Tiêu chuẩn Báo cáo viên pháp luật: Từ Thông tư 18 của Bộ Tư pháp đến Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật |
Thứ tư, 03 Tháng 7 2013 15:54 - 2953 Lượt xem |
|
|
Có thể nói trong đội ngũ những người làm công tác phổ biến pháp luật thì đội ngũ báo cáo viên pháp luật là nhân tố hêt sức quan trọng, là cầu nối đưa pháp luật đến với cuộc sống của người dân. Vì tầm quan trọng đó, việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về bản lĩnh chính trị là một yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Theo Điều 2, Thông tư số 18/2010/TT-BTP, ngày 05/11/2010 của Bộ Tư pháp (Thông tư 18) quy định về tiêu chuẩn Báo cáo viên pháp luật thì người được chon làm Báo cáo viên pháp luật phải có trình độ cử nhân luật đối với Báo cáo viên pháp luật cấp Trung ương và cấp tỉnh; có trình độ trung cấp luật trở lên đối với Báo cáo viên pháp luật cấp huyện. Trường hợp cá nhân không có bằng đại học Luật, nhưng có bằng đại học khác thì cần có thời gian công tác từ 05 năm trở lên đối với Báo cáo viên pháp luật cấp Trung ương và từ 03 năm trở lên đối với Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và am hiểu pháp luật về lĩnh vực cần phổ biến. Như vậy, Thông tư 18 có sự phân biệt rõ Báo cáo viên pháp luật bao gồm: Báo cáo viên pháp luật cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện; tiêu chuẩn công nhận Báo cáo viên Trung ương và cấp tỉnh là giống nhau chỉ khác ở trường hợp không có bằng đại học luật. Tuy nhiên, đối với Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, Thông tư 18 đã quy định “cứng” là phải tốt nghiệp trung cấp luật trở lên mà không quy định trình độ tương đương và cũng không đòi hỏi về thời gian công tác, am hiểu pháp luật như báo cáo viên cấp trên. Thực hiện Thông tư 18 việc lựa chọn, đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật cấp huyện gặp không ít khó khăn vì không phải ai cũng có trình độ trung cấp luật, trong khi trên thực tế có rất nhiều người tuy không có bằng trung cấp luật, nhưng lại có bằng tốt nghiệp khác, am hiểu pháp luật và có kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến pháp luật, nhưng lại không được công nhận là báo cáo viên pháp luật. Tại khoản 2, Điều 35 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 lại quy định tiêu chuẩn chuyên môn của Báo cáo viên pháp luật là “phải có bằng tốt nghiệp đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật ít nhất là 02 năm; trường hợp không có bằng tốt nghiệp đại học luật, nhưng có bằng tốt nghiệp đại học khác thì phải có thời gian công tác liên quan đến pháp luật ít nhất là 03 năm”. So với Thông tư 18, rõ ràng đã có sự khác biệt. Luật phổ biến, giáo dục pháp luật không phân chia tiêu chuẩn chuyên môn đối với Báo cáo viên pháp luật cấp Trung ương, tỉnh, huyện như Thông tư 18 mà đã quy định thống nhất tiêu chuẩn chung là tốt nghiệp đại học luật hoặc có thời gian công tác liên quan đến pháp luật tối thiểu là 03 năm. Việc quy định tiêu chuẩn chung này, đối với Báo cáo viên cấp Trung ương và cấp tỉnh thì không có gì phải bàn, nhưng đối với cấp huyện thì theo tôi lại quá cao. Cho đến nay ở nước ta vẫn còn nhiều địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đội ngũ cán bộ còn thiếu, đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp huyện (đã được công nhận nhưng chưa đạt chuẩn) vẫn còn ít. Chủ trương của chúng ta là hướng mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp về cơ sở, ưu tiên phổ biến pháp luật cho nhân dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, thì tiêu chuẩn để công nhận Báo cáo viên pháp luật đối với cấp huyện cần phải mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Từ ngày 01/01/2013, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật chính thức có hiệu lực thi hành thì tiêu chuẩn Báo cáo viên pháp luật theo Thông tư 18 không được áp dụng nữa. Về nguyên tắc, những người không đáp ứng được tiêu chuẩn theo Luật thì đương nhiên không được tiếp tục công nhận là Báo cáo viên pháp luật nữa. Điều này dẫn đến hụt hẫng đáng kể đối với đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, và là sự đáng tiếc đối với nhiều người tuy không đủ tiêu chuẩn Luật định, nhưng qua thực tiễn nhiều năm công tác họ lại có được chuyên môn và kinh nghiệm khá cao cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Về bất cập trên, theo tôi, trước mắt khi mà chúng ta chưa có điều kiện để xây dựng được một đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp huyện theo tiêu chuẩn Luật định, thì việc tiếp tục công nhận những người đã từng là Báo cáo viên pháp luật và có tâm huyết, năng lực, kinh nghiệm để tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một giải pháp tích cực hiện nay./. Lưu Thế Tùng
Tin mới:
Các tin khác:
|