Vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong công tác hòa giải ở cơ sở và tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật
 Thứ tư, 23 Tháng 10 2019 08:06 - 1683 Lượt xem
In

Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 32-CT/TW ngày 09/12/2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp huyện tổ chức triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật và tham gia công tác hoà giải ở cơ sở từng bước tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp Nhân dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của công dân; kịp thời giải quyết các tranh chấp, các mâu thuẫn, bằng biện pháp hoà giải.
Trong 15 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì và phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức 9.763 hội nghị cho trên 933 ngàn lượt người tham dự nhằm tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản luật; 1.831 buổi/lớp tuyên truyền/tập huấn nghiệp vụ về Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các cán bộ, Nhân dân và hòa giải viên. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ 16 lớp tập huấn tuyên truyền và vận động chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT trong đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; 11 lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng hòa giải, kỹ năng tuyên truyền và vận động Nhân dân chấp hành pháp luật cho 1.010 thành viên "Nhóm nòng cốt", Tổ hòa giải ở cơ sở; phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức được 04 lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ; 18 buổi bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; in và cấp phát 37.200 tờ gấp về hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương tích cực hưởng ứng cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp năm 2013; phối hợp với UBND huyện Phú Ninh tổ chức hội thi "Hoà giải viên cơ sở giỏi" năm 2015 trên địa bàn huyện... Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện và cấp xã đã tổ chức 1.778 buổi bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hơn 146.546 lượt hòa giải viên tham dự; phát hành 17.770 tin, bài; hơn 5.566 chuyên mục, chương trình về hòa giải ở cơ sở được phát sóng; tổ chức tổ chức được 125 cuộc thi tìm hiểu pháp luật; 76 hội thi hòa giải cơ sở giỏi; tổ chức biên soạn, phát hành 51.591 tài liệu về nghiệp vụ công tác hoà giải ở cơ sở như sách pháp luật, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay hoà giải viên... Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đổi mới và nâng cao chất lượng chuyên mục truyền hình "Đại Đoàn kết"; biên tập và đăng tin, bài trên website Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đảng bộ tỉnh; bản tin Tuyên giáo, Báo Quảng Nam với nhiều nội dung tuyên truyền, phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật và hòa giải ở cơ sở.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai mô hình về tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật với 511 mô hình về bảo vệ an ninh Tổ quốc; 309 mô hình vận động toàn dân tham gia bảo đảm an toàn giao thông, 514 mô hình bảo vệ môi trường; 39 mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm; 255 mô hình về xử lý chất thải; triển khai 514 điểm khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường; tổ chức hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 với 200 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tham dự; tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh với khoảng hơn 500 tín đồ các tôn giáo tham dự.
Hằng năm, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã tiến hành củng cố, kiện toàn Tổ hoà giải đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu, tổ chức và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Hiện nay, sau khi kiện toàn, sắp xếp lại các tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở, trên địa bàn tỉnh có 1238 tổ hòa giải và 6922 hòa giải viên. Mạng lưới Tổ hòa giải đã được thành lập rộng khắp trên địa bàn tỉnh và không ngừng phát triển về đội ngũ hòa giải viên. Qua 05 năm triển khai Luật hòa giải ở cơ sở, các tổ hoà giải trên toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 13.150 vụ việc, trong đó số vụ hoà giải thành là 11.087 vụ, chiếm tỷ lệ 84,3%.
Thông qua tổ chức và hoạt động giám sát của 244 Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn và 949 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã trực tiếp tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với Nhân dân ở khu dân cư. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh trong từng gia đình và mỗi cộng đồng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ngoài ra, Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã chủ động phối hợp với UBND cùng cấp hướng dẫn, chỉ đạo khu dân cư đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố. Trong đó đề ra các biện pháp duy trì, bảo vệ trật tự an toàn xã hội; phát hiện kịp thời và đấu tranh với mọi hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, giải quyết những mâu thuẫn, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật, giảm thiểu những tác động tiêu cực phát sinh, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa trong các khu dân cư. Toàn tỉnh có 1.120/1.240 thôn, tổ dân phố có hương ước, quy ước được lồng ghép nội dung hòa giải ở cơ sở.
Trong 05 năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì tổ chức giám sát thực hiện pháp luật về hoà giải ở cơ sở và 18 cuộc giám sát về thực hiện các chính sách pháp luật tại 22 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, 18 huyện, thị xã, thành phố và 244 xã, phường, thị trấn. Sau giám sát đã đề xuất, kiến nghị với tỉnh các giải pháp để khắc phục những hạn chế, thực hiện tốt hơn công tác hoà giải ở cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật và tham gia hoà giải ở cơ sở của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp vẫn còn một số khó khăn, hạn chế đó là: (1) Nội dung tuyên truyền, phổ biến chưa sâu rộng, nhất là các nội dung cần tập trung chưa đến được với nhiều đối tượng cần phổ biến, tuyên truyền. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa phong phú, đa dạng, chưa có sự đổi mới do đó chưa thu hút được sự quan tâm của Nhân dân. (2) Công tác chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở ở một số nơi còn chưa kịp thời, hình thức triển khai chưa cụ thể; công tác phối hợp giữa UBND với Ủy ban MTTQ trong việc hướng dẫn, chỉ đạo củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải ở cơ sở còn hạn chế. (3) Kỹ năng hoà giải và kiến thức pháp luật của một số hoà giải viên còn hạn chế dẫn đến có địa phương tỷ lệ hòa giải thành chưa cao; kinh phí chi cho công tác hòa giải còn chưa thực hiện đầy đủ; chế độ đãi ngộ cho các hoà giải viên chưa thoả đáng với công sức, trách nhiệm và sự nhiệt tình nên chưa động viên được các hoà giải viên tích cực hoạt động...
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật và tham gia hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục phối hợp thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, phải xác định rõ công tác tuyên truyền, "phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị-tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng". Do đó, sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp và sâu sát của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính quyền các cấp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân ở cơ sở. Trong đó, nội dung công tác dân vận của các cấp ủy Đảng cần đổi mới theo hướng lồng ghép việc tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng với nội dung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.
Hai là, thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên đảm bảo về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng và kinh nghiệm hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên; biên soạn các văn bản pháp luật thành tài liệu cụ thể, hướng dẫn ngắn gọn, đầy đủ thông tin, kiến thức, cách làm. Phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý ở cơ sở... để góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật cho Nhân dân.
Ba là, tiếp tục phối hợp thực hiện tốt hoạt động hòa giải ở cơ sở lồng ghép vào xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của khu dân cư; gắn việc thực hiện công tác hòa giải với các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; động viên người trình độ, am hiểu pháp luật tham gia làm hòa giải viên, tham gia giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật ở khu dân cư bằng biện pháp hòa giải.
Bốn là, tiếp tục đổi mới, nội dung phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải "hướng về cơ sở" làm cho mọi người dân ở khu dân cư thường xuyên được phổ biến, tiếp cận với pháp luật. Tiếp tục phát huy hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các loại hình sinh hoạt văn hóa nhằm từng bước bài trừ, hạn chế những hủ tục và mê tín dị đoan không phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội. Hằng năm, nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày Pháp luật", trong hệ thống Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trên địa bàn toàn tỉnh./.

MTTQVN tỉnh


Tin mới:
Các tin khác: