Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về Quỹ bảo trì đường bộ
 Thứ sáu, 06 Tháng 6 2014 10:06 - 1427 Lượt xem
In

Ngày 30/5/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 về Quỹ bảo trì đường bộ (sau đây gọi là Nghị định 56).

Theo đó, Nghị định 56 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan về nguồn hình thành Quỹ; nguyên tắc phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ; trách nhiệm của một số cơ quan chức năng; cụ thể như sau:

Về nguồn hình thành quỹ: Nghị định 56 quy định phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: Phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô, máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự (gọi chung là ô tô); phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự (gọi chung là mô tô) sau khi đã trừ đi phần nộp vào ngân sách địa phương để UBND cấp xã đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Về nguyên tắc phân chia nguồn thu phí:

Trước đây, Nghị định 18/2012/NĐ-CP quy định nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu được đối với mô tô tại địa phương nào bổ sung vào Quỹ của địa phương đó. Nay, Nghị định 56 quy định phí sử dụng đường bộ thu được đối với mô tô được nộp vào ngân sách địa phương để đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và bổ sung vào Quỹ địa phương.

Trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh và căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương trong từng thời kỳ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dành toàn bộ hoặc tỷ lệ phân chia nguồn phí thu được đối với mô tô giữa phần nộp vào ngân sách địa phương để cấp chi cho UBND cấp xã để đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và phần bổ sung Quỹ địa phương. Việc xác định tỷ lệ phân chia phải cân đối giữa nhu cầu đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và yêu cầu về quản lý bảo trì hệ thống đường địa phương; phù hợp với tính hình thu chi ngân sách địa phương và đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí đúng quy định, hiệu quả.

Bổ sung trách nhiệm cho Bộ Tài chính và UBND cấp tỉnh: Ngoài những nhiệm vụ đã được quy định tại Nghị định số 18/2012/NĐ-CP, Bộ Tài chính và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm:

- Đối với Bộ Tài chính: Quy định cụ thể kỳ kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ (theo tháng, quý, năm, kỳ đăng kiểm) đối với xe ô tô cho phù hợp với từng đối tượng nộp phí.

- Đối với UBND cấp tỉnh: Xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định dành toàn bộ hoặc tỷ lệ phân chia nguồn phí thu được đối với mô tô giữa phần chi cho UBND cấp xã để đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và phần bổ sung Quỹ địa phương; quy định việc quản lý, sử dụng phần phí để lại cho UBND cấp xã để đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Nghị định 56 bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2014./.

Vĩnh Can 


Tin mới:
Các tin khác: