Quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật
 Thứ năm, 04 Tháng 6 2015 08:59 - 1559 Lượt xem
In

Ngày 28/05/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2015/NĐ-CP quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (sau đây gọi tắt là Nghị định 52) với các nội dung cơ bản sau:

Nghị định 52 quy định về xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương , Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật quy định tại Nghị định này là tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật dưới dạng văn bản điện tử do Chính phủ thống nhất quản lý, bao gồm các cơ sở dữ liệu thành phần: Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật Trung ương và Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật địa phương.

Nghị định quy định rõ các văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật phải có các thông tin cơ bản: Số, ký hiệu, trích yếu, nội dung văn bản, loại văn bản, cơ quan ban hành, họ và tên người ký ban hành, chức danh người ký ban hành, ngày ban hành, ngày có hiệu lực, tình trạng hiệu lực; văn bản liên quan gồm văn bản làm căn cứ pháp lý ban hành và các văn bản được dẫn chiếu tới trong văn bản; quá trình thay đổi hiệu lực của văn bản; những thông tin cần thiết khác (nếu có). Các văn bản hợp nhất phải có các thông tin cơ bản: Số, ký hiệu, trích yếu, nội dung văn bản, loại văn bản hợp nhất, cơ quan hợp nhất, họ và tên người ký xác thực, chức danh người ký xác thực, ngày ký xác thực; văn bản được sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung; những thông tin cần thiết khác (nếu có).

 Nội dung chính của Nghị định quy định cụ thể về nguyên tắc xây dựng, quản lý, duy trì, quy trình cập nhật, khai thác và sử dụng văn bản trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Trong đó quy định trách nhiệm cập nhật văn bản quy phạm pháp luật như sau: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Thủ trưởng cơ quan nhà nước khác ở Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cập nhật văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo. Đối với các văn bản do Quốc hội ban hành hoặc phối hợp ban hành mà không do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương chủ trì soạn thảo thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện việc cập nhật; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cập nhật văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định cụ thể về quy trình cập nhật văn bản như sau: Sử dụng bản chính văn bản để thực hiện cập nhật; kiểm tra, đối chiếu văn bản điện tử với bản chính văn bản, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, toàn vẹn của nội dung văn bản; tiến hành cập nhật thông tin văn bản theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 của Nghị định; đính kèm văn bản: định dạng văn bản đính kèm được thực hiện theo Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Một trong các định dạng văn bản này phải sử dụng chữ ký điện tử để xác thực sự toàn vẹn nội dung của văn bản; Bước cuối cùng là duyệt đăng tải văn bản.

 Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2015./.

                                                                             Trương Phượng


Tin mới:
Các tin khác: