Góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự năm 2005: Vấn đề giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
 Thứ ba, 30 Tháng 10 2012 10:54 - 2467 Lượt xem
In

Điều 134 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định của pháp luật về hình thức. Trong thực tế hiện nay, đang còn diễn ra khá nhiều trường hợp hai bên lập văn tự mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất, không qua thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật. Khi xảy ra tranh chấp, Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên đương sự thực hiện quy định về hình thức của giao dịch theo quy định của pháp luật trong một thời hạn nhất định, quá thời hạn mà các bên đương sự không thực hiện thì giao dịch đó vô hiệu. Hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường (Điều 134, 137 BLDS).

Có nhiều lý do, trong đó có lý do người dân không nắm vững pháp luật cho nên việc mua bán, chuyển nhượng tài sản là nhà ở, đất đai chỉ đơn thuần bằng giấy viết tay, bên mua trả tiền cho bên bán; bên bán giao giấy tờ và tài sản cho bên mua là coi như xong việc giao dịch. Đến khi người mua tài sản muốn mình đứng tên chủ sở hữu tài sản và yêu cầu người bán cùng ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng theo mẫu để thực hiện việc công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm, thì rắc rối xảy ra. Nhiều trường hợp người bán tài sản thay đổi ý định, không hợp tác với bên mua thực hiện giao dịch đúng quy định của pháp luật và xảy ra tranh chấp. Tòa án ra quyết định buộc các bên đương sự thực hiện hình thức giao dịch của hợp đồng trong thời hạn nhất định, nhưng người bán vẫn cố tình né tránh, không chịu hợp tác để hoàn thiện hợp đông giao dịch đúng pháp luật. Thông thường hết thời hạn quy định, Tòa án tuyên hợp đồng giao dịch viết tay là vô hiệu; các bên đương sự trả lại cho nhau những gì đã nhận và hai bên cùng có lỗi, mỗi bên chịu một nửa giá trị chênh lệch tài sản. Suy cho cùng, thiệt hại bao giờ cũng thuộc về người mua tài sản, mà theo quy định của pháp luật thì bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm.

Do đó, để tránh thiệt hại cho người mua tài sản trong những trường hợp tương tự nêu trên, theo chúng tôi, đoạn cuối khoản 2, Điều 137 BLDS cần bổ sung quy định như sau: “Bên không tiếp tục hợp tác thực hiện hình thức của hợp đồng quy định tại Điều 134 BLDS, dẫn đến hợp đồng vô hiệu thì phải bồi thường chênh lệch giá trị tài sản tăng thêm cho bên kia hoặc bị Tòa án phạt tiền theo tỷ lệ phần trăm của giá trị tài sản”. Có như vậy, khoản 2, Điều 137 BLDS mới có ý nghĩa thực tế và mới bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của người dân khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự.

Thân Phước Thành

 


Tin mới:
Các tin khác: