Nâng cao tính chuyên nghiệp là xu hướng và đòi hỏi tất yếu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới |
Thứ ba, 24 Tháng 11 2015 14:11 - 1643 Lượt xem |
|
|
Trong những năm qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Tư pháp, đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về pháp luật từng bước hình thành ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Để tiếp tục triển khai thực hiện công tác PBGDL trong thời gian tới một cách hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật ngày càng cao của cán bộ và nhân dân, theo chúng tôi, yêu cầu đặt ra là phải làm thế nào để nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp đối với công tác này. Bởi đây là đòi hỏi tất yếu để công tác PBGDPL hiện nay và trong tương lai tiếp tục phát huy vai trò của “khâu đầu tiên” đưa pháp luật vào cuộc sống. Chuyên nghiệp, theo chúng tôi, đó là việc hoàn thành công việc của những người (hay nhóm người) chuyên về một nghề (hay một việc), hướng tới một hoạt động nào đó xác định là chuyên môn của mình, để cho ra những sản phẩm mà những người khác nếu không chuyên nghiệp thì không thể làm được như họ. Từ cách hiểu này, có thể thấy hiện nay trên cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng vẫn chưa có một cơ quan, tổ chức nào thực hiện công tác PBGDPL một cách chuyên nghiệp theo đúng nghĩa của nó. Ngay cả Sở Tư pháp, mà cụ thể là Phòng PBGDPL và Phòng Tư pháp cấp huyện là cơ quan tham mưu chính cho UBND cùng cấp trong việc quản lý, chỉ đạo, theo dõi về công tác PBGDPL tại địa phương cũng chưa thể hiện được chuyên nghiệp trong công tác PBGDPL. Bởi các cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về công tác PBGDPL vừa trực tiếp tham gia hoạt động PBGDPL với những phương tiện, điều kiện hết sức hạn chế. Có một thực tế là trong thời gian qua và cả hiện nay, nhiều cơ quan từ cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đều trực tiếp xuống cơ sở tham gia các hoạt động PBGDPL cho người dân; một số văn bản luật như Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Bộ Luật dân sự, Luật đất đai... ngành nào cũng tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến trong khi chất lượng các hội nghị này ra sao lại là một dấu hỏi lớn. Việc thực hiện các đề án PBGDPL, các sở, ngành cấp tỉnh chủ trì đề án được bố trí kinh phí theo kế hoạch, rồi “cơm đùm gạo gói” xuống cơ sở để phổ biến pháp luật cho người dân, trong khi những công việc này cấp huyện, cấp xã hoàn toàn có thể làm được. Công tác PBGDPL trong thời gian qua có tình trạng dàn trải, bất cập như trên, chúng tôi cho rằng do xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ và đúng đắn của các cấp, các ngành về quan điểm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đạng trong Chỉ thị Số 32 – CT/TW ngày 09/12/2013: “Xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Chúng tôi khẳng định quan điểm chỉ đạo trên đây là hoàn toàn đúng đắn, vì công tác PBGDPL phải có sự vào cuộc tham gia của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, theo chúng tôi, để đưa quan điểm trên vào cuộc sống, cần phải có sự tách bạch rõ ràng hai nội dung cơ bản trong đó là: “nhận thức về nhiệm vụ” và “phân công nhiệm vụ” trong quá trình tổ chức thực hiện. Nhận thức về nhiệm vụ, như quan điểm chỉ đạo của Ban Bí thư là “của toàn bộ hệ thống chính trị” là hoàn toàn đúng đắn,và lâu nay hình như chúng ta mới dừng lại tại đây. Còn về nội dung phân công nhiệm vụ để triển khai thực hiện thì không thể nào mang tính nhất loạt, mà phải làm rõ đâu là cơ quan quan nòng cốt, đâu là cơ quan phối hợp cùng với những chức năng nhiệm vụ cụ thể của nó, nội dung này lâu nay chúng ta chưa nghiên cứu để đưa vào cuộc sống. Việc phân định cơ quan nòng cốt, cơ quan phối hợp rõ bằng chức năng nhiệm vụ cụ thể của nó, có ý nghĩa rất lớn, giúp chúng ta thấy được đòi hỏi về tính chuyên nghiệp của cơ quan nòng cốt đóng vai trò chủ lực, điều hành và quyết định thành tựu công việc; cơ quan phối hợp có trách nhiệm tham gia vào quá trình thực hiện các kế hoạch PBGDPL một cách tích cực theo nội dung được phân công. Như vậy, theo chúng tôi, yêu cầu tất yếu đặt ra trong tương lai là phải có một tổ chức chuyên nghiệp, chuyên thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ PBGDPL cho xã hội, tách bạch với chức năng quản lý nhà nước về công tác này. Theo đó, chúng tôi xin đề xuất mô hình tổ chức ở đây là chuyển đổi Phòng PBGDPL thành “Trung tâm Phổ biến, giáo dục pháp luật” ở cấp tỉnh, là một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp. Với tư cách là một đơn vị sự nghiệp công lập, Trung tâm PBGDPL sẽ có điều kiện chuyên nghiệp hóa hoạt động của mình thông qua các hoạt động như biên soạn tài liệu (biên soạn tờ rơi, tờ gấp; giáo án điện tử, đề cương...); quản lý, điều hành trực tiếp đội ngũ Báo cáo viên pháp luật thường trực để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật (tư vấn tại chỗ và tư vấn lưu động cho người dân khi có nhu cầu)... Hiện nay, Phòng PBGDPL của Sở chỉ có 4 biên chế, vừa làm công tác tham mưu cho lãnh đạo Sở trong việc quản lý nhà nước về PBGDPL đồng thời trực tiếp thực hiện các hoạt động PBGDPL, cho nên các hoạt động của Phòng PBGDPL vừa mang tính chắp vá, vừa thiếu tính chuyên nghiệp trước đòi hỏi của yêu cầu ngày một cao hơn của công tác PBGDPL trong điều kiện mới. Việc hình thành Trung tâm PBGDPL theo chúng tôi nên thực hiện theo hướng sử dụng một số biên chế của Trung tâm Trợ giúp pháp lý dôi dư trong quá trình sắp xếp lại bộ máy theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cách làm này sẽ có nhiều thuận lợi như: Không làm tăng biên chế của Sở; sử dụng tối đa được nguồn nhân lực, vật lực sẵn có của Phòng PBGDPL và Trung tâm TGPL; thống nhất được đầu mối để quản lý toàn bộ hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh và quan trọng hơn hết là nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động PBGDPL, đáp ứng được như cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân. Việc thành lập Trung tâm PBGDPL độc lập trên mới chỉ là ý tưởng đề xuất, đề nghị các đại biểu tham dự Tọa đàm tham gia góp ý thêm hoặc đề xuất một giải pháp khác để góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp cho công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./. PBGDPL Tin mới:
Các tin khác:
|