Một số nguyên nhân và giải pháp để giải quyết các việc thi hành án dân sự tồn đọng |
Thứ ba, 25 Tháng 12 2012 07:53 - 2999 Lượt xem |
|
|
Luật Thi hành án dân sự (Luật THADS) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 đã góp phần tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong công tác thi hành án, đặc biệt là tạo cơ sở cho việc giải quyết án tồn đọng kéo dài trong nhiều năn qua. Tuy nhiên, không phải trong mọi tình huống, lúc nào công tác thi hành án dân sự cũng đạt được kết quả như mong muốn, mà không gặp phải những vướng mắc, khó khăn nhất định. Đó là chưa kể tâm lý e ngại của một số Chấp hành viên, không dám mạnh dạn áp dụng những quy định có tính mới mẻ, dẫn đến hoạt động THADS còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Trước tình hình đó, xin nêu ra một số nguyên nhân và giải pháp giải quyết dứt điểm án tồn động hiện nay: * Về nguyên nhân: 1. Nhưng nguyên nhân xuất phát từ cơ quan THADS: - Vẫn còn một bộ phận không nhỏ Chấp hành viên, cán bộ, công chức làm công tác THADS năng lực, trình độ còn hạn chế, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thi hành án; - Công tác rà soát, phân loại án, báo cáo thống kê THADS, lập kế hoạch tổ chức thi hành án và giám sát việc tổ chức thi hành án chưa được tiến hành thường xuyên, nhiều trường hợp còn thiếu chính xác khiến cho việc tổ chức đôn đốc thi hành án chưa kịp thời; - Một số cơ quan THADS chưa thật sự chủ động, tích cực trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan nhằm thi hành dứt điểm bản án, quyết định của Tòa án cũng như tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo phối hợp nhằm phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác THADS; - Việc phân bổ nguồn lực về con người trong công tác THADS chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, như: một số huyện mỗi năm thụ lý không quá 10 việc nhưng số biên chế thì không dưới 5 người; trong khi đó có nhiều huyện lượng án thụ lý mỗi năm cả 1000 việc nhưng cũng chỉ có từ 10 đến 12 biên chế. 2. Những nguyên nhân xuất phát từ cá nhân và cơ quan, tổ chức có liên quan đến THADS: - Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa tốt, nhiều trường hợp người phải thi hành án chây ỳ, chống đối, cản trở việc thi hành án. - Những bản án, quyết định Tòa án tuyên không rõ, có sai sót, không có tính khả thi, cơ quan Thi hành án đề nghị giải thích, đính chính hay xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhưng chậm được đáp ứng dẫn tới bản án, quyết định bị chậm thi hành hoặc không thể thi hành được. - Những vụ việc thi hành án còn có ý kiến khác nhau giữa các ngành, chính quyền địa phương chưa kịp thời được giải quyết. - Nhiều việc bên phải thi hành án là các cơ quan Nhà nước không tự nguyện thi hành trong khi chưa có cơ chế hữu hiệu buộc các đơn vị này phải thi hành. - Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi THADS còn chậm, nhiều quy định của Luật THADS và các luật khác liên quan không còn phù hợp thực tiễn chưa được nghiên cứu, sửa đổi hoặc bổ sung kịp thời làm cản trở việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án dẫn tới việc gia tăng án tồn đọng. 3. Những nguyên nhân khác: - Một số quy định của pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong công tác thi hành án: + Thời điểm phát sinh hiệu lực các văn bản giao dịch của Luật Đất đai và Luật Nhà ở khác nhau dẫn đến việc kê biên, xử lý tài sản gắn liền trên đất gặp nhiều phức tạp, không thể giải quyết dứt điểm được dẫn đến khiếu nại khéo dài, hậu quả là án phải tồn đọng. + Bất cập giữa Luật THADS và Luật phá sản về quy định cưỡng chế để thi hành các quyết định về phá sản. + Luật THADS quy định về nghĩa vụ chứng minh điều kiện thi hành án của người được thi hành án. Đây là quy định gây khó khăn cho người được thi hành án trong việc tự mình tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Bởi lẽ: Việc xác minh điều kiện thi hành án phải có xác nhận của Tổ trưởng tổ dân phố (hoặc Thôn trưởng), UBND cấp xã hoặc cá nhân, tổ chức nắm giữ những thông tin về tài sản của người phải thi hành án. Nếu thiếu một trong các thành viên có trách nhiệm này xác nhận thì biên bản xác minh điều kiện thi hành án không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên trên thực tế, Tổ trưởng tổ dân phố, hoặc cá nhân, tổ chức tuy nắm rõ điều kiện của người phải thi hành án, nhưng hầu hết họ sợ trách nhiệm và ngại va chạm nên không giám cung cấp. Mặt khác, do tính chất giữ bí mật thông tin của một số ngành, nghề nên các cơ quan nầy không cung cấp cho một cá nhân về tài sản của đối tượng mà họ đang quản lý, theo dõi. Trong khi đó, hiện nay Nhà nước chưa có cơ chế buộc các tổ chức, cá nhân nắm giữ thông tin về tài sản của người phài thi hành án có nghĩa vụ cung cấp khi có yêu cầu, nên việc người được hành án gặp không ít khó khăn khi tự mình tiến hành việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. - Luật Thi hành án dân sự quy định về giảm giá tài sản đã kê biên (mỗi lần giảm giá không quá 10%) cho đến khi giá tài sản đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế. Với quy định này thì thời gian xử lý vụ việc chắc chắn sẽ kéo dài (như tài sản kê biên ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… có giá trị lớn nhưng khó bán); nhất là sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người có tài sản thuộc sở hữu chung, bởi: người phải thi hành án có thể chỉ có vợ hoặc chồng có nghĩa vụ thực hiện việc thi hành án. 4. Một số nguyên nhân xuất phát từ tính đặc thù của hoạt động THADS. Người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án do không có tài sản để thực hiện nghĩa vụ về tài sản hoặc không có khả năng để thực hiện các nghĩa vụ về hành vi. Các việc tồn đọng này thường có những nguyên nhân sau: Một là, người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập hợp pháp để thi hành án hoặc không xác định được nơi cư trú của họ, đặc biệt là trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, không có tài sản. Hai là, người phải thi hành án có tài sản nhưng giá trị không đáng kể để thi hành án. Ba là, người phải thi hành án có tài sản để kê biên nhưng không bán được, mà người được thi hành án thì không đồng ý nhận để khấu trừ, trong khi người đó không có tài sản nào khác. Bốn là, người phải thi hành nghĩa vụ giao vật đặc định mà vật đó đã mất, hư hỏng mà hai bên không thỏa thuận được về phương thức thanh toán, cơ quan thi hành án đã hướng dẫn các đương sự khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết việc bồi thường nhưng chưa có quyết định giải quyết của Tòa án. * Một số giải pháp - Các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, đặc biệt là quy định về việc bán đấu giá tài sản theo hướng sau khi giảm giá một số lần mà không có người mua thì giao tài sản kê biên cho người được thi hành án để trừ vào số tiền được thi hành án; nếu người được thi hành án không nhận thì tài sản được trả lại cho người phải thi hành án. - Để thi hành phần nghĩa vụ dân sự của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, cần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa các trại giam và cơ quan thi hành án để tạo điều kiện thuận lợi về mặt thời gian cho người phải thi hành án đủ điều kiện xem xét ra tù trước thời hạn, góp phần giảm án tồn đọng. - Cơ quan có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm phải kịp thờì có ý kiến chấp nhận hay không chấp nhận kháng nghị khi có yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan thi hành án để có cơ sở tiếp tục tổ chức thi hành án. - Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các luật liên quan đến công tác thi hành án, như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Thi hành án hình sự... nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, tăng cường hiệu quả công tác THADS. - Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành tạo sự đồng thuận, nhất trí trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực THADS. Thường xuyên trao đổi thông tin; tổ chức các hoạt động phối hợp trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ giữa ngành THADS với các ngành Toà án, Kiểm sát, Công an, Tư pháp, Tài chính... để hoàn thiện thể chế và giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến công tác THADS./. Pham Văn Thành Cục THADS tỉnh Tin mới:
Các tin khác:
|