Một số nội dung bạn cần quan tâm trong Luật căn cước công dân
 Thứ ba, 26 Tháng 5 2015 09:20 - 2179 Lượt xem
In

Nhằm bảo đảm yêu cầu hiện đại hóa giấy tờ về căn cước công dântheo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới; ngày 20/11/2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật căn cước công dân. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.

Kể từ ngày Luật căn cước công dân có hiệu lực thi hành, ở những địa phương đã có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, thì:

- Công dân đủ 14 tuổi trở lên mà chưa được cấp thẻ Chứng minh nhân dân thì được cấp thẻ Căn cước công dân (và phải đổi lại khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi);

- Trường hợp đã được cấp thẻ Chứng minh nhân dân nếu có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân; nếu chưa có yêu cầu thì thẻ Chứng minh nhân dân vẫn được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn theo quy định.

Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ Căn cước công dân còn được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và bên nước ngoài cho phép được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân đó phải xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trong thẻ.

Nội dung bên ngoài Thẻ Căn cước công dân thể hiện:

- Mặt trước thẻ có hình Quốc huy và dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;

- Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

Bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa chứa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; và cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Nội dung các loại cơ sở dữ liệu này được quy định tại Điều 9 và Điều 15 Luật căn cước công dân.

Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân lấy từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo Luật hộ tịch năm 2014, kể từ 01/01/2016, khi cấp Giấy khai sinh cho công dân, cơ quan có thẩm quyền phải ghi số định danh cá nhân vào Giấy khai sinh cho công dân, số định danh cá nhân không lặp lại ở công dân khác.

Thẻ Căn cước công dân có thể được đổi hoặc cấp lại thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 23 của Luật; và có thể bị thu hồi hoặc tam giữ nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 28.

Người có thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân là Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an. Để được làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, công dân có thể lựa chọn một trong các cơ quan quản lý căn cước công dân: 1) của Bộ Công an; 2) của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 3) của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương.

Đối với những địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thi hành theo Luật căn cước công dân thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực; chậm nhất từ ngày 01/01/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này./.

Kỳ Sanh


Tin mới:
Các tin khác: