Trao đổi thêm về bài viết “Mỗi người tự viết một đơn xin ly hôn riêng thì Tòa án sẽ giải quyết thế nào?” |
Thứ sáu, 14 Tháng 2 2014 15:29 - 1457 Lượt xem |
|
|
Ngày 13/02/2014, trên Website của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Nam, có đăng bài viết “Mỗi người tự viết một đơn xin ly hôn riêng thì Tòa án sẽ giải quyết thế nào?” của tác giả Thanh Sơn bàn về việc hai vợ chồng do mâu thuẫn muốn ly hôn nhưng không cùng ký vào một đơn xin ly hôn mà mỗi người tự viết một đơn riêng gửi đến Tòa. Theo ý tác giả, trong trường hợp này Luật chưa có quy định cụ thể nên giải quyết theo thủ tục thuận tình ly hôn. Quan điểm cá nhân của tôi có ý kiến khác, bởi vì các lẽ sau đây: Theo quy định của Điều 91 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định thuận tình ly hôn là “trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con; nếu không thỏa thuận được hoặc tuy có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án quyết định”. Nghị quyết số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng có quy định như sau: Toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không phải mở phiên toà khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn; hai bên đã thoả thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; sự thoả thuận của hai bên về tài sản và con trong từng trường hợp cụ thể này là bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con. Có thể thấy, trường hợp mà tác giả nêu ra mặc dù cả hai vợ chồng đều có sự tự nguyện viết đơn xin ly hôn, mong muốn được kết thúc mối quan hệ hôn nhân tuy nhiên lại không thỏa mãn các điều kiện thuận tình ly hôn như đã phân tích ở trên. Bởi lẽ, giữa hai bên không có sự thỏa thuận, thống nhất với nhau trong việc giải quyết quan hệ hôn nhân và các vấn đề liên quan như tài sản và con cái mà đơn giản chỉ là những ý kiến đơn phương của cá nhân vợ và chồng. Những yếu tố này phù hợp với điều kiện của thủ tục ly hôn do yêu cầu của một bên hơn là thuận tình ly hôn, chỉ khác là ở trường hợp này không phải chỉ có một trong hai bên yêu cầu ly hôn mà cả vợ và chồng làm đơn riêng. Trong trường hợp này, theo tôi Tòa án nên tiến hành thụ lý đơn mà Tòa nhận được đầu tiên (đơn thỏa mãn các điều kiện pháp luật quy định) theo thủ tục ly hôn do yêu cầu của một bên. Đối với đơn của người kia, Tòa án cũng nhận để giải quyết thành một vụ việc dân sự chung. Ngoài ra, Tòa án còn giải thích, hướng dẫn người kia làm đơn phản tố nếu có yêu cầu khác với yêu cầu trong đơn mà Tòa nhận đầu tiên. Như vậy, sẽ phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật hơn. Trên đây cũng chỉ là quan điểm của cá nhân, rất mong nhận được ý kiến trao đổi thêm của bạn đọc./. Tùng Lưu
Tin mới:
Các tin khác:
|