Một số điểm bất cập của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
 Thứ hai, 18 Tháng 9 2017 12:27 - 5504 Lượt xem
In

BBT: Tác giả Lê Hằng Vân, gửi đến BBT bài viết có nội dung phản biện một số quy định trong Bộ luật TTDS năm 2015 mà tác giả cho rằng còn bất cập. Tôn trọng quan điểm cá nhân và ghi nhận tinh thần tìm tòi phát hiện của tác giả, BBT cho đăng bài viết này, để quý bạn đọc có dịp cùng trao đổi.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật TTDS 2015) có hiệu lực thi hành chung kể từ ngày 01/7/2016, bên cạnh đó cũng có một số quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/ 01/2017. Đây là một trong những Bộ luật mang tinh thần đổi mới theo Hiến pháp 2013, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp nhằm hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.

Bộ luật TTDS 2015 thực hiện mô hình tố tụng “xét hỏi kết hợp với tranh tụng” thể hiện rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, thông qua các chế định cụ thể: coi việc tranh tụng như là khâu đột phá trong hoạt động xét xử; tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; bổ sung cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định; khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài, Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó… Thể hiện rõ nhất tinh thần đổi mới của Bộ luật TTDS 2015 là quy định: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đối với những trường hợp này, Bộ Luật TTDS 2015 cho phép Tòa án căn cứ vào nguyên tắc: các bên không có thoả thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng...

Tuy nhiên, qua hơn một năm áp dụng, bên cạnh những mặt tích cực vẫn bộc lộ những bất cập, hạn chế thiếu sót. Trong bài này, tôi xin đề cập những hạn chế đó để các đồng nghiệp tham khảo.

Một là, người được ủy quyền có quyền ký đơn kiện thay cho người ủy quyền không? Câu hỏi tưởng như khá đơn giản và có thể trả lời ngay là được, vì tại Điều 186 Bộ luật TTDS 2015 đã quy định rõ là: “ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Tuy nhiên, tại Điều 189 của Bộ luật này, quy định về hình thức, nội dung đơn khởi kiện thì lại có quy định khác, cụ thể:

“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện.

2. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:

a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ”.

Với quy định nêu trên thì người khác chỉ có viết hộ đơn khởi kiện, còn người đi kiện phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn. Như vậy, nội dung Điều 186 và Điều 189 có mâu thuẫn với nhau. Tôi chưa đồng tình với quy định này, bởi chế định ủy quyền thì cá nhân có thể ủy quyền cho người khác nhiều nội dung kể cả quyết định toàn quyền trong việc giải quyết nội dung vụ kiện, thì không có lý do gì lại hạn chế người được ủy quyền không được ký vào đơn khởi kiện mà chỉ có người đi kiện ký vào đơn mới hợp lệ.

Hai là, vấn đề thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ. Theo quy định tại khoản 4 Điều 96 Bộ luật TTDS 2015 thì : Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này. Theo như vậy, thì đương sự phải nộp tài liệu chứng cứ cho Tòa án tối đa là 02 tháng hoặc 04 tháng tùy theo từng loại án được quy định tại Điều 203 Bộ luật TTDS 2015, về thời hạn chuẩn bị xét xử. Và như vậy, Bộ luật TTDS 2015 quy định giới hạn quyền cung cấp tài liệu chứng cứ của đương sự mà không hề giới hạn thời hạn thu thập chứng cứ của Tòa án, mà cụ thể là thẩm phán trực tiếp thụ lý, xét xử vụ án đó. Do đó, có thể dẫn đến khả năng có sự tùy tiện trong việc cho đương sự giao nộp chứng cứ, tài liệu và thực tế có vụ án Thẩm phán giới hạn cho đương sự giao nộp chứng cứ với thời hạn trên, nhưng có vụ án khi mở phiên tòa sơ thẩm vẫn được giao nộp chứng cứ, mặc dù trước đó đã được yêu cầu giao nộp chứng cứ, tài liệu cụ thể.

Thứ ba, khoản 5 Điều 189 Bộ luật TTDS 2015 quy định: Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác. Đây là quy định mới trong Bộ luật TTDS 2015 và là quy định tiến bộ, giúp cho các bên đương sự có điều kiện tiếp cận đầy đủ tài liệu để tham gia tranh luận tại phiên tòa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có trường hợp nào đương sự thực hiện và quan trọng hơn là không có chế tài nào để buộc thực hiện nên dẫn đến việc đương sự không thực hiện nhưng Tòa án không xử lý được và tính khả thi trong thực tế của chế định này không cao.

Thứ tư, là vấn đề chuyển nhượng tài sản để nhằm mục đích tẩu tán tài sản, không chịu thi hành án dân sự khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đây là nội dung thường xảy ra. Ví dụ: tháng 8/2015 Tòa án tuyên buộc A trả cho B 800 triệu đồng. Tháng 9/2015 A bán cho C ngôi nhà của mình giá 800 triệu đồng và đã có công chứng, sang tên đổi chủ. Tháng 3 năm 2017 B yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án trả lời A không còn tài sản. Vậy, câu hỏi đặt ra là B có quyền kiện ra Tòa án để kiện A đòi hủy hợp đồng mua bán nhà nói trên giữa A và C không?

Vấn đề trên không được Bộ luật TTDS 2015 quy định và Bộ luật Dân sự 2015 cũng không có quy định về khởi kiện để hủy hợp đồng do tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Tôi cho rằng đây là thiếu sót của Bộ luật TTDS 2015. Tuy nhiên, Điều 24 của Nghị định 62 /2015 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự quy định về kê biên tài sản để thi hành án, có quy định:

“1. Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự”.

Như vậy, nếu rơi vào trường hợp trên thì người được thi hành án không thể căn cứ vào Bộ luật TTDS 2015 mà phải căn cứ vào Luật Thi hành án dân sự để khởi kiện hủy hợp đồng chuyển nhượng tài sản nói trên. Trên đây là vài điểm bất cập trong việc áp dụng Bộ luật TTDS 2015, xin đề cập và mong các đồng nghiệp trao đổi để làm sáng tỏ các nội dung trên./.

Lê Hằng Vân


Tin mới:
Các tin khác: