Lại bàn chuyện hôn nhân đồng giới |
Thứ hai, 26 Tháng 5 2014 09:16 - 1397 Lượt xem |
|
|
Về vấn đề hôn nhân đồng giới, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (gọi tắt là Dự thảo), sắp được trình ra Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13 lần này đã có một “bước tiến” là trong Dự thảo này đã bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Đồng thời thông qua việc quy định về giải thích từ ngữ, Dự thảo cũng ghi nhận việc chung sống như vợ chồng giữa người cùng giới tính bằng hình thức tổ chức lễ cưới hoặc được gia đình một hoặc hai bên chấp nhận (Khoản 4 Điều 8). Tuy nhiên, cũng theo Dự thảo, nếu được Quốc hội thông qua thì những người đồng giới vẫn chưa thể vận dụng được nguyên tắc “công dân được làm những gì pháp luật không cấm”, để thực hiện quyền đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền một cách bình thường như những trường hợp giữa người không cùng giới tính. Bởi vì, trong Dự thảo còn có quy định: “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính.” (Khoản 1 Điều 17d). Không cấm nhưng cũng không thừa nhận, có thể coi đó là một cơ chế “mở có giới hạn” đối với quan hệ “hôn nhân phi truyền thống”, giữa những người đồng giới như trong Dự thảo hiện nay, theo tôi đó là bước đi thận trọng, phù hợp và thỏa đáng trong điều kiện hiện nay ở nước ta. Không có lý do gì và cũng không có cách gì để có thể ngăn cấm tình cảm thương yêu nhau trong quan hệ giữa những con người đồng giới mong muốn được chung sống với nhau như vợ chồng, nên Nhà nước buộc phải ghi nhận như vậy. Đây cũng là một vấn đề liên quan đến quyền con người được nhiều quốc gia trong cộng đồng thế giới ghi nhận. Điều lý thú là các nhà khoa học hiện nay cũng đã khám phá ra rằng quan hệ đồng giới không chỉ là mối quan hệ đặc hữu ở loài người mà ở nhiều loài động vật khác cũng có; ví dụ như khỉ bonobo ở châu Phi, chim hải âu laysan ở Hawaii, rồi cá heo mũi chai ..v.v... Nhưng xét theo quy luật của tự nhiên, người viết bài này vẫn cứ bâng khuâng về một cái gì đó không bình thường đang diễn ra bên trong mối quan hệ “phi truyền thống” của những người đồng giới. Phải chăng đây là vấn đề “lỗi” của quy luật tự nhiên. Trong Kinh Dịch có câu: “Nhất âm nhất dương chi vị đạo”, nghĩa là “một âm một dương thành một đạo”. “Đạo” ở đây có thể được hiểu như là một sự vật, một hiện tượng, hay một chỉnh thể nào đó; một cặp vợ chồng “nam – nữ” chính là một “đạo” theo đúng lẽ tự nhiên của nó. Quan sát thế giới tự nhiên và xã hội chúng ta dễ dàng nhận ra tính chất âm – dương tồn tại trong mọi sự vật hiện tượng. Chủ nghĩa duy vật biện chứng cũng khẳng định quy luật tồn tại này trong cả thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy. Đó là quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập, hay còn gọi là quy luật mâu thuẫn. Theo đó, không có một sự vật hay hiện tượng nào có thể tồn tại ổn định và cân bằng được (xét theo nghĩa tương đối, trong một khoảng thời gian nhất định) nếu như trong bản thân nó chỉ có “một bề” mà không phải là hai mặt đối lập nhau, theo cách gọi của người xưa là âm và dương. Cứ cùng cực thì đẩy nhau mà khác cực thì kết hợp lại để tồn tại trong thế “thống nhất và đấu tranh” giữa các mặt đối lập của nó. Mục đích tối thượng của hôn nhân truyền thống là để duy trì và phát triển nòi giống, quan hệ hôn nhân đồng giới tuyệt nhiên không thể đạt được mục đích này. Như vậy, một cặp vợ chồng “nam – nữ” kết hôn và chung sống với nhau không chỉ là để thỏa mãn các nhu cầu cá nhân chính đáng và tất yếu của họ, mà xét theo ý nghĩa lớn là họ thực hiện trách nhiệm duy trì giống nòi để cho quốc gia, dân tộc tồn tại và phát triển. Bởi vậy, trong quá trình phát triển của xã hội sau này, nếu như số lượng các cặp quan hệ đồng giới được hạn chế ở một tỉ lệ nhỏ nào đó thì vấn đề không có gì đáng lo; nhưng nếu như tỉ lệ đó cứ tăng dần lên thì sẽ đến lúc có sự báo động vấn đề suy thoái nòi giống và xã hội. Liên quan mật thiết đến vấn đề “hôn nhân phi truyền thống” còn có một vấn đề cũng hết sức đáng bàn, đó là vấn đề nuôi con nuôi của các cặp “cha” hoặc “mẹ” đồng giới. Trường hợp cặp đôi đồng giới có con nuôi, thì liệu trong môi trường “gia đình phi truyền thống” ấy đứa trẻ sẽ lớn lên và phát triển như thế nào? Nó có được bình thường như những đứa trẻ khác hay lại là một sản phẩm đồng giới mới được “nhân bản” từ các cặp “hôn nhân phi truyền thống”? Đây là vấn đề lớn của xã hội! Nguyễn Kỳ Sanh
Tin mới:
Các tin khác:
|