Nhận thức như thế nào cho đúng quan điểm của Đảng: “Phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị”
 Thứ sáu, 19 Tháng 7 2013 16:54 - 1671 Lượt xem
In

1. Đặt vấn đề:

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ và nhân dân, kể từ năm 1998 trở lại đây, công tác này luôn được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt hơn so với giai đoạn trước đó. Sự quan tâm đặc biệt này là một tất yếu khách quan nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Dấu mốc của năm 1998 được xác định bởi một số văn bản chỉ đạo quan trọng như Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường PBGDPL trong giai đoạn hiện nay; cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL.

Đặc biệt, ngày 09/12/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng  (Khóa IX) đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân; trong đó có quan điểm chỉ đạo rất quan trọng:  “Xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Có thể nói, kể từ sau khi có Chỉ thị 32 đến nay, công tác PBGDPL trên phạm vi cả nước cũng như ở từng địa phương đã có nhiều chuyển biến rõ nét, với nhiều kết quả thu được khá tích cực. Những kết quả này đã được đánh giá một cách khái quát nhưng đầy đủ, khách quan tại Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI).

Tuy nhiên, cũng qua thực tiễn công tác PBGDPL từ sau khi có Chỉ thị 32 (và nhất là những năm gần đây) cho thấy, bên cạnh những kết quả to lớn đã thu được, công tác này cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước, nhưng hiệu quả lại không cao. Trong số những bất cập này, chúng tôi cho rằng bất cập về việc nhận thức chưa đúng nội dung quan điểm chỉ đạo của Đảng: “phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị” là quan trọng nhất. Từ việc nhận thức chưa đúng quan điểm chỉ đạo này, “tư duy đề án” về PBGDPL bắt đầu xuất hiện, kéo theo việc huy động một cách không hợp lý nhiều cấp, nhiều ngành vào cuộc, tiêu tốn khá nhiều kinh phí nhưng kết quả thu được từ nhiều đề án lại quá mờ nhạt. Đành rằng công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nên khó có thể lượng hóa chính xác kết quả của nó; nhưng trong nhiều vụ việc cụ thể, người trong cuộc vẫn có thể nhận ra được tính kém hiệu quả của nó như thế nào.

1. Nhiều ngành đồng loạt ra quân thực hiện đề án

Cụ thể của “tư duy đề án” về PBGDPL cho chúng ta thấy, trong cùng một thời điểm có nhiều “đề án” được triển khai thực hiện; trong mỗi “đề án” lại có nhiều ngành tham gia thực hiện “tiểu đề án”; các cấp, các ngành từ trung ương, tỉnh, huyện khi triển khai thực hiện “đề án”, “tiểu đề án” đều hướng về một đối tượng chủ yếu là cán bộ và nhân dân ở cơ sở. Tình trạng “nhiều chân cùng xỏ một giày” khiến cho nhiều nơi cấp cơ sở phải “oằn lưng” để phối hợp với hết đề án này đến đề án khác từ cấp trên đem xuống tổ chức triển khai cho nhân dân “hưởng thụ” pháp luật.

Có thể thống kê lại con số các đề án PBGDPL từ năm 2005 đến nay, như sau:

1. Giai đoạn 2005 đến 2010: Có 4 đề án trong Chương trình hành động quốc gia về PBGDPL và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2006 đến 2010; được ban hành kèm theo Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể (gọi tắt là Chương trình 212):

- Đề án thứ nhất: “Đưa thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các thiết chế văn hoá thông tin ở xã, phường, thị trấn”, do Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì cùng với sự tham gia phối hợp của 5 ban, ngành khác;

- Đề án thứ hai: “Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”, do Uỷ ban Trung ương MTTQVN chủ trì cùng với sự tham gia phối của hơn 6 bộ, ngành khác;

- Đề án thứ ba: “Tăng cường công tác PBGDPL về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn”, do Thanh tra Chính phủ chủ trì cùng với sự tham gia phối hợp của 5 bộ, ngành khác;

- Đề án thứ tư: “Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn”, do Bộ Tư pháp chủ trì cùng với sự tham gia phối hợp của 4 ban, ngành khác.

2. Giai đoạn 2008 đến 2012: Có 4 đề án trong Chương trình PBGDPL từ năm 2008 đến năm 2012; được ban hành kèm theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 37). Cụ thể:

- Đề án thứ nhất: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng với sự tham gia phối hợp của 4 bộ, ngành khác, (trong đề án này được phân ra 4 tiểu đề án);

- Đề án thứ hai: Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước”, do Bộ Tư pháp chủ trì, cùng với sự tham gia phối hợp của 2 đơn vị ngành khác;

- Đề án thứ ba: “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường”, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng với sự tham gia phối hợp của 6 bộ, ngành khác;

- Đề án thứ tư: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, cùng với sự tham gia phối hợp của 3 bộ, ngành khác, (trong đề án này được phân ra 5 tiểu đề án).

3. Giai đoạn hiện nay 2013 đến 2016:

Năm 2012 là năm kết thúc thực hiện các đề án PBGDPL theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI). Quyết định số 409/QĐ-TTg cho khôi phục thực hiện 2 đề án của Chương trình 212 (đề án thứ hai và thứ ba) và tiếp tục thực hiện 4 đề án của Chương trình 37 cho đến năm 2016; đồng thời bổ sung thêm 5 đề án mới, đó là:

- Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2016”, do Bộ Quốc phòng chủ trì cùng với sự tham gia phối hợp của 3 bộ, ngành khác;

          - Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012 – 2016”, do Bộ Tư pháp chủ trì cùng với sự tham gia phối hợp của 4 bộ, ngành khác;

- Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL trên Đài truyền hình Việt Nam giai đoạn 2012 - 2016”, do Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì cùng với sự tham gia phối hợp của 2 bôn, ngành khác;

- Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL trên Đài Tiếng nói Việt Nam giai đoạn 2012 - 2016”, do Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì, cùng với sự tham gia phối hợp của 2 bộ, ngành khác;

- Đề án “Xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012 - 2016”, do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì cùng với sự tham gia phối hợp của 2 bộ, ngành khác.

Trên đây chưa kể đến 2 đề án phổ biến pháp luật khác không nằm trong phạm vi Quyết định số 409/QĐ-TTg, đó là:

- Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 – 2015”, được ban hành kèm theo Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 26/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ; do Bộ Tư pháp chủ trì cùng với sự tham gia phối hợp của 2 bộ, ngành khác;

- Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016”, do Bộ Tư pháp ban hành theo Quyết định số 4061/QĐ-BTP ngày 14/10/2011 và chủ trì thực hiện.

Như vậy, có thể nói tại thời điểm hiện nay, về nguyên tắc, có 13 đề án về PBGDPL đang có hiệu lực triển khai thực hiện và non chục tiểu đề án được lồng ghép bên trong 13 đề án này; về trách nhiệm chủ trì và tham gia phối hợp thực hiện có thể nói đúng là “toàn bộ hệ thống chính trị”. Còn về kinh phí, có nhiều cái gọi là “tiểu đề án”, nhưng có cơ quan được giao thực hiện lại dự trù gấp đôi, gấp ba lần kinh phí của các đề án khác để trình cấp trên phê duyệt.

(còn tiếp…)

Đặng Văn & Thái Nguyên

 


Tin mới:
Các tin khác: