Thực tiễn cho thấy việc tham gia tố tụng là hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) có hiệu quả nhất trong 4 hình thức TGPL hiện nay, do trợ giúp viên pháp lý và luật sự cộng tác viên thực hiện. Trong thời gian qua, nhờ chủ trương đẩy mạnh cải cách tư pháp của Nhà nước, vai trò của Trung tâm TGPL ngày càng được coi trọng, vị trí của trợ giúp viên pháp lý và luật sự là cộng tác viên TGPL được nâng cao, tham gia ngày càng sâu hơn vào các lĩnh vực tố tụng. Hoạt động của trợ giúp viên pháp lý và luật sư có thể xem như một công cụ hữu hiệu để giúp cho các cá nhân, tổ chức bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Có thể nói tranh tụng là một "điểm nhấn" quan trọng trong cải cách tư pháp. Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp trong thời gian tới đã khẳng định các nguyên tắc như: "... bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác; việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa; các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư tham gia vào quá trình tố tụng...". Qua nhiều năm thực hiện cải cách tư pháp, chất lượng hoạt động điều tra, truy tố và xét xử đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng tiếp tục khẳng định một trong những nhiệm vụ cụ thể của cải cách tư pháp là "... xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp". Các quan điểm chỉ đạo quan trọng này cho thấy việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là hoạt động có tính cấp thiết và mang tính quyết định đối với việc đổi mới hoạt động tư pháp. Và đó cũng chính là điều kiện để trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên có điều kiện tham gia tố tụng được thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, đồng thời các quyền bào chữa, bảo vệ của bị cáo, đương sự được đảm bảo hơn trên thực tế. Theo Luật TGPL hiện hành, trợ giúp viên pháp lý hoạt động với chức năng nhiệm vụ như luật sư, chỉ khác ở chỗ phạm vi hoạt động hẹp hơn. Trong những năm qua, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh hoạt động tố tụng, đưa ra các chỉ tiêu, giải pháp như: phấn đấu đáp ứng 100% nhu cầu của đối tượng; hằng năm trợ giúp viên phấn đấu tham gia đạt loại khá trở lên theo tiêu chí của Bộ Tư pháp quy định; chất lượng từng bước được nâng lên, đáp ứng được sự hài lòng của đối tượng... Từ năm 2009 đến 2016, Trung tâm TGPL đã cử luật sư cộng tác viên và trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng 989 vụ việc. Trong đó, luật sư thực hiện 549 vụ việc, chiếm 61,2%, còn lại trợ giúp viên thực hiện 349 vụ việc chiếm 38,8%. Có nhiều luật sư cộng tác viên tham gia TGPL bằng cả tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp của mình, như luật sư Bùi Anh Nam, trong 3 năm gần đây đã giải quyết 37 vụ việc, chiếm 20,67%; luật sư Nguyễn Sơn 40 vụ việc, chiếm 22,34%; luật sư Đào Duy Khánh 33 vụ việc, chiếm 18,43%; luật sư Trương Ngọc Trung 28 vụ việc, chiếm 15,64%... Bên cạnh đó, còn có nhiều luật sư trẻ mới vào nghề cũng tâm huyết với hoạt động TGPL như các luật sư Huỳnh Văn Phú, Hồ Văn Sơn... Có thể nói các luật sư cộng tác viên và trợ giúp viên pháp lý đã tham gia thành công rất nhiều vụ việc, giúp cho đối tượng bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời cũng tham gia làm sáng tỏ nhiều tình tiết khách quan của vụ án, giúp cho Tòa án có phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bên cạnh những mặt làm được, công tác TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh cũng còn những hạn chế thiếu sót như: kinh phí thanh toán cho cộng tác viên theo chế độ hiện nay còn thấp, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, nên có những vụ việc, nhất là các huyện miền núi thường ít có luật sư tham gia hoặc nếu có tham gia cũng chỉ tham gia một ngày xét xử, không nghiên cứu hồ sơ trước và dựa vào tranh tụng tại phiên tòa để đưa ra đề nghị với hội đồng xét xử, hoặc gửi bản luận cứ để Tòa án xem xét... Từ đó, chất lượng một số vụ việc còn hạn chế nhất định, chưa tạo được sự hài lòng của đối tượng; kinh phí các Chương trình mục tiêu Quốc gia, dự án... dành cho TGPL đến nay cũng thưa dần, nên công tác truyền thông, bồi dưỡng nghiệp vụ rất hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác TGPL nói chung và tham gia tố tụng nói riêng. Những giải pháp chủ yếu để đảm bảo cho trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng có hiệu quả trong thời gian đến: Thứ nhất, cần nhận thức và xác định đúng vai trò, vị trí của người bào chữa trong tố tụng hình sự; tích cực tuyên truyền sâu rộng Luật TGPL 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản pháp luật về tố tụng, các văn bản pháp luật về nội dung để các đối tượng được biết và có cơ hội tiếp cận được với hoạt động TGPL. Thứ hai, đề nghị Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự theo hướng bổ sung thêm quyền và cơ chế để người bào chữa khi tham gia tố tụng được thực chất hơn; bổ sung pháp luật về luật sư theo hướng mỗi luật sư có nghĩa vụ tham gia vào hoạt động TGPL ít nhất từ 2 đến 5 vụ việc, coi đây là một tiêu chí để đánh giá đạo đức nghề nghiệp luật sư hằng năm. Thứ ba, cần sớm có cơ chế đảm bảo cho các quy định của pháp luật về quyền của luật sư và trợ giúp viên được thực hiện trên thực tế; bổ sung cơ chế, chế độ phù hợp cho đội ngũ trợ giúp viên như: chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp công vụ..., để thu hút lực lượng trẻ, có năng lực vào làm công tác TGPL. Thứ tư, đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu để nâng cao trình độ và kỹ năng tranh tụng cho các luật sư và trợ giúp viên pháp lý; thường xuyên có những cuộc tọa đàm ở từng cụm, khu vực, để có kinh nghiệm trong hoạt động tranh tụng ở các thể loại án khác nhau. Trong điều kiện Chiến lược cải cách tư pháp đang được đẩy mạnh thì việc xác định đúng vai trò của luật sư và trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng là hết sức cần thiết, qua đó tạo điều kiện đảm bảo cho luật sư và trợ giúp viên pháp lý phát huy vai trò của mình, góp phần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được TGPL./.
Lê Hằng Vân |