Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
 Thứ hai, 17 Tháng 9 2012 07:55 - 3659 Lượt xem
In

Ngày 09/4/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 409/QĐ-TTg về  Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Chương trình hành động theo Quyết định số 409/QĐ-TTg được triển khai thực hiện từ năm 2012 đến năm 2016; theo đó, một số đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật trong các giai đoạn, từ năm 2005 đến năm 2010 và từ năm 2008 đến năm 2012 sẽ được tiếp tục tổ chức thực hiện cho đến năm 2016 cùng với một số đề án mới được bổ sung.

Nếu triển khai thực hiện một cách đồng bộ và toàn diện tất cả các đề án theo Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, thì sẽ có các đề án và các cơ quan được giao chủ trì thực hiện, cụ thể như sau:

1. Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số”, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì; các cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Ban Dân tộc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và Hội LHPN tỉnh.

2. Đề án "Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước", do Sở Tư pháp chủ trì; các cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

3. Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường", do Sở GD&ĐT chủ trì; các cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Trường Chính trị tỉnh.

4. Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”, do Sở LĐ-TB&XH chủ trì; các cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Liên đoàn lao động tỉnh và Sở Công thương mại.

5. Đề án “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012 - 2016”, do Thanh tra tỉnh chủ trì; các cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Thông tin - Truyền thông, Uỷ ban MTTQ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

6. Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2016”, do Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng chủ trì; các cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính.

7. Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012 – 2016”; do Sở Tư pháp chủ trì; các cơ quan phối hợp: Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh.

8. Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh giai đoạn 2012 - 2016”; do Đài Phát thanh - Truyền hình chủ trì; các cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông.

9. Đề án “Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2012 - 2016”; do Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì; các cơ quan phối  hợp: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nông tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Hội LHPN tỉnh và Hội Cựu Chiến tỉnh.

10. Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012 - 2016”, do Hội Luật gia tỉnh chủ trì; các cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp và Sở Tài chính.

Ngoài 10 đề án nói trên, có có hai đề án khác cũng đang được Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện, đó là:

11. Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 – 2015” ban hành kèm theo Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 26/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ, do Sở Tư pháp chủ trì; các cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Sở Tài chính, Công an tỉnh và một số ngành khác có trách nhiệm liên quan.

12. Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016” ban hành kèm theo Quyết định số 4061/QĐ-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, do Sở Tư pháp chủ trì; các cơ quan phối hợp: Thanh tra tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và một số ngành khác có trách nhiệm liên quan.

* * *

Nhìn vào 12 đề án trên đây chúng ta có thể thấy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay được quan tâm đề cập đến mọi tầng lớp nhân dân ở mọi vùng miền, kể cả cán bộ, công chức, viên chức và các nhóm đối tượng đặc thù; huy động được nhiều lực lượng tham gia từ các cơ quan nhà nước đến các đoàn thể, tổ chức xã hội, kể cả việc xã hội hóa đối với công tác này; nhiều kênh tuyên truyền khác nhau được phát huy, bên cạnh các kênh truyền thống là các kênh có ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại có tính phổ quát cao.

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng về tổ chức, con người và nguồn lực tài chính của tỉnh ta hiện nay để đối chiếu với bức tranh phổ biến, giáo dục pháp luật với “12 đề án” nói trên, chúng ta có thể thấy rõ nhiều điều bất cập sẽ xảy ra trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện trước mắt cũng như trong 4 năm còn lại của lộ trình.

Trước hết, xin nói về Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh (Hội đồng phối hợp) - Sở Tư pháp. Trong số 12 đề án được nêu trên đây, có 4 đề án được giao cho Sở Tư pháp chủ trì và Sở Tư pháp cũng đồng thời là cơ quan phối hợp thường xuyên của 8 đề án còn lại. Khối lượng công việc dành cho mỗi đề án là khá lớn, nếu lấy số lượng nhân lực tối thiểu để giao việc thì mỗi đề án phải có một chuyên viên phụ trách, đồng thời chuyên viên này còn phải tham gia phối hợp với 2 đề án khác với tư cách trách nhiệm của Cơ quan thường trực. Với khối lượng công việc mới được giao như vậy sẽ tạo ra áp lực lớn về nhân lực thực hiện, trong khi hiện nay Sở Tư pháp đang gặp khó khăn về mặt nhân lực; chỉ tiêu biên chế của Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật mới ba người, nhưng thực tế chỉ có hai.

Thứ hai, nhìn sang một số cơ quan khác được giao nhiệm vụ chủ trì đề án phổ biến, giáo dục pháp luật, chúng ta cũng có thể thấy tình trạng bất cập tương tự. Hầu hết các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh được giao chủ trì đề án, cũng đều trong tình trạng không đủ biên chế để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, còn đâu để phân công cán bộ chuyên trách thực hiện đề án phổ biến pháp luật. Thực tế qua việc triển khai thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 cho thấy, trong 4 đề án trọng tâm của Chương trình chỉ có 2 đề án được cơ quan chủ trì thực hiện tương đối toàn diện; 01 đề án chỉ triển khai trong phạm vi hẹp vào giai đoạn cuối; 01 đề án khác không triển khai thực hiện được vì không có nhân lực. Đó là về mặt nhân lực, còn về mặt tổ chức triển khai thực hiện nội dung các đề án, do hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật không phải là công việc chuyên môn của các sở, ngành, đoàn thể (ngoài Sở Tư pháp) nên các các cơ quan này cũng chỉ có thể tổ chức phổ biến pháp luật bằng một số hình thức thông thường (chủ yếu là tuyên truyền trực tiếp, cấp phát tờ rơi, hợp đồng phát thanh, đăng báo), khó đánh giá về mặt hiệu quả.

Thứ ba, nếu các đề án nói trên được thực hiện theo hướng mỗi cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện riêng, thì sẽ có ít nhất là 9 Ban chỉ đạo thực hiện các đề án phổ biến pháp luật được hình thành cùng lúc và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách Hội đồng phối hợp sẽ được đề nghị làm Trưởng ban cho cả 9 Ban đó. Đây là phương án khó chấp nhận về mặt tổ chức cũng như tính khả thi và tính hiệu quả của nó trên thực tế. Bởi nếu làm như vậy sẽ dẫn đến sự phân tán về công tác quản lý, khó theo dõi, chỉ đạo, điều hành; phân tán về nguồn lực con người, nhất là khi chúng ta đang ở trong tình trạng thiếu hụt nhân lực như hiện nay; phân tán về nguồn lực tài chính, do đầu tư manh mún dàn trải sẽ không bảo đảm được chất lượng, hiệu quả. Mặt khác, chủ trương của chúng ta là hướng mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở, nhưng ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) thì không đủ (hoặc không có) kinh phí để phổ biến pháp luật cho người dân, trong khi nhiều cơ quan chủ trì đề án ở cấp tỉnh được giao kinh phí hàng trăm triệu đồng/năm nhưng không có khả năng vươn rộng xuống các địa bàn cơ sở, cho nên phải chọn cách “làm điểm” tại một số địa bàn nhất định, mà chất lượng thì không hơn cơ sở tự làm là mấy. Đó là chưa nói đến việc nhiều đề án cùng triển khai mà không có sự phối hợp điều hòa tốt thì khả năng “chồng lấn” địa bàn thực hiện, trùng lắp về nội dung tuyên truyền có thể xảy ra làm cho chính quyền cấp huyện và cơ sở gặp khó khăn khi phải phối hợp với quá nhiều cơ quan thực hiện đề án ở cấp tỉnh.

Thứ tư, cấp huyện là cấp trung gian giữa tỉnh và cơ sở, có vai trò rất quan trọng trong việc tiếp nhận chủ trương, kế hoạch của cấp trên để triển khai chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ cấp xã thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện các đề án ở cấp này từ năm 2005 đến nay, do phần lớn các địa phương không bảo đảm kinh phí thực hiện, nên trên thực tế mang tính chất danh nghĩa là chính. Việc thực hiện điểm ở một số địa bàn cơ sở do một số đơn vị cấp tỉnh tiến hành, sau khi kết thúc đề án không nhân rộng được, vì lý do những bài học kinh nghiệm được rút ra qua thực hiện điểm không có gì mới, trong khi cấp cơ sở không đảm bảo được kinh phí thực hiện như cách “làm điểm”.

Tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của chúng ta hiện nay, mặc dù là khâu trọng tâm, nhưng đồng thời cũng là khâu có nhiều bất cập. Thực tế là cả hệ thống chính trị đang thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; mỗi cơ quan, mỗi cấp, mỗi ngành tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình mà thực hiện ở những mức độ khác nhau, nhưng chưa có một cơ quan nào hoạt động có tính chất chuyên nghiệp thực sự về công tác này. Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhưng với số lượng biên chế được giao và cơ cấu tổ chức như hiện nay thì không thể coi là chuyên nghiệp được. Do chưa có tổ chức mang tính chuyên nghiệp để thực hiện vai trò nòng cốt, trung tâm nên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên thực tế là “mạnh ai nấy làm”, Sở Tư pháp chưa theo dõi, quản lý hết được. Cũng từ thực tế này, dẫn đến hoạt động của Hội đồng phối hợp trong thời gian quan chưa thực sự phát huy hiệu quả. Phải chăng đây chính là nguyên nhân cơ bản nhất làm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua, mặc dù chúng ta đầu tư nhiều nguồn lực nhưng khó theo dõi đánh giá chất lượng, hiệu quả.

Từ những phân tích trên đây, để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở tỉnh Quảng Nam trong thời gian đến đi vào nền nếp ổn định, đáp ứng được mục tiêu hướng mạnh công tác này về cơ sở, vừa đảm bảo tính mở rộng theo diện thường xuyên đối với những văn bản pháp luật mới có tính phổ quát cao, vừa đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm để đáp ứng kịp thời việc phổ biến giáo dục pháp luật tại các “điểm nóng” cũng như cho các nhóm đối tượng đặc thù; chúng ta cần phải có một giải pháp căn cơ hơn.

Chúng ta cần thấy rằng, thực tế hiện nay không cho phép thành lập ra một loạt Ban chỉ đạo để thực hiện các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật trong cùng một thời điểm. Bởi nó sẽ sinh ra nhiều hệ lụy, bất cập sau đó. Theo chúng tôi, tỉnh Quảng Nam chỉ nên thành lập một Ban chỉ đạo để tổ triển triển khai thực hiện tất cả các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật. Điều đó sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp và thống nhất cao trong chỉ đạo điều hành, tránh được sự chồng chéo “giẫm chân” nhau giữa các đề án, đồng thời tập trung được kinh phí về một đầu mối dễ quản lý, giám sát và do đó sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Vấn đề cần bàn là mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật (gọi tắt là Ban chỉ đạo), lần này nên hình thành như thế nào cho có hiệu quả.

Từ thực tiễn tham mưu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh từ năm 2005 đến nay, chúng tôi xin đề xuất như sau:

1. Về tên gọi đầy đủ của Ban Chỉ đạo: “Ban Chỉ đạo và thực hiện các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Nam - giai đoạn 2012 - 2016”. Với tên gọi như vậy, rõ ràng Ban Chỉ đạo này là một đơn vị tạm thời, có tính thí điểm. Trong cụm từ “Chỉ đạo và thực hiện” có chữ “và” là để nói rõ cả hai chức năng “Chỉ đạo” và “thực hiện” của Ban chỉ đạo này.

2. Về tổ chức: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật làm Trưởng Ban; một đồng chí Phó Giám đốc Sở Tư pháp tham mưu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật làm Phó Trưởng ban trực; đại diện lãnh đạo các sở, ngành được giao chủ trì đề án làm Phó Trưởng ban và mời các ngành phối hợp tham gia thành viên Ban chỉ đạo. Ban Chỉ đạo đề án làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, riêng đồng chí Phó Trưởng ban trực thực hiện nhiệm vụ theo chế độ chuyên trách (hoặc bán chuyên trách).

Ban Chỉ đạo thành lập Văn phòng thường trực để tham mưu công tác điều hành và tổ chức thực hiện công việc chung, gồm:

- Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp đồng thời là Văn phòng thường trực của Ban Chỉ đạo.

- Mỗi sở (ngành) được giao chủ trì đề án cần cử một công chức chuyên trách để tham mưu cho đơn vị triển khai đề án, đồng thời phối hợp làm việc với Văn phòng thường trực của Ban Chỉ đạo trong suốt thời gian thực hiện các đề án (từ 2013 đến 2016).

3. Về hoạt động:

- Tát cả các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật đều được tập trung tổ chức thực hiện mọt cách đồng bộ thông qua Ban Chỉ đạo;

- Ban Chỉ đạo có quy chế hoạt động cụ thể;

- Có tài khoản riêng và được bố trí kinh phí hoạt động theo nội dung kế hoạch cụ thể được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt từng năm, trên cơ sở kế hoạch tổng thể của cả giai đoạn từ 2013 đến 2016.

- Được bố trí các điều kiện cần thiết đảm bảo hoạt động;

- Cơ chế hoạt động: Bên cạnh việc tổ chức triển khai quán triệt các văn bản pháp luật mới cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, hoạt động của Ban Chỉ đạo thông qua Văn phòng thường trực chủ yếu hướng về các địa phương, cơ sở. Cụ thể là trực tiếp tổ chức các lớp tập huấn triển khai quán triệt văn bản pháp luật mới, tập huấn chuyên sâu tại các huyện hoặc cụm liên huyện cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên pháp luật cấp huyện. Như vậy, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố sẽ thực hiện nhiệm vụ phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo của tỉnh để tổ chức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương, đồng thời tăng cường hoạt động trực tiếp đưa pháp luật về cơ sở xã, phường, thị trấn.

- Bên cạnh các hoạt động có tính thường xuyên nói trên, Văn phòng ban Chỉ đạo còn thực hiện các hoạt động khác như: tổ chức tuyên truyền theo chuyên đề tại các “điểm nóng”, tuyên truyền cho các nhóm đối tượng đặc thù, tư vấn pháp luật lưu động...

- Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Nam để tổ chức các chuyên mục phổ biến pháp luật theo định kỳ tuần, tháng...

- Tiếp tục phát huy hiệu quả Website của Hội đồng phối hợp tỉnh để phổ biến pháp luật và tư vấn pháp luật cho người dân thông qua mạng thông tin điện tử; nghiên cứu phối hợp sử dụng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác một cách thiết thực, hiệu quả như: tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phát hành tờ gấp,...

Có thể nói mô hình hoạt động của “Ban Chỉ đạo và thực hiện các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Nam - giai đoạn 2012 - 2016” theo đề xuất trên đây, tương tự như một đơn vị sự nghiệp công lập, mang tính chất thí điểm tạm thời nhưng có nhiều tính khả thi cao và hiệu quả./.

Đặng Văn & Thái Nguyên


Tin mới:
Các tin khác: