Chuyện cần trao đổi về cái “Phiếu chuyển” và “Sổ theo dõi sinh hoạt gia đình” |
Thứ hai, 23 Tháng 4 2012 13:30 - 2091 Lượt xem |
|
|
Một buổi sáng đẹp trời của tháng 3, tôi được phân công làm một “nhiệm
vụ” là đi sao bản giấy khai sinh từ sổ gốc cho con tôi để bổ sung hồ sơ thi đại
học. Phường mà tôi đến xin cấp bản sao
là một phường trung tâm của thành phố nơi mà tôi đăng ký khai sinh cho con tôi
lần đầu vào năm 1994. Biết tôi đã từng là cán bộ làm công tác tư pháp nhiều năm
ở địa phương nên cán bộ tư pháp hộ tịch ở đây tiếp đón chu đáo, nhiệt tình. Sau
khi nghe tôi trình bày sự việc, cán bộ tư pháp đã đối chiếu sổ gốc thì có ngay
nên chỉ cần sao theo nội dung đã đăng ký. Nhưng khổ nổi là lúc đó cả thành phố
mất điện nên tôi phải ngồi chờ. Trong lúc đang ngồi đợi, tôi cũng đã tranh thủ
trao đổi được rất nhiều việc trong ngành, nhưng nổi lên đó là bộ phận tư pháp
cấp xã hiện nay quá nhiều việc, có lúc dẫn đến quá tải đối với các việc chứng
thực, hay sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Ở cơ sở hiện nay đang có quá nhiều câu lạc bộ,
nào là câu lạc bộ pháp luật, câu lạc bộ phòng chống tội phạm… chỉ có vỏn vẹn
mấy người mà câu lạc bộ nào cũng có chân, nên xem ra có phần hình thức. Mặt
khác, kinh phí của các chương trình mục tiêu dành cho câu lạc bộ hiện nay không
có, nên không thể duy trì được…. Đang trao đổi khá sôi nổi thì điện có trở lại nên công việc chính lại bắt đầu. Cũng vừa lúc đó, có một đôi uyên ương đến xin đăng ký kết hôn với một tâm trạng vui vẻ, tràn đầy hạnh phúc. Tôi cũng thấy vui lây, nên đề xuất với anh cán bộ tư pháp - hộ tịch nên cho họ đăng ký trước và được cán bộ tư pháp - hộ tịch chấp nhận. Đôi uyên ương đã xuất trình các loại giấy tờ tuỳ thân như sổ hộ khẩu, đơn xin đăng ký kết hôn, tôi còn thấy họ xuất trình một “phiếu chuyển”. Tôi muốn tò mò xem thực hư thế nào thì được cán bộ tư pháp hộ tịch giải thích luôn là do việc hoàn thành kế hoạch nhà nước ở cơ sở là rất khó khăn, nhất là các khoản thu pháp lệnh. Do vậy, phường mới có chủ trương công dân đến yêu cầu giải quyết các loại việc như đăng ký khai sinh, kết hôn, chứng thực các loại giấy tờ đều phải có “phiếu chuyển” của các khối phố, trong đó có nội dung xác nhận công dân đó thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thì phường mới giải quyết. Anh cán bộ tư pháp - hộ tịch còn lý giải cho việc làm của phường mình là “hợp lý”. Phường TT của thành phố thì không làm phiếu chuyển, nhưng thay vào đó là một Sổ theo dõi sinh hoạt gia đình, trong đó qui định rõ việc đóng các loại nghĩa vụ và mỗi khi công dân đến liên hệ với phường để làm các thủ tục hành chính đều phải mang theo Sổ này và phường sẽ xem có xác nhận của Ban nhân dân khối phố hay không mới giải quyết quyền yêu cầu của công dân. Khi đôi uyên ương nói trên được đăng ký kết hôn xong là đến lượt tôi ngay. Nói thực tình là anh cán bộ tư pháp - hộ tịch ở đây làm việc khá tích cực, chu đáo, không có cái gì để tôi phải phàn nàn, mặc dù tôi không hề có “Phiếu chuyển” kèm theo. Tuy nhiên, trên đường về tôi vẫn phân vân mãi cái “Phiếu chuyển” mà đối uyên ương kia và bao nhiêu người dân khác đã phải xuất trình mỗi khi đến phường yêu cầu giải quyết công việc gì đó. Tôi nghĩ là địa phương vận dụng pháp luật có sự nhầm lẫn khái niệm “quyền của công dân gắn liền với nghĩa vụ của công dân”. Đã nói đến pháp luật, là quy định pháp luật nào thì áp dụng cho quan hệ pháp luật đó, chứ không thể đem quan hệ pháp luật này làm điều kiện cho quan hệ pháp luật khác và pháp luật của nhà nước ta hiện nay lại không qui định công dân thực hiện nghĩa vụ xong rồi mới đòi hỏi quyền lợi. Chính quyền phải có trách nhiệm đáp ứng mọi yêu cầu chính đáng, đúng pháp luật của công dân; còn nghĩa vụ thì công dân phải có trách nhiệm thực hiện, nếu không nhà nước sẽ có những chế tài tương ứng để buộc phải thực hiện. Đây là một trong những chức năng cơ bản của nhà nước nhằm đảm bảo mọi công dân phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, kể cả việc áp dụng biện pháp cưỡng chế. Nếu xét góc độ thực tế về công tác quản lý nhà nước ở cơ sở hiện nay và mục đích công việc thì việc một số xã, phường sử dụng hình thức “Phiếu chuyển” hoặc “Sổ theo dõi sinh hoạt gia đình” như trên là có thể hiểu được và xem ra phương pháp này còn “có hiệu quả” nhất định trong việc chống thất thu ngân sách địa phương. Nhưng nếu xét ở góc độ pháp lý thì có vẻ không ổn. Hiện nay, Nhà nước ta đang tăng cường thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính, theo hướng giảm bớt những thủ tục không cần thiết, có thể gây phiền hà cho công dân. Trong xu hướng như vậy mà một số xã, phường lại tự tiện “thêm” cái thủ tục “Phiếu chuyển” hoặc “Sổ theo dõi sinh hoạt gia đình” để bắt buộc người dân phải thực hiện, trong khi pháp luật không cho phép, là điều mà cấp chính quyền cơ sở cần phải xem xét lại. Theo chúng tôi, vấn đề người dân chậm thực hiện các khoản nghĩa vụ pháp định đối với Nhà nước, chúng ta nên tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục kết hợp với việc đưa ra công khai bình xét về tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa hằng năm ở địa phương thì tốt hơn./. Lê Hằng Vân
Tin mới:
Các tin khác:
|