Bộ Tư pháp quy định mới về bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý (TGPL)
 Thứ tư, 04 Tháng 6 2014 15:08 - 1459 Lượt xem
In

Nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tiến tới bình đẳng thực chất giữa nam và nữ trong TGPL, đồng thời thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam và nữ trong thực hiện quyền được TGPL; ngày 17/4/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 11/2014/TT-BTP quy định về bảo đảm bình đẳng giới trong TGPL.

Thông tư này bao gồm các mục tiêu, nguyên tắc và các quy định về bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức thực hiện TGPL, hoạt động TGPL; trách nhiệm bảo đảm bình đẳng giới trong TGPL của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

altBình đẳng giới trong tổ chức thực hiện TGPL: về cơ cấu tổ chức và đội ngũ người thực hiện TGPL, Thông tư quy định tổ chức thực hiện TGPL phân công đơn vị hoặc cán bộ làm đầu mối tham mưu thực hiện bảo đảm bình đẳng giới trong TGPL; thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng và đề xuất cơ quan có thẩm quyền các giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ người thực hiện TGPL của tổ chức mình, bảo đảm về cơ cấu giới tính giữa nam và nữ trong các chức danh lãnh đạo, quản lý (Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Ban chuyên môn, Chi nhánh), trong đội ngũ người thực hiện TGPL (Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên TGPL, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật) và người lao động khác. Việc xây dựng, phát triển đội ngũ cộng tác viên phải bảo đảm cơ cấu giới tính giữa nam và nữ theo địa bàn, lĩnh vực, hình thức TGPL, phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tiễn ở địa phương. Khuyến khích và tạo điều kiện để phụ nữ là người dân tộc thiểu số, người có kiến thức, kỹ năng về giới, bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình, về phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục tham gia làm cộng tác viên.

 Hàng năm, tổ chức thực hiện TGPL lồng ghép việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình, về phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho những người thực hiện TGPL. Đặc biệt, phải bảo đảm sự tham gia bình đẳng của nam và nữ trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ TGPL; ưu tiên cử người thực hiện TGPL tham gia bồi dưỡng, tập huấn về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình, về phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục. Trong trường hợp nữ giới có điều kiện, tiêu chuẩn ngang bằng như nam giới mà tỉ lệ nữ đang thấp thì ưu tiên chọn nữ giới. Ngoài ra, tổ chức thực hiện TGPL tạo điều kiện về thời gian, bố trí công việc phù hợp để người thực hiện TGPL là phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi tham gia hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng TGPL.

Bình đẳng giới trong tổ chức hoạt động TGPL: Thông tư quy định rõ khi xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch TGPL hàng năm hoặc triển khai hoạt động TGPL, tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm xác định, phân tích vấn đề giới và đề ra các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong TGPL.

Tổ chức thực hiện TGPL phân công người thực hiện TGPL thực hiện vụ việc quy định tại Điều 12 Thông tư phù hợp với nhu cầu của người được TGPL và khả năng của tổ chức mình; công khai danh sách người thực hiện TGPL của tổ chức mình để người được TGPL thực hiện quyền lựa chọn, thay đổi người thực hiện TGPL. Danh sách người thực hiện TGPL phải thể hiện rõ giới tính, lĩnh vực chuyên môn và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn được giao. Người thực hiện TGPL là phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được bố trí thực hiện vụ việc TGPL phù hợp với khả năng và điều kiện của họ. Tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong quá trình thực hiện hoạt động TGPL.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định về kinh phí bảo đảm bình đẳng giới trong TGPL; trách nhiệm bảo đảm bình đẳng giới trong TGPL của cơ quan, tổ chức, người thực hiện TGPL.

Thông tư số 11/2014/TT-BTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014 và thay thế Thông tư số 07/2011/TT-BTP ngày 31/3/2011./.

Minh Tâm 


Tin mới:
Các tin khác: