Vấn đề sử dụng căn cứ pháp lý trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật
 Thứ hai, 04 Tháng 3 2013 14:56 - 7713 Lượt xem
In

Qua kết quả tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong 2 năm (2011 và 2012), đa số các VBQPPL do UBND tỉnh ban hành đảm bảo về thẩm quyền ban hành (về hình thức và nội dung), trình tự thủ tục ban hành, nội dung quy định của văn bản phù hợp với Hiến pháp, luật và các VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên. Song, bên cạnh đó vẫn còn không ít VBQPPL sai về căn cứ pháp lý ban hành (năm 2011 có 7/39 văn bản, năm 2012 có 11/38 văn bản).

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc có nhiều văn bản ban hành sai về căn cứ pháp lý là do các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo chỉ chú trọng đến nội dung, hình thức ban hành của văn bản, chưa coi trọng các quy định về sử dụng căn cứ pháp lý để ban hành VBQPPL được quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư số 20/2010/TT – BTP ngày 30/11/2010 của Bộ Tư pháp và khoản 1 Điều 30 của Quyết định số 02/2012/QĐ – UBND ngày 18/01/2012 của UBND tỉnh dẫn đến khi tham mưu xây dựng VBQPPL sử dụng các căn cứ pháp lý không đúng. Cá biệt, có cơ quan còn hiểu đơn giản là hễ văn bản nào liên quan đến nội dung của văn bản được ban hành là sử dụng làm căn cứ pháp lý để ban hành, nên trên thực tiễn có những văn bản phần căn cứ pháp lý dài hơn phần nội dung quy định của văn bản. Lại có trường hợp thừa căn cứ pháp lý này nhưng lại thiếu những căn cứ pháp lý bắt buộc sử dụng làm căn cứ để ban hành.

Để hạn chế những sai sót về căn cứ pháp lý, đảm bảo được tính hợp Hiến, hợp pháp của văn bản khi ban hành, các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo ngoài việc phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004, còn cần phải lưu ý các vấn đề sau đây:

- Thứ nhất: không sử dụng các văn bản hành chính thông thường để làm căn cứ pháp lý, như: công văn, thông báo, tờ trình, các quyết định hành chính cá biệt, nghị quyết của HĐND nhưng không phải là VBQPPL, các văn bản chỉ đạo của cơ quan đảng…, kể cả các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước cấp trên;   

- Thứ hai: không sử dụng VBQPPL có hiệu lực pháp lý thấp hơn hoặc VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành trước đó để làm căn cứ pháp lý (không sử dụng VBQPPL của chính mình và cơ quan cấp dưới để làm căn cứ pháp lý);

- Thứ ba: phải sử dụng căn cứ pháp lý là VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước, thẩm quyền ban hành văn bản. Cụ thể: UBND các cấp khi ban hành một VBQPPL thì phải sử dụng căn cứ pháp lý bắt buộc đầu tiên đó là Luật tổ chức HĐND, UBND năm 2003;

- Thứ tư: VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền phải là văn bản quy định về vấn đề thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản (đây chính là căn cứ về nội dung văn bản). Ví dụ: Khi UBND tỉnh ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thì ngoài việc sử dụng căn cứ là Luật tổ chức HĐND, UBND năm 2003, còn phải căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT – BTP – BNV ngày 28/4/2009 của liên Bộ Tư pháp – Nội vụ về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và công tác tư pháp thuộc UBND cấp xã./.

 Nguyễn Thị Kim Cúc


Tin mới:
Các tin khác: