Những bất cập từ quy định của pháp luật trong thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật(VBQPPL) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
 Thứ năm, 26 Tháng 4 2012 22:18 - 2622 Lượt xem
In

Hoạt động rà soát, hệ thống hóa VBQPPL là nhằm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc loại bỏ các quy định, các VBQPPL trái với Hiến pháp và các  luật; văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo nhau hoặc không còn phù hợp nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tại Điều 10 Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 quy định VBQPPL của HĐND, UBND phải được thường xuyên rà soát và định kỳ hệ thống hóa. UBND có trách nhiệm tổ chức việc rà soát, hệ thống hóa các VBQPPL của mình và của HĐND cùng cấp. Cơ quan tư pháp thuộc UBND có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan giúp UBND cùng cấp rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của HĐND, UBND cấp mình để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành. Quy định này đã được hướng dẫn chi tiết Điều 12 Nghị định số 91/2006/NĐ–CP ngày 06/9/2006 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND  năm 2004. Có thể nói công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL đã có một cơ sở pháp lý cơ bản để các cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện. Tuy nhiên các văn bản này chỉ dành một điều duy nhất để quy định về hoạt động rà soát VBQPPL, và cũng mới chỉ quy định trách nhiệm chung thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL. Còn nhiều vấn đề đòi hỏi phải quy định rõ ràng, cụ thể, như: Khái niệm rà soát, hệ thống hóa, cũng như nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền nhiệm vụ và trách nhiệm, sự phối hợp thực hiện rà soát, hệ thống hóa; thẩm quyền công bố danh mục sau khi rà soát, hệ thống hóa, chế tài xử lý trách nhiệm nếu vi phạm trình tự, thủ tục, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện rà soát, hệ thống hóa... Chính bản thân thể chế về công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL chưa hoàn thiện nên trong thời gian qua công tác này đã gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức thực hiện. Cụ thể như hoạt này chưa được tiến hành thường xuyên, hoạt động rà soát chủ yếu thực hiện tại cấp tỉnh và cấp huyện, còn cấp xã hầu như không thực hiện; quy trình thực hiện chưa thống nhất, kết quả thực hiện mới chỉ dừng lại ở việc tập hợp văn bản, chưa đáp ứng được yêu cầu, mục đích đề ra. Nhiều cơ quan, ban, ngành cho rằng công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL thuộc trách nhiệm của cơ quan tư pháp cho nên khi tổ chức thực hiện thiếu sự phối hợp từ các cơ quan này; thậm chí khi có kết quả rà soát, giữa HĐND và UBND có sự đùn đẩy trách nhiệm trong việc công bố các danh mục văn bản còn hiệu lực, hết hiệu lực, danh mục văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế. Kinh phí phục vụ cho công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL ở cấp tỉnh, cấp huyện được bố trí nhưng rất hạn chế, hầu như ở cấp xã chưa được bố trí.

Để công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, trong thời gian đến được thực hiện có hiệu quả, thiết nghĩ cần có một số giải pháp nhằm tăng cường công tác này:

Thứ nhất, Về thể chế ban hành VBQPPL, nên thống nhất vào một Luật Ban hành VBQPPL chung, không phân biệt cấp trung ương và địa phương như hiện nay, trong đó bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã.

Thứ hai, Để đảm bảo cho hoạt động rà soát, hệ thống hóa được tiến hành thống nhất trong phạm vi cả nước thì Chính phủ cần ban hành Nghị định về công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL. Trong đó cần quy định các nội dung như: đối tượng, phạm vi điều chỉnh, các nguyên tắc, thẩm quyền và trình tự, thủ tục về rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và sau khi có Nghị định của Chính phủ, Bộ Tư pháp cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục rà soát, hệ thống hóa, xử lý kết quả rà soát VBQPPL.

Thứ ba,  Bộ Tư pháp cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản kết nối với hệ cơ sở dữ liệu văn bản của địa phương và triển khai nối với tất cả các huyện, thành phố để thuận lợi trong việc tra cứu nguồn văn bản phục vụ cho công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL

Thứ tư, UBND tỉnh cần bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách tại các sở, ban, ngành để thực hiện rà soát thường xuyên các văn bản có liên quan đến ngành, lĩnh vực mình ban hành; bổ sung biên chế cho phòng Tư pháp cấp huyện; đảm bảo kinh phí và các điều kiện khác cho công tác rà soát, nhất là cấp huyện; giao cho Sở Tư pháp hàng năm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, nhất là trong xử lý kết quả rà soát. Chỉ đạo các sở, ngành cần quán triệt nguyên tắc thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hóa nhằm đảm bảo cho hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh luôn luôn được “làm sạch”, hạn chế đến mức thấp nhất những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các VBQPPL, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được dễ dàng trong việc tra cứu, tìm kiếm văn bản khi cần./.      

                                                                                          Kim Cúc

                                                                                               Phòng Kiểm tra VBQPPL

 


Tin mới:
Các tin khác: