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) lần này đã bỏ lọt một đối tượng có thâm niên trong nghề “cật ruột” với nghề công chứng, đó là “nghề” chứng thực. Từ Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/02/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước, đến Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 và Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực đều có quy định nhiệm vụ chứng thực một số hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, cấp xã. Người tham mưu trực tiếp cho UBND cấp huyện và cấp xã thực hiện việc chứng thực chính là Trưởng phòng Tư pháp (cấp huyện) và Công chức tư pháp (cấp xã). Theo quy định của pháp luật thì văn bản hợp đồng, giao dịch được công chứng (tại các tổ chức hành nghề công chứng) hay chứng thực (tại UBND cấp huyện, xã) đều có giá trị pháp lý như nhau. Thực hiện Luật công chứng 2006, từ năm 2007 đến nay, bên cạnh các Phòng Công chứng nhà nước có nhiều Văn phòng Công chứng tư nhân ra đời, nhưng các Văn phòng này cũng chỉ đăng ký hoạt động chủ yếu ở các đô thị và vùng lân cận đồng bằng để cạnh tranh với các Phòng Công chứng nhà nước, còn lại phần lớn các địa phương thuộc khu vực trung du, miền núi thì hầu như chưa và còn lâu mới có được Văn phòng công chứng. Nói như vậy là để nói rằng từ năm 2007 đến nay, cũng như từ nay về sau với hàng chục năm nữa, UBND cấp huyện, cấp xã ở khu vực trung du, miền núi vẫn còn phải tiếp tục công việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch (đặc biệt là chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến đất đai và tài sản gắn liền với đất theo khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013), mà người tham mưu cho UBND hai cấp này ký chứng thực không ai khác là Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện và Công chức tư pháp cấp xã. Công chứng và chứng thực là hai hành vi tuy khác nhau về mặt chủ thể thực hiện nhưng về mặt trình tự công việc và giá trị pháp lý của sản phẩm công chứng và chứng thực lại hoàn toàn như nhau. Vì những lẽ trên, thiết nghĩ Luật công chứng (sửa đổi) lần này cần được xem xét bổ sung thêm hai đối tượng được miễn đạo tạo nghề công chứng, một cách chính đáng, đó là Trưởng phòng Tư pháp của cấp huyện và Công chức tư pháp của cấp xã. Đương nhiên phải bảo đảm yêu cầu chung là các đối tượng này phải có bằng cử nhân luật; ngoài ra, đối với Trưởng phòng Tư pháp còn phải có thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng liên tục từ 5 năm trở lên và đối với Công chức tư pháp cấp xã cũng phải là người được giao chuyên trách việc tham mưu chứng thực với thời gian công tác liên tục từ 5 năm trở lên. Những đối tượng được nêu trên là những đối tượng đang làm nghề và có thâm niên công tác trong “nghề” chứng thực, một nghề gần gũi với nghề công chứng hơn nhiều nghề khác như thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên./. Nguyễn Kỳ Sanh
Tin mới:
Các tin khác:
|