Bất cập khi áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định của Tổ thẩm phán theo Luật phá sản |
Thứ sáu, 18 Tháng 5 2012 09:20 - 2561 Lượt xem |
|
|
Thực tiễn cho thấy việc thi hành các quyết định
của Tòa án về phá sản hiện nay so với trước đây có sự thay đổi rất lớn. Nếu như
Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 quy định đối tượng áp dụng chỉ là các doanh
nghiệp, thì Luật Phá sản năm 2004 có phạm vi áp dụng rộng hơn, ngoài doanh
nghiệp còn có hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp
luật. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các
khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản. Luật Phá sản năm 2004 quy định, khi Tòa án ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp hoặc hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, thì Thẩm phán được giao tiến hành thủ tục phá sản vụ việc ra quyết định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản để làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tổ quản lý, thanh lý tài sản áp dụng các quy định của Luật Phá sản và pháp luật về thi hành án dân sự để thi hành. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều vụ việc phá sản tồn đọng, không giải quyết dứt điểm được do nhiều nguyên nhân khác nhau, như không thể xác định được địa chỉ, khả năng trả nợ của những người mắc nợ doanh nghiệp (vì những thông tin này do doanh nghiệp cung cấp trong danh sách chủ nợ và danh sách những người mắc nợ mà Toà án thụ lý rất chung chung hoặc thông tin không còn phù hợp đến thời điểm thụ lý); chưa có cơ chế giải quyết đối với những người mắc nợ không có điều kiện để trả nợ hoặc chưa có chế tài quy định về xử lý đối với những người mắc nợ cố tình không trả nợ… Những vướng mắc khó khắc phục này trong quá trình giải quyết của Tòa án cũng không thể nào giải quyết được khi Tòa án có quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp và chuyển sang giai đoạn thi hành án. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến những bất cập khi áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành các quyết định của Tổ thẩm phán theo Luật phá sản. * Từ những quy định của Luật Phá sản năm 2004: Điểm đ và k khoản 1 Điều 10 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ quản lý, thanh lý tài sản: đ) Thu hồi và quản lý tài sản, tài liệu, sổ kế toán và con dấu của doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý; k) Thi hành các quyết định khác của Thẩm phán trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản. Và khoản 2 Điều 10 nói trên cũng quy định: “Tổ quản lý, thanh lý tài sản thi hành các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm đ, e, g, h và k khoản 1 Điều này theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”. Điểm c, khoản 1, Điều 11 Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản là: “Tổ chức thi hành các quyết định của Thẩm phán”. Ngoài ra, tại điểm i, khoản 2, Điều 21 Nghị định số 67/2006/NĐ-CP hướng dẫn áp dụng Luật Phá sản, thì Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản có quyền: “Quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo các quy định pháp luật về thi hành án dân sự”. * Đến những quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008: Khoản 1, Điều 138 Luật Thi hành án dân sự, quy định: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định thi hành án đối với các quyết định của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản, kể cả quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trừ trường hợp quy định tại Điều 139 của Luật này. Chấp hành viên và Tổ quản lý, thanh lý tài sản căn cứ các quyết định của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản để tổ chức thi hành”. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008 như: Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp-Toà án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đều không hướng dẫn về trình tự, thủ tục cưỡng chế đối với vụ việc thi hành án phá sản. Như vậy, đối với các quyết định về phá sản, các Cơ quan thi hành án không ra quyết định thi hành án rồi phân công cho Chấp hành viên thực hiện quyết định như các loại bản án, quyết định dân sự khác, mà Chấp hành viên thi hành nhiệm vụ với tư cách là Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản sẽ chủ động căn cứ các quyết định của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản để tổ chức thi hành. Vấn đề vướng mắc không thể thực hiện việc ra quyết định cưỡng chế thi hành án được, đó là: - Nếu con nợ của Doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản không chịu trả nợ, thì Chấp hành viên không có cơ sở để ra quyết định cưỡng chế thi hành án, bởi vì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự theo quy định trên thì không được ra quyết định thi hành án đối với các quyết định của Thẩm phán (Khoản 1, Điều 138 Luật Thi hành án dân sự), còn Tổ trưởng Tổ Thẩm phán thì cũng không được ban hành quyết định nào ngoài quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản. - Đây là việc thi hành án phá sản, nếu Chấp hành viên ra Quyết định cưỡng chế thi hành án mà có khiếu nại của đương sự thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại này thuộc về ai: Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự hay Tổ trưởng Tổ Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản? Có ý kiến cho rằng thẩm quyền giải quyết khiếu nại trường hợp này thuộc về Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự. Lý do, đây là trình tự, thủ tục giải quyết việc thi hành án, mặt khác Chấp hành viên là người thi hành công vụ dưới quyền. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thẩm quyền giải quyết khiếu nại trường hợp trên thuộc về Tổ trưởng Tổ thẩm phán, vì đây là trường hợp thi hành theo thủ tục phá sản (do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định về thi hành án trong lĩnh vực này nên không có cơ sở để thụ lý giải quyết khiếu nại) . Thiết nghĩ những vướng mắc như trên giữa Luật phá sản và Luật Thi hành án dân sự cần được các cơ quan có thẩm quyền rà soát lại để tìm ra hướng sửa đổi nhằm đảm bảo việc áp dụng trên thực tế có hiệu quả hơn. Dưới đây, tôi xin có một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định khi mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã: - Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp ban hành văn bản hướng dẫn liên ngành cụ thể về trình tự, thủ tục cưỡng chế để thi hành các quyết định của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản và thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với các trường hợp này. - Để thuận lợi trong quá trình xử lý thu hồi các khoản nợ của doanh nghiệp khi có quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản, đề nghị bổ sung quy định về nghĩa vụ cung cấp chính xác thông tin về địa chỉ, khả năng trả nợ từ con nợ của chủ doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản. Cụ thể, khi lập danh sách những người mắc nợ, chủ nợ phải có biên bản xác minh địa chỉ, khả năng trả nợ của người mắc nợ trong thời hạn không quá 3 tháng kể từ khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản). Một vài suy nghĩ về những bất cập, vướng mắc khi thực hiện các quyết định về phá sản trong công tác thi hành án dân sự trên đây, rất mong sự chia xẻ của đồng nghiệp và bạn đọc./. Phạm Văn Thành Tin mới:
Các tin khác:
|