Cùng nhìn lại những vướng mắc của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật qua hơn 01 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
 Thứ năm, 23 Tháng 11 2017 08:51 - 2787 Lượt xem
In

Sau khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (gọi tắt là Luật ban hành VBQPPL 2015) được Quốc hội thông qua; và nhất là khi Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành VBQPPL 2015, có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp trực tiếp tham mưu ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai thi hành. Các hoạt động cụ thể như tổ chức hội nghị triển khai thi hành luật, hội nghị tập huấn cho các đối tượng chuyên môn và ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng, ban hành, rà soát VBQPPL của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, các nội dung quan trọng của Luật ban hành VBQPPL 2015 đã từng bước đầu đi vào nền nếp.
Tuy nhiên, qua hơn 01 năm thi hành Luật ban hành VBQPPL 2015 và Nghị định hướng dẫn, mặc dù các cấp chính quyền của tỉnh đã rất tích cực trong việc nghiên cứu và thực hiện, nhưng do Luật và văn bản hướng dẫn thi hành có khá nhiều điểm mới so với các quy định trước đây, đặt ra yêu cầu cao và chặt chẽ hơn cho công tác xây dựng VBQPPL nên đã phát sinh không ít những khó khăn, vướng mắc. Dưới đây là một số nội dung cụ thể:
1. Về hình thức văn bản để bãi bỏ một VBQPPL: khoản 1 Điều 12 của Luật ban hành VBQPPL 2015, quy định: "Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được ... bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó...". Theo đó, khi ban hành một VBQPPL, ví dụ như Quyết định của UBND bãi bỏ một hoặc một số Quyết định (VBQPPL) thì nội dung của Quyết định đó không thể hiện nội hàm "có chứa QPPL" theo quy định, dẫn đến một số địa phương trên địa bàn tỉnh ban hành quyết định cá biệt (không phải VBQPPL) để bãi bỏ.
2. Về việc đánh giá tác động của chính sách đối với các đề nghị xây dựng nghị quyết có nội dung quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 27 của Luật ban hành VBQPPL 2015 (tức là chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương). Luật ban hành VBQPPL 2015 và Nghị định số 34/2016, đưa ra 05 tiêu chí đánh giá: tác động về kinh tế, tác động về xã hội, tác động về giới (nếu có), tác động của thủ tục hành chính (nếu có) và tác động đối với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động chính sách của mỗi tiêu chí này như thế nào? Những nội dung nào mang tính chất bắt buộc? Những nội dung nào có thể không cần thiết đánh giá? Trường hợp nào đánh giá bằng phương pháp định lượng, trường hợp nào đánh giá bằng phương pháp định tính?... đến nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể để tạo thuận lợi trong việc triển khai, áp dụng.
3. Về quy định HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã chỉ được ban hành VBQPPL khi được Luật giao (Điều 30 của Luật ban hành VBQPPL 2015): Đây là một quy định rất "vướng" trong thực tế. Khái niệm "Luật giao" chưa được giải thích rõ ràng. Theo tinh thần của "Chính phủ kiến tạo" là tạo thế chủ động, sáng tạo cho các cấp chính quyền địa phương quyết định các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình, kể cả chủ động trong sử dụng nguồn vốn ngân sách được cấp... nhưng lại không được chủ động quyết định các biện pháp thực hiện. Đã có một số địa phương cấp huyện, cấp xã ban hành VBQPPL nhưng chưa được "luật giao", thành ra việc ban hành như vậy là trái với Điều 30 của Luật ban hành VBQPPL 2015. Thực tế cho thấy, do không được ban hành VBQPPL vì chưa có luật giao, nên nhiều địa phương (nhất là cấp huyện) đã gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện chức năng quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của mình.
Hơn nữa, nếu ban hành văn bản dưới hình thức cá biệt mà có chưa QPPL thì qua công tác kiểm tra, rà soát văn bản phải tiến hành xử lý các văn bản này theo quy định do vi phạm Khoản 2, Điều 14 của Luật là: "Ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 của Luật này nhưng có chứa quy phạm pháp luật" và Điểm d, Khoản 1, Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP là: "Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật; văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có thể thức như văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người không có thẩm quyền ban hành". Cho đến nay, chưa có cơ chế giải quyết vấn đề vướng mắc này, đề nghị Bộ Tư pháp sớm có hướng giải quyết.
4. Về quy trình ban hành quyết định (QPPL) của cấp tỉnh để quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương đối với một hoặc nhiều đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh:
Thực tế cho thấy có những cơ chế chính sách chung do tỉnh ban hành khi đem áp dụng vào một số huyện thì bị "vướng" do tính chất đặc thù của địa phương. Vấn đề này, theo Điều 28 của Luật ban hành VBQPPL năm 2015 thì UBND tỉnh có thể ban hành VBQPPL để quy định cơ chế chính sách riêng cho một số huyện hoặc liên huyện (nếu cấn thiết). Và theo Điều 127 của Luật ban hành VBQPPL năm 2015 thì cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện liên quan có thẩm quyền đề nghị xây dựng quyết định (QPPL) của UBND tỉnh. Tuy nhiên, Nghị định số 34/2016 chưa có quy định chi tiết vấn đề này.
5. Có sự mâu thuẫn về thẩm quyền, trình tự công bố danh mục văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực (theo Khoản 4, 5 Điều 38 và Khoản 1 Điều 157 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP):
- Điểm a Khoản 4 Điều 38 Nghị định số 34 quy định thẩm quyền công bố văn bản (QPPL) hết hiệu lực là cơ quan đã ban hành ra các văn bản đó, tức là HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (công bố trước ngày văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực).
- Điểm a Khoản 5 Điều 38 quy định thẩm quyền công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực là UBND các cấp hoặc trình Thường trực HĐND cùng cấp công bố (công bố trước ngày văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực).
- Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 157 của Nghị định lại quy định: Chủ tịch UBND các cấp công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực thuộc trách nhiệm rà soát của mình, bao gồm cả văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực theo quy định tại Khoản 3, 4 và 5 Điều 38 của Nghị định này" theo định kỳ hằng năm.
Những nội dung vướng mắc, bất cập nêu trên, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu và đưa ra hướng xử lý khắc phục phù hợp với thực tế, để Luật ban hành VBQPPL 2015 tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc kiến tạo cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương./.

Thanh Trang
(Phòng XD&KTVB)


Tin mới:
Các tin khác: