Cần bổ sung quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính trong Luật tổ chức CQĐP năm 2015
 Thứ ba, 03 Tháng 10 2017 10:22 - 1619 Lượt xem
In

Trong nhiều năm qua, Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản pháp luật quy định về việc điều chỉnh địa giới hành chính; tuy nhiên, cho đến khi Hiến pháp năm 2013 ban hành, lần đầu tiên Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) nhằm thể chế hóa những quy định của Hiến pháp có liên quan. Theo đó, Luật Tổ chức CQĐP quy định các nội dung về địa giới hành chính các cấp, tiêu chí phân loại địa giới hành chính các cấp; trình tự, thủ tục, phương thức xác lập, điều chỉnh địa giới hành chính các cấp, trong đó có chính quyền dưới cấp tỉnh. Đây là văn bản pháp lý cao nhất quy định toàn diện về tổ chức và hoạt động của CQĐP và các hoạt động liên quan đến địa giới hành chính địa phương từ năm 1945 đến nay.
Tại Điều 129 Luật Tổ chức CQĐP quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính như sau:
"1. Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
3. Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.".
Tuy nhiên, trong các Điều tiếp theo: 130, 131 và 132, Luật Tổ chức CQĐP lại không đề cập đến việc quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính như thế nào mà chỉ quy định trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Cụ thể :
- Điều 130 (khoản 2), quy định về xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, như sau "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc báo cáo Chính phủ".
- Điều 131 (khoản 1), quy định về lấy ý kiến Nhân dân địa phương về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, quy định: "Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến của Nhân dân là cử tri ở đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo hình thức phát phiếu lấy ý kiến cử tri.".
- Điều 132, quy định Hội đồng nhân dân thông qua đề nghị thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính ...
Qua những điều luật trên, ta có thể dễ dàng nhận thấy Luật Tổ chức CQĐP đã "bỏ ngõ" quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục đối với việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính. Chính vì Luật này chưa quy định rõ điều kiện, trình tự, thủ tục cho việc đặt, đổi tên đơn vị hành chính như thế nào nên sẽ gây khó khăn trong thực tiễn khi có một địa phương nào đó cần sát nhập, chia tách, thành lập mới một đơn vị hành chính có nhu cầu muốn đặt tên mới hoặc thay đổi tên cũ cho một đơn vị cấp xã, huyện hay tỉnh (tại các Điều 130, 131, 132 chưa quy định việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính).
Trên thực tế việc đổi tên (đặt tên mới) cho một địa phương có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa, lịch sử, truyền thống của một địa phương. Chính vì vậy việc đổi tên một xã hay huyện cần phải được nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ; các cấp, các ngành cũng cần phải bàn bạc, cân nhắc kỹ những vấn đề có thể phát sinh gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tình cảm của người dân; nhất là những phát sinh về thủ tục hành chính liên quan đến các loại giấy tờ tùy thân của công dân sau khi đơn vị hành chính đã được đổi tên.
Để kịp thời khắc phục bất cập nêu trên, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành một quy định rõ ràng và chặt chẽ các tiêu chí, điều kiện, quy trình, thủ tục hồ sơ về việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn để các địa phương nếu có nhu cầu đổi tên đơn vị hành chính thì có thể áp dụng làm cơ sở cho việc xây dựng đề án và thực hiện theo một trình tự, thủ tục thống nhất đối với việc xin đổi tên xã, huyện hoặc tỉnh hiện nay./.

Thụy Vân
(Phòng Nội vụ huyện Đại Lộc)


Tin mới:
Các tin khác: