Thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
 Thứ tư, 13 Tháng 6 2012 09:34 - 4500 Lượt xem
In

Như chúng ta biết, bất kỳ một lĩnh vực hoạt động nào trong xã hội, ở mức độ nhiều hay ít đều có sự quản lý của Nhà nước. Trong lĩnh vực hoạt động hành nghề Luật sư cũng như vậy, vấn đề quản lý nhà nước thể hiện qua chức năng định hướng, điều tiết và hỗ trợ phát triển đối với luật sư, không mang tính hành chính, không can thiệp vào hoạt động nghề nghiệp của luật sư.

Theo quy định của Luật Luật sư thì nội dung quản lý nhà nước được thể hiện ở các công việc như: Quyết định chiến lược, chính sách phát triển nghề luật sư, thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về luật sư, thực hiện đăng ký hoạt động hành nghề luật sư, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư…

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến một số vấn đề quản lý nhà nước đối với hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua.

Luật Luật sư được ban hành trong bối cảnh cải cách tư pháp đang được triển khai thực hiện, nhu cầu của xã hội về dịch vụ pháp lý trong nền kinh tế thị trường đã trở thành nhu cầu khách quan và ngày càng tăng cao. Do vậy, vấn đề được đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương là đảm bảo việc triển khai Luật đạt hiệu quả, góp phần phát triển đội ngũ luật sư và tổ chức hành nghề luật sư cả về lượng và chất; nâng cao vai trò, vị thế của luật sư trong sự nghiệp bảo vệ công lý, công bằng xã hội và pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Xuất phát từ mục đích trên, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam đã tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai phổ biến Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ và nhân dân; đồng thời chỉ đạo Đoàn Luật sư tổ chức quán triệt kỹ nội dung Luật Luật sư cho các thành viên Đoàn.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản để triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp đối với tổ chức và hoạt động của luật sư trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch số 4045/KH-UBND ngày 29/10/2009 triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức luật sư và hoạt động của luật sư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Quyết định số 3545/QĐ-UBND ngày 29/10/2010 ban hành Đề án phát triển đội ngũ luật sư tỉnh Quảng Nam đến năm 2020; Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh..v.v..; kịp thời phối hợp với Đoàn Luật sư trong việc định hướng, hướng dẫn, chỉ đạo Đoàn luật sư tổ chức thành công Đại hội Đoàn luật sư qua các nhiệm kỳ.

Nhờ làm tốt công tác quán triệt, triển khai Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong thời gian qua việc tuân thủ, thực hiện các quy định của Luật Luật sư trong đội ngũ luật sư ở Quảng Nam nghiêm túc. Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã có sự phối kết hợp chặt chẽ, tạo  điều kiện thuận lợi cho luật sư, tổ chức hành nghề luật sư hoạt động theo đúng quy định của pháp luật .

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 29 luật sư và 16 tổ chức hành nghề luật sư đang hoạt động, nhìn chung là có chất lượng (phần lớn luật sư có trình độ cử nhân luật chính quy, có chuyên môn, kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, nhất là trong hoạt động tranh tụng, tư vấn, trong đó có 02 thạc sỹ luật). Qua 5 năm thi hành Luật Luật sư, các tổ chức hành nghề và các luật sư đã đảm nhận và tham gia tố tụng 2.709 lượt vụ án các loại; tư vấn pháp luật trên 6.000 trường hợp; đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác 630 lượt vụ việc. Ngoài ra, Đoàn Luật sư đã tích cực phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đảm nhận, tham gia thực hiện tốt các loại vụ chỉ định, án trợ giúp pháp lý theo yêu cầu, với tổng cộng 547 lượt vụ án chỉ định và 422 lượt vụ án trợ giúp pháp lý góp phần thiết thực vào việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị tại địa phương thời gian qua.

Tuy nhiên, cũng phải thấy một thực tế là hiện nay đội ngũ luật sư của Quảng Nam còn yếu về ngoại ngữ, chưa chuyên sâu trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, đầu tư có yếu tố nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tư vấn và tham gia tranh tụng các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế.

Quan hệ giữa Đoàn Luật sư với cơ quan quản lý nhà nước từng bước được củng cố. UBND tỉnh và Sở Tư pháp có sự quan tâm hỗ trợ nhiều mặt từ nhân sự lãnh đạo Đoàn, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, điều kiện hoạt động cũng như những quan điểm, định hướng, giải pháp về hỗ trợ phát triển..v.v..

Tóm lại, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua đã thể hiện được tính chủ động và đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào việc phát triển hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh nói riêng và trong cả nước nói chung.

Để công tác quản lý hành nghề luật sư và hoạt động luật sư trong thời gian đến đạt hiệu quả cao hơn, xin nêu một số kiến nghị như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến luật sư và hoạt động hành nghề luật sư theo hướng tăng cường và đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động luật sư; phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động hành nghề của luật sư.

2. Để nâng cao số lượng, chất lượng luật sư thời gian tới cần tạo ra được sự đồng thuận trong nhận thức xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ luật sư và có những giải pháp cụ thể hóa chiến lược phát triển nghề luật sư; hoàn thiện môi trường pháp lý và chính sách phát triển nghề luật sư; tháo gỡ những rào cản, vướng mắc đang hạn chế quyền hành nghề hợp pháp của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng; nâng cao chất lượng đào tạo luật sư, chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề cho các luật sư, đặc biệt tập trung cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho các luật sư những kiến thức và kỹ năng hành nghề luật trong môi trường pháp lý quốc tế.

3. Liên đoàn luật sư Việt Nam tăng cường chỉ đạo, phối hợp với Đoàn luật sư và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc quán triệt và thực hiện nghiêm trên thực tế Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư cho đội ngũ luật sư; tiếp tục phối hợp với TAND tối cao, VKSND tối cao sớm nghiên cứu và xây dựng văn bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư khi tham gia hoạt động tố tụng.

4. Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và Đoàn Luật sư để tạo thuận lợi cho luật sư tham gia tố tụng.

5. Có cơ chế khen thưởng, đánh giá xếp hạng các tổ chức hành nghề luật sư để khuyến khích các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, giữ gìn uy tín, đạo đức nghề nghiệp và để đáp ứng yêu cầu phát triển, tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, đưa luật sư từng bước ngang tầm với luật sư của các nước trong khu vực và trên thế giới./.

                                                                                      Bùi Xuân Hiếu

 

Tin mới:
Các tin khác: